|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc vạch ra kế hoạch bom tấn để trường kỳ sát cánh cùng 'Zero COVID'

10:14 | 01/06/2022
Chia sẻ
Sau khi phải áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt ở Thượng Hải và Bắc Kinh nhằm ngăn COVID-19 lây lan, Trung Quốc đã quyết dồn tâm sức vào việc xét nghiệm hàng loạt. Động thái này cho thấy Bắc Kinh sẽ không chuyển hướng khỏi chiến lược "Zero COVID" tốn kém.

Một buồng xét nghiệm ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg). 

Mạng lưới gồm hàng chục nghìn buồng xét nghiệm đang được lắp đặt tại các thành phố lớn và quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mạng lưới này sẽ tiếp tục được mở rộng cho đến khi mọi người dân tại những thành phố lớn luôn có thể tiếp cận một điểm xét nghiệm trong bán kính 15 phút đi bộ.

Hệ thống trên sẽ cho phép các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến yêu cầu xét nghiệm mỗi 48 giờ, sử dụng kết quả âm tính làm điều kiện để người dân được lên tàu điện ngầm hoặc vào cửa hàng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa danh giá ở Trung Quốc đã thiết kế robot để tự động lấy mẫu xét nghiệm. Doanh nghiệp cũng tuyển dụng nhân sự để trực buồng xét nghiệm, với mức lương trên 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.487 USD) mỗi tháng. Những khoản đầu tư trên nhấn mạnh quyết tâm gắn bó với Zero COVID của Trung Quốc.

Khác biệt với thế giới

Kế hoạch xét nghiệm cho thấy rõ sự khác biệt của Trung Quốc với thế giới. Tuy virus vẫn còn khả năng gây chết người, nhưng tại hầu hết các nước, các ca nhiễm đang trở nên phổ biến.

Trong bước tiếp theo của Zero COVID, giới chức trách Trung Quốc sẽ phản ứng nhanh hơn nữa dựa trên kết quả xét nghiệm để ngăn virus lây lan trong cộng đồng.

Ông Huang Yanzhong, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận xét: “Việc xây dựng mạng lưới xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ chỉ càng khiến Zero COVID kéo dài ở Trung Quốc. Khoảng trống miễn dịch vẫn tiếp tục tồn tại, khiến việc sống chung với virus càng xa vời”.

Ông Michael Mina, cựu giáo sư dịch tễ học của Đại học Harvard, từng nổi tiếng khi kêu gọi các nước coi xét nghiệm là chìa khóa để kiểm soát COVID-19 và tái mở cửa nền kinh tế. Nhưng đến cả ông cũng cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc là "cực kỳ khó khăn", vì COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn.

Zero vĩnh viễn

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng xét nghiệm cố định đang làm gia tăng lo ngại rằng giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đang trì hoãn, hoặc thậm chí là loại bỏ hoàn toàn, việc chuyển hướng khỏi chính sách Zero COVID.

Tháng trước, ông Mã Hiểu Vỹ, Chủ nhiệm Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã thúc giục quan chức tại

các thủ phủ tỉnh và thành phố lớn xây dựng cơ sở xét nghiệm thường xuyên để phát hiện trường hợp nhiễm Omicron. Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẽ thành lập các bệnh viện COVID “thường trực”.

Theo các nhà kinh tế từ Goldman Sachs, tổng chi phí cho nỗ lực này ước tính lên đến 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30,1 tỷ USD), tương đương 0,2% GDP năm 2021 của Trung Quốc. Nhưng chi phí có thể tăng lên tới 1,8% GDP nếu các thành phố nhỏ hơn làm theo và 70% dân số phải xét nghiệm mỗi 48 giờ, các nhà phân tích của Nomura cho biết.

Ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management bày tỏ: “Mong rằng việc xét nghiệm thường xuyên chỉ là biện pháp chính sách tạm thời. Trung Quốc phải tìm cách rút lui khỏi Zero COVID, nếu không chi phí kinh tế sẽ trở nên quá cao với chính phủ, các hộ gia đình và cả doanh nghiệp”.

Ai được lợi?

Với các quan chức, xét nghiệm thường xuyên có thể trở thành tình huống lợi cả đôi đường. Ông Lu Ting, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của Nomura, chỉ ra rằng các quan chức sẽ “ghi điểm” nếu giữ cho thành phố không có virus hoặc phát hiện được các ca nhiễm COVID-19.

Mặt khác, các doanh nghiệp như Wuhan Easydiagnosis Biomedicine và Dian Diagnostics đã chứng kiến lợi nhuận tăng vọt khi thế giới có nhu cầu mạnh mẽ cho kit xét nghiệm, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch. Trong bối cảnh nhiều nước khác đã sống chung với virus, những công ty này sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa.

Ông Huang, thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cảnh báo: “Nếu quá tập trung vào việc xét nghiệm hàng loạt, Trung Quốc sẽ tạo ra các nhóm lợi ích và củng cố chúng. Sau đó các nhóm lợi ích sẽ làm mọi cách để vận động Bắc Kinh duy trì Zero COVID. Những doanh nghiệp này sẽ trở thành đồng minh với các quan chức chính phủ cấp cao muốn kiểm soát xã hội toàn diện”.

Ông Mina, cựu giáo sư Harvard, nói rằng Zero COVID cũng có thể gây hại nỗ lực của Trung Quốc, bởi nước này muốn vượt qua đại dịch với ít tổn thất nhất. Do virus không lan truyền ở Trung Quốc đủ để tạo ra miễn dịch tự nhiên, người dân nước này có thể đặc biệt dễ bị tổn thương, nhất là trước các biến chủng mới.

Ông bày tỏ: “Tôi rất lo lắng về Trung Quốc. Chính sách Zero COVID đặt Trung Quốc vào tình thế rất nguy hiểm. Những gì Trung Quốc đang làm không khác gì nhóm củi, lửa sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào có ca nhiễm”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.