|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bloomberg: Trung Quốc sẽ sớm học được rằng số liệu kinh tế đẹp cũng vô dụng

20:44 | 28/04/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn GDP Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn Mỹ bất chấp hệ lụy từ lệnh phong tỏa. Nhờ lạm phát toàn cầu, đây không phải nhiệm vụ khó khăn. Nhưng nền kinh tế thực sự sẽ không nhận được mấy lợi ích.

Giá cả cao giúp xuất khẩu của Trung Quốc tăng về mặt giá trị và ẩn đi sự thật là khối lượng xuất khẩu của một số mặt hàng đang suy giảm. (Ảnh: AP).

Nguồn tin của Wall Street Journal tiết lộ Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo để các quan chức cấp cao đảm bảo rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ trong năm nay. Ông quyết tâm chứng minh rằng hệ thống của Trung Quốc ưu việt hơn Mỹ và nước Mỹ đang đi xuống.

Nghe qua, thông tin này vừa thú vị vừa hấp dẫn với nhà đầu tư. Hơn 340 triệu người trong các tỉnh thành đóng góp cho khoảng 35% GDP của Trung Quốc đang sống trong cảnh bị phong tỏa một phần hoặc toàn phần dưới chiến dịch Zero COVID, theo ước tính của Nomura Securities.

Trong tháng 3, từ trước khi Thượng Hải bị phong tỏa, tỷ lệ thất nghiệp thành thị đã leo lên 6%, mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2014. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn mạnh mẽ. Liệu lời của ông Tập có báo hiệu rằng một gói kích thích lớn cuối cùng cũng sắp được tung ra? Đầu tuần này, ông đã kêu gọi “toàn lực” thúc đẩy hạ tầng để cứu nền kinh tế.

Yêu cầu của ông Tập không phải nhiệm vụ quá khó khăn. Chỉ dựa vào lạm phát toàn cầu, Trung Quốc cũng sẽ đánh bại Mỹ về tăng trưởng GDP thực trong năm nay dẫu nền kinh tế thực suy yếu đến đâu, tờ Bloomberg nhận định.

Chi tiêu cơ sở hạ tầng là biện pháp tuyệt vời để nâng cao GDP. Trong quý I, đầu tư vào các cơ sở công cộng, ví dụ như công trình bảo tồn nước và vận tải đường sắt, tăng trưởng 8,5% so với một năm trước.

Tuy con số này có vẻ đáng nể và cho thấy các quan chức đang hành động, phần lớn sự gia tăng đến từ chi phí cao hơn của sản phẩm công nghiệp như thép. Khi tính đến lạm phát giá sản xuất (PPI) 8,3% thì nền kinh tế thực hầu như chẳng nhận được bất kỳ sự thúc đẩy nào.

Xuất khẩu là một ví dụ tốt khác. Giá cả toàn cầu phi mã đã giúp cho tăng trưởng xuất khẩu đi lên về mặt giá trị, nhưng khối lượng đã suy giảm.

Để tính tăng trưởng GDP thực, các nước tiên tiến dùng một loạt thước đo giá cả cho cả đầu vào và đầu ra. Còn Trung Quốc chỉ dùng công thức giảm phát đơn khi tính toán GDP. Kết quả là trong giai đoạn giá cả toàn cầu biến đổi lớn, phương pháp này có thể bóp méo đáng kể con số tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc.

Gần đây, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng cho cả Trung Quốc và Mỹ. Những nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát dự kiến Mỹ tăng trưởng 3,2% trong năm 2022. Dẫu kinh tế có đình trệ trong quý II, Trung Quốc cũng chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 4% trong nửa cuối năm cũng đủ để đánh bại Mỹ.

 

Tăng trưởng 4% trong 6 tháng cuối năm không phải điều bất khả thi. Khi tính toán số GDP hàng tháng, Trung Quốc sử dụng phương pháp sản xuất, tức là tính tổng giá trị tăng thêm của của các ngành kinh tế và bỏ qua nhu cầu cuối cùng.  

Như vậy, quan chức địa phương có thể bớt lo lắng về chi tiêu của các hộ gia đình. Thay vào đó, họ có thể khuyến khích các nhà máy sản xuất công cụ máy móc. Tiếp theo, các thực thể thuộc sở hữu nhà nước có thể thu mua chúng và coi đó là đầu tư vào tài sản cố định. Còn về mức độ hữu dụng và liệu giá mua vào là quá cao hay hợp lý – những vấn đề này có thể trì hoãn sang hồi sau. Còn hiện tại, tăng trưởng GDP là cuộc đua ông Tập quyết không thua.

Những điều này có ý nghĩa gì với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới? Nếu đánh bại Mỹ về các con số biểu tượng như GDP như số huy chương Olympic là điều mà ông Tập quan tâm nhất, vậy các chính sách cần được ưu tiên khác thì sao?

Với môi trường việc làm ngày càng khó đoán định và lạm phát toàn cầu bắt đầu gây rắc rối, người dân Trung Quốc rồi sẽ thấy tiêu chuẩn sống bị hạ thấp hơn. Rốt cuộc thì, người dân cũng không thể mài con số tăng trưởng GDP ra mà ăn.

Giang