Dự báo kinh tế liên tục bị hạ thấp, Trung Quốc họp khẩn quy mô toàn quốc
Cuộc họp hiếm hoi và bất thường
Ngày 25/5, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến trên quy mô toàn quốc, động thái hiếm hoi và bất thường nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang bị bầm dập bởi đại dịch COVID-19.
Thời điểm và quy mô của cuộc họp cho các nhà phân tích thấy mức độ cấp thiết và thách thức hiện tại đối với đất nước tỷ dân. Không ít chuyên gia nhận định Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ: “Khó khăn và thách thức, ở một số lĩnh vực và ở các mức độ nhất định, thậm chí còn lớn hơn cả cú sốc từng xảy ra vào năm 2020”.
Ông Lý cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc đang ở “một điểm bước ngoặt”, có thể xác định quỹ đạo tăng trưởng cả năm. Vị thủ tướng kêu gọi các quan chức “làm việc chăm chỉ” để kinh tế tăng trưởng trong quý II và tỷ lệ thất nghiệm đi xuống.
Trung Quốc đã cố gắng dập tắt đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất từ trước đến nay bằng chiến lược rất hà khắc, bao gồm phong tỏa diện rộng và xét nghiệm hàng loạt, với minh chứng là trung tâm tài chính Thượng Hải. Các doanh nghiệp nước ngoài cho biết sản lượng và doanh thu đều bị ảnh hưởng bởi chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh.
Theo CNBC, mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc không nêu rõ có bao nhiêu quan chức tham dự hội nghị trực tuyến, một bản tin tối cùng ngày cho thấy các phòng họp lớn với rất đông quan chức các tỉnh đang theo dõi cuộc họp.
Ông Zong Liang, trưởng nhóm nghiên cứu tại Bank of China, cho biết trong nhiều năm qua, Trung Quốc không tổ chức cuộc họp nào quy mô lớn như thế. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng chưa từng có cuộc họp nào được tổ chức để giải quyết mối quan tâm của nhiều cấp chính quyền cùng lúc.
Theo vị chuyên gia, việc giao tiếp trực tiếp như vậy có thể sẽ giúp các địa phương cải thiện cách thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế và kiểm soát COVID. Ông cho biết, chính sách của Bắc Kinh thường được truyền đạt qua nhiều cấp và một số địa phương đã thực hiện những biện pháp nghiêm khắc không cần thiết.
Xét về cấp độ hành chính, Trung Quốc có 31 khu vực cấp tỉnh và hơn 2.800 khu vực cấp quận. Văn phòng thông tin của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cơ quan điều hành cao nhất là ông Lý Khắc Cường đứng đầu, không phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC về cuộc họp.
Trong một báo cáo cùng ngày 25/5, các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận xét: “Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang gấp rút hỗ trợ nền kinh tế sau khi tăng trưởng yếu đi rõ rệt trong tháng 4, phục hồi kém trong tháng 5 và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng”.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Lý về việc phải tăng trưởng trong quý II “cho thấy Bắc Kinh có thể đang ngầm thừa nhận rằng mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra vào đầu tháng 3 đang rất bấp bênh”, Goldman Sachs nói thêm.
Dự báo kinh tế tiếp tục bị hạ thấp
Mặc dù số ca nhiễm COVID mới tại Thượng Hải, Bắc Kinh và các khu vực khác đã giảm, giới phân tích lưu ý rằng chính quyền các địa phương vẫn rất thận trọng với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID.
Trong tuần này, hai ngân hàng đầu tư lớn bao gồm JPMorgan và UBS đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc, lần lượt xuống các mức rất thấp là 3,7% và 3%.
Ông Jianwei Xu, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, cho biết công chúng cần phải đánh giá xem các biện pháp hỗ trợ kinh tế đã công bố sẽ hiệu quả như thế nào.
“Câu hỏi quan trọng là làm thế nào Bắc Kinh khôi phục tính di động trong nền kinh tế”, ông Xu chia sẻ tại một hội thảo. “Để đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại mức trước đại dịch có lẽ cần nhiều biện pháp hơn so với công bố ngày hôm qua, vì niềm tin của công chúng vào nền kinh tế nước này đang rất thấp”.