|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

4 ngân hàng Trung Quốc lâm vào khủng hoảng tiền mặt, khách biểu tình đòi trả tiền gửi

11:50 | 31/05/2022
Chia sẻ
Tiền gửi tại 4 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã bị đóng băng kể từ ngày 18/4. Một số khách hàng lo sợ chính quyền địa phương sẽ bảo vệ ngân hàng, còn các nhà chức trách thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Người biểu tình đòi ngân hàng trả lại tiền ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Weibo). 

Khách hàng biểu tình

Cuộc khủng hoảng tiền mặt đang diễn ra tại 4 ngân hàng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc là cơn ác mộng tồi tệ nhất với người gửi tiền. Sự việc đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam.   

Cụ thể, theo đưa tin từ SCMP, tiền gửi tại các ngân hàng Yuzhou Xinminsheng Village Bank, Shangcai Huimin County Bank, Zhecheng Huanghuai Community Bank và New Oriental Country Bank of Kaifeng đã bị đóng băng kể từ ngày 18/4. 

Hình ảnh và video người biểu tình trước chi nhánh Hà Nam của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) ở Trịnh Châu tuần trước đã lan truyền rộng rãi trên mạng. Các biểu ngữ trong tay người dân yêu cầu “trả tiền cho chúng tôi”.

Giới chức trách Trung Quốc chưa xác nhận quy mô số tiền bị đóng băng. Nhưng những người gửi tiền đã lập hội nhóm trên nhiều mạng xã hội để bày tỏ bất bình, họ tuyên bố tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ nhân dân tệ.

Một người gửi tiền họ Hang sống ở tỉnh Liêu Ninh chia sẻ: “Tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều kể từ ngày 18/4. Tôi hầu như không ăn không ngủ được”. Cô Hang và cha mẹ có tổng cộng 860.000 nhân dân tệ (tương đương 128.000 USD) tiền tiết kiệm gửi tại ba trong số 4 ngân hàng trên.

Các cuộc biểu tình và nỗi thất vọng của người gửi tiền tại các ngân hàng nông thôn nhỏ diễn ra đúng lúc rủi ro suy thoái của Trung Quốc đang tăng lên. Và sự bất mãn đối với các ngân hàng yếu kém là điều Bắc Kinh không hề mong đợi sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ổn định kinh tế làm ưu tiên hàng đầu. Ông Tập cũng đã cam kết sẽ tăng cường giám sát trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Ngân hàng nông thôn thường là nhà tài trợ chính cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ tại các khu vực kém phát triển hơn so với mặt bằng chung của Trung Quốc. Nhưng chúng cũng bị coi là dễ bị tổn thương trong thời kỳ kinh tế suy giảm.

6 khách hàng của 4 ngân hàng kể trên xác nhận với SCMP rằng họ không thể rút tiền dù là qua mạng hay đến gặp trực tiếp. Tổng số tiền gửi dao động từ 200.000 đến 1,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 30.000 đến 225.000 USD).

Cô Hang ở Liêu Ninh nói thêm: “Người dân chúng tôi tin tưởng vào ngân hàng, và không tưởng tượng nổi sẽ có ngày không rút được tiền”. Cô Hang đang tuyệt vọng và nghĩ rằng các nhà chức trách đang đùn đẩy trách nhiệm.

Ông Adam Ni, nhà phân tích chính trị cho bản tin China Neican cho biết: “Bắc Kinh đang sợ sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống với hậu quả kinh tế và xã hội sâu rộng”.

Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố rằng “các bộ ngành liên quan đã tiến hành điều tra” 4 ngân hàng ở tỉnh Hà Nam. PBoC cũng sẽ “hợp tác với các bộ ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng mà vẫn phù hợp với pháp luật”.

Tại Trung Quốc, tiền gửi bằng nội tệ hay ngoại tệ của doanh nghiệp và cá nhân ở các ngân hàng nội địa được đảm bảo lên tới 500.000 nhân dân tệ cho mỗi người gửi tại mỗi ngân hàng.

