|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ bỏ Zero COVID có thể nhấn chìm Trung Quốc trong ‘sóng thần’ dịch bệnh, giết chết 1,6 triệu người

14:22 | 11/05/2022
Chia sẻ
Cùng ngày Đại học Phục Đán (Thượng Hải) đăng tải nghiên cứu cảnh báo về hậu quả khủng khiếp nếu chính phủ từ bỏ Zero COVID, Tổng Giám đốc WHO lại công khai kêu gọi Trung Quốc thay đổi chính sách chống dịch không khoan nhượng.

Viễn cảnh đáng sợ

Nghiên cứu của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải chỉ ra rằng Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với “sóng thần” COVID-19, khiến 1,6 triệu người chết nếu chính phủ từ bỏ chính sách Zero COVID và để biến chủng Omicron tự do lây lan.

Bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature của Đại học Phục Đán phát hiện rằng mức độ miễn dịch đạt được từ chiến dịch tiêm phòng hồi tháng 3 sẽ “không đủ” để ngăn làn sóng bệnh nhân nhiễm Omicron gây quá tải phòng cấp cứu. Nguyên nhân là tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhóm người cao tuổi và sự phụ thuộc vào vắc xin nội địa, kém hiệu quả hơn vắc xin phương Tây.

Người dân tại một khu phố bị phong tỏa ở Thượng Hải nhận thực phẩm tiếp tế vào ngày 7/5/2022. (Ảnh: Bloomberg). 

Các tác giả nghiên cứu cho biết nếu không có các hạn chế như phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt, làn sóng dịch bệnh sẽ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7. Sự lây lan của Omicron có thể dẫn đến 112,2 triệu ca nhiễm có triệu chứng, 5,1 triệu người phải nhập viện và 1,6 triệu ca tử vong.

Thượng Hải báo cáo 1.487 ca nhiễm mới trong ngày 10/5, giảm đáng kể so với con số 3.014 ghi nhận ngày hôm trước. Không trường hợp mới nào được phát hiện ngoài cơ sở cách ly.

Các quan chức đã ngầm phát tín hiệu rằng Thượng Hải phải ghi nhận ba ngày liên tiếp không có ca nhiễm cộng đồng nào rồi mới bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trước khi điều đó xảy ra, hàng triệu người vẫn sẽ phải tiếp tục ở yên trong nhà. Bắc Kinh báo cáo 37 ca nhiễm mới trong ngày 10/5, bằng một nửa con số ngày trước đó.

Bất đồng từ WHO

Nghiên cứu của Đại học Phục Đán được công bố cùng ngày Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi Trung Quốc suy nghĩ lại về chiến lược Zero COVID. Ông Tedros đánh giá cách tiếp cận này không còn hợp lý trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan và kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề.

Trong cuộc họp báo hôm 10/5, Tổng Giám đốc WHO phát biểu: “Chúng tôi không nghĩ chiến lược Zero COVID có thể được duy trì lâu dài, khi xét tới hành vi của virus hiện nay và dự đoán của chúng tôi về tình hình dịch bệnh trong tương lai”. Ông nói thêm rằng thay đổi chiến lược chống dịch là rất quan trọng với Trung Quốc.

Bình luận trên là lần hiếm hoi nhà lãnh đạo WHO phê bình chính sách COVID-19 của một nước thành viên. Hồi đầu đại dịch, ông Tedros đã nhận rất nhiều chỉ trích rằng ông đã quá “ưu ái” với Trung Quốc, nơi virus xuất hiện đầu tiên.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO. (Ảnh: Bloomberg). 

Cho đến nay, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn giữ vững chiến lược chống COVID-19 nghiêm ngặt, thắt chặt các biện pháp chống dịch ở Thượng Hải và mở rộng chiến dịch xét nghiệm tại Bắc Kinh. Các quan chức miệt mài theo đuổi mục tiêu xóa sổ số ca nhiễm cộng đồng bất chấp hậu quả kinh tế ngày càng lớn và phần lớn thế giới mở cửa trở lại.

Giới chuyên gia không kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ thực sự từ bỏ Zero COVID trong tương lai gần. Họ dự kiến phải đến khi ông Tập đảm bảo nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ ba tại kỳ họp Đảng Cộng sản mùa thu năm nay thì Trung Quốc mới có thể nới lỏng hạn chế.

Theo Bloomberg, ông Tập và giới lãnh đạo trong nước đã nhiều lần ca ngợi điểm khác biệt giữa chiến lược kiểm soát chặt chẽ, số ca tử vong thấp của Trung Quốc với cách làm của Mỹ, quốc gia có số người chết vì COVID-19 cao nhất thế giới.

Dù vậy, chiến lược Zero COVID đang khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong bối cảnh phần còn lại của thế giới bình thường hóa và sống chung với virus. Các biện pháp ngày càng hà khắc cũng giáng đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc rất khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.