|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc mãi chưa chịu từ bỏ 'Zero COVID'?

15:12 | 06/05/2022
Chia sẻ
Tổn thất kinh tế đã dần lộ rõ, gióng lên những hồi chuông cảnh báo đáng ngại. Vậy nhưng, tại sao chính phủ Trung Quốc chưa chịu vứt bỏ chiến lược "Zero COVID" để sống chúng với virus như phần còn lại của thế giới?

Câu hỏi hóc búa của Bắc Kinh

Trung Quốc đang chống chọi với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Tính từ đầu tháng 3, tổng số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đã tăng lên 733.000, gần gấp 9 lần con số trong làn sóng đầu tiên.

Tại Thượng Hải - tâm chấn của đợt bùng phát mới, số ca lây nhiễm vẫn ở mức cao bất chấp việc thành phố đã phong tỏa hơn một tháng cũng như áp dụng các biện pháp hà khắc như dựng hàng rào trước các tòa chung cư để ngăn người dân ra khỏi nhà.

Trong khi chính quyền các địa phương miệt mài tuân thủ chiến lược Zero COVID, thiệt hại kinh tế đã tăng lên. Dữ liệu kinh tế kém khả quan trong tháng 3 cho thấy một cái nhìn thoáng qua về cú sốc tăng trưởng của Trung Quốc, dù chỉ mới là khởi đầu vì Thượng Hải bắt đầu phong tỏa từ cuối tháng 3.

Đợt dịch hiện nay, kết hợp với quyết tâm duy trì chiến lược Zero COVID của chính quyền trung ương, đã biến mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2022 từ một nhiệm vụ thách thức thành bất khả thi, ngay cả khi Bắc Kinh ban hành một gói kích thích lớn.

Những người phụ nữ bị cách ly tại Thượng Hải cố nhìn ra ngoài qua một khung cửa sổ được khoét trên cánh cổng. (Ảnh: EPA-EFE).

Dù kiên định với Zero COVID là vậy, niềm tin của Trung Quốc có thể đã suy yếu sau các sự kiện gần đây. Nguyên nhân không phải do chiến lược đã mất hiệu quả bởi đây vẫn là giải pháp nhanh chóng để chặn đứng virus ở Thâm Quyến và thành công cô lập phần còn lại của đất nước khỏi sự tàn phá của ổ dịch Thượng Hải.

Vấn đề nằm ở tính bền vững của chiến lược Zero COVID, trong đó bao gồm việc phải cân bằng giữa tổn thất kinh tế - xã hội và lợi ích của các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, SCMP nhận định.

Theo thời gian, tình hình ở Thượng Hải sẽ ổn định lại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là chuyện gì sẽ xảy ra sau khi thành phố hết phong tỏa. Do tính lây nhiễm cao của Omicron, rất có khả năng dịch sẽ bùng trở lại.

Và, nếu không có một sự thay đổi chính sách nào từ cấp cao nhất, Thượng Hải - và cả Trung Quốc, có thể phải trải qua nhiều đợt đóng cửa, có nguy cơ gây thiệt hại sâu sắc và kéo dài cho tình hình kinh tế lẫn xã hội.

Vậy điều gì đang ngăn cản chính quyền Bắc Kinh theo đuổi chiến lược “sống chung với virus” - xu hướng đang dần chiếm ưu thế trên toàn cầu? Ngoài những cân nhắc về chính trị, Trung Quốc có lẽ vẫn chưa sẵn sàng về mặt y tế như nhiều nước phương Tây hay Việt Nam trước khi các quốc gia này thay đổi chính sách chống dịch.

Nguyên nhân nhìn từ góc độ y tế

Mặc dù Trung Quốc là một trong những nước đi đầu về tiêm chủng vắc xin ngừa COVID, cho đến nay, chỉ hơn một nửa dân số địa phương đã hoàn thành ba mũi tiêm. Tình hình nghiêm trọng hơn ở những người cao tuổi, đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn nếu nhiễm virus.

Bên cạnh tỷ lệ tiêm chủng thấp, Trung Quốc mới chỉ bắt đầu tung ra các bộ kit xét nghiệm kháng nguyên nhanh và thuốc kháng virus. Cơ sở hạ tầng y tế - được tính bằng số giường bệnh trên đầu người, có thể thiếu hụt nghiêm trọng so với mức cần thiết để điều trị các ca biến chứng nặng.

Do đó, các nhà chức trách tại đất nước tỷ dân đang phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục chiến lược hiện tại có thể đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái sâu, dẫn đến mất việc làm trên diện rộng và gây bất bình trong xã hội.

Song, chuyển sang trạng thái sống chung với virus có nguy cơ kích hoạt một cuộc khủng hoảng về y tế, cũng gây gián đoạn xã hội. Cả hai kết cục đều là điều tối kỵ trong một năm mà giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ chứng kiến những chuyển biến lớn, đặc biệt là khi ông Tập đang muốn có nhiệm kỳ thứ ba.

Hàng rào xanh lá cây được dựng bên ngoài các tòa chung cư để ngăn người dân rời khỏi nhà. (Ảnh: Reuters).

Gợi ý cho chính quyền ông Tập

Một hướng giải quyết hợp lý là chọn cách tiếp cận chừng mực hơn. Điều này sẽ giúp hạn chế các vụ phong tỏa hà khắc nhằm giảm bớt nỗi đau kinh tế, trong khi vẫn giữ lại nhiều hạn chế xã hội như đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách và truy vết ca bệnh nhằm kiểm soát tốc độ lây lan của virus.

Cùng lúc, xét nghiệm PCR bắt buộc có thể được thay thế dần bằng xét nghiệm kháng nguyên và bệnh nhân không có hoặc có triệu chứng nhẹ có thể được phép cách ly tại nhà, SCMP gợi ý.

Giải pháp về xét nghiệm và điều trị có thể giải phóng một phần nguồn lực y tế để giúp y bác sĩ tập trung vào những người có triệu chứng nặng. Tuy nhiên, bước chuẩn bị quan trọng nhất là tăng tốc tiêm chủng cho người cao tuổi để giảm số trường hợp tử vong.

Về mặt thời điểm, những thay đổi trên nên được thực hiện ngay khi tình hình ở Thượng Hải nằm trong tầm kiểm soát. Chờ đợi thêm 6 tháng cho đến sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc có thể là quá muộn để cứu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, điều chỉnh chiến lược chống dịch vội vàng dù cuộc chiến cam go ở Thượng Hải chưa đi đến chiến thắng có thể khiến giới chức địa phương bối rối. Công chúng cũng có thể coi đây là một sự thừa nhận thất bại của chiến lược Zero COVID từ Bắc Kinh.

Bởi lý do tương tự, khó có khả năng giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh sẽ đưa ra thông báo từ bỏ Zero COVID. Thay vào đó, các điều chỉnh nên được tiến hành dưới “vỏ bọc” Zero COVID. Nói cách khác, tên chiến lược không đổi, nhưng nó sẽ là “bình cũ rượu mới”.

Đối với nền kinh tế tỷ dân, nới lỏng các hạn chế COVID sẽ là chất xúc tác tích cực cho tăng trưởng. Nếu chính quyền trung ương vừa có thể thay đổi chiến lược chống dịch vừa hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn thì tăng trưởng kinh tế cả năm nay có thể đạt trên 4%. Ngược lại, triển vọng kinh tế có thể u ám hơn cả năm 2020, SCMP cảnh báo.

Khả Nhân