Trong video được chia sẻ trên mạng tuần trước, ông Yang Huajun, Phó Giám đốc chi nhánh Hà Nam của CBIRC, nói với người biểu tình rằng các khoản tiền gửi “hợp pháp”, bao gồm cả từ các nền tảng thứ ba, sẽ được bảo vệ. Nhưng ông không thể nói rõ “hợp pháp” là thế nào và bị người biểu tình yêu cầu giải thích liên tục.

Lãi suất hấp dẫn

Trong những năm qua, nhiều ngân hàng nông thôn nhỏ của Trung Quốc đã hợp tác với các nền tảng trực tuyến không độc quyền, mời chào lãi suất cao hơn một chút so với các sản phẩm gửi tiền tương tự tại những ngân hàng lớn hơn. Mục tiêu là thu hút nguồn vốn từ khách hàng ở các địa phương khác.

Một sản phẩm tiền gửi phổ biến mà 4 ngân hàng bị vướng tranh cãi chào mời thông qua nền tảng thứ ba cung cấp mức lãi suất 4,1 đến 4,5%/năm. Người gửi có thể đáo hạn khoản tiền quay vòng trong nhiều nhất là 5 năm.

Trong khi đó, Bank of China, một trong “Big Four” ngân hàng nhà nước Trung Quốc, hiện chỉ cung cấp lãi suất 2,75%/năm cho tiền gửi thời hạn 5 năm.

Một nhóm người biểu tình trước chi nhánh Hà Nam của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) ở Trịnh Châu vào tháng 5. (Ảnh: Weibo). 

Cô Li đã đi từ tỉnh Sơn Tây để gia nhập những người biểu tình ở Trịnh Châu vào ngày 19/5. Cô đã gửi hơn 700.000 nhân dân tệ, và được nền tảng bên thứ ba Duxiaoman Financial đảm bảo rằng số tiền này sẽ được bảo vệ. Nhưng cô bị sốc khi ngân hàng nông thôn tỉnh Hà Nam nói rằng tiền của cô không phải là “tiền gửi ngân hàng”.

“Tôi không hề tin tưởng 4 ngân hàng này. Đặc biệt là sau chuyến đi đến Hà Nam, tôi có cảm tưởng rằng chính quyền địa phương sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ ngân hàng. Khách hàng như chúng tôi bị đối xử tồi tệ”.

Cô Li kể rằng những người biểu tình bị cảnh sát địa phương dùng “vũ lực đẩy ra ngoài” và bị chặn không cho vào thành phố Trịnh Châu. Cảnh sát cũng yêu cầu người biểu tình xóa ảnh và video trong điện thoại.  

Trong vài năm qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã tăng cường giám sát các ngân hàng nhỏ. Năm 2021, PBoC nói rằng ngân hàng địa phương không nên thu hút tiền gửi trên khắp đất nước thông qua các nền tảng internet. PBoC không muốn các ngân hàng tại địa phương nhỏ lôi kéo doanh nghiệp khỏi thị trường quê nhà của họ.

Tuần trước, quan chức thuộc CBIRC tiết lộ rằng một cuộc điều tra đã phát hiện Henan Xincaifu Group Investment Holding, công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở cả 4 ngân hàng gặp rắc rối ở Hà Nam, đã thông đồng với nhân viên ngân hàng để thu hút tiền công trái phép thông qua các nền tảng trực tuyến.

Tạp chí Caixin dẫn lời một quan chức CBIRC giấu tên nói rằng “rủi ro tại các ngân hàng nông thôn vừa và nhỏ ở một số khu vực là tương đối lớn" và các nhà chức trách cần phải tăng cường kiểm soát rủi ro. Vị này còn cảnh báo thêm: “Các rủi ro bắt nguồn từ tác động của COVID-19, chuyển đổi kinh tế và những thay đổi trong các ngành sẽ dần xuất hiện trong tương lai”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.