|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Zero COVID không chỉ làm Thượng Hải và Bắc Kinh điêu đứng, nền kinh tế khắp Trung Quốc đang lao đao

09:27 | 07/05/2022
Chia sẻ
Chính sách phong tỏa tại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc đã ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Các số liệu kinh tế mới đều cho thấy tác động sâu rộng của Zero COVID tới mọi lĩnh vực trong đời sống.

Số liệu ảm đạm

Theo CNBC, mặc dù đa số các ca nhiễm COVID mới của Trung Quốc tập trung tại Thượng Hải và Bắc Kinh, dữ liệu cho thấy các hạn chế phòng dịch gây ảnh hưởng rộng hơn rất nhiều.

Theo một khảo sát cuối tháng 3 bởi Phòng Thương mại EU, gần 60% doanh nghiệp từ Châu Âu hoạt động tại Trung Quốc đã hạ dự báo doanh thu do kết quả của các biện pháp kiểm soát COVID. Hơn 1/2 doanh nghiệp hạ dự báo từ khoảng 6 đến 15%.

Với các doanh nghiệp nội địa, khảo sát hàng tháng được công bố vào tuần trước cho thấy tâm lý của những công ty sản xuất và dịch vụ trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cú sốc COVID đầu tiên vào tháng 2/2020.

Khảo sát này được biết đến với cái tên Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy hoạt động kinh doanh tiếp tục thu hẹp so với tháng 3. Chỉ số PMI được Caixin công bố vào hôm 5/5, cho thấy ngành dịch vụ giảm xuống mức 36,2 trong tháng 4.Chỉ số PMI trên 50 thể hiện hoạt động kinh tế tăng trưởng so với tháng trước, dưới 50 thể hiện sự giảm sút.

Cả chỉ số PMI ngành dịch vụ và sản xuất đều sụt giảm sau đợt bùng phát COVID vào tháng 2/2022.

Một thông cáo báo chí cho biết, kỳ vọng về sản lượng trong tương lai đã cải thiện đôi chút, nhưng vẫn còn “một số lo ngại về việc mất bao lâu để có thể giải quyết các ca nhiễm COVID và trở lại điều kiện kinh doanh bình thường”.

Các dữ liệu khác cho thấy tác động tương tự từ hạn chế của COVID ở Trung Quốc.

Theo số liệu của ông Larry Hu, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, sản lượng điện đã tăng trong hai tháng đầu năm, nhưng tốc độ tăng này đã quay về con số 0 vào tháng 3. Ông dự kiến sản lượng điện sẽ giảm vào tháng 4.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Hu lưu ý rằng việc phong tỏa cũng khiến người dân “không thể mua được nhà”, khiến doanh số bán hàng tại 30 thành phố hàng đầu trong tháng 4 giảm 54% so với một năm trước.

Vào ngày 3/4, Starbucks cho biết 72% trong số 225 thành phố của Trung Quốc mà gã khổng lồ cà phê này hoạt động đã bùng phát Omicron. Công ty có hơn 5.600 cửa hàng trải khắp miền đông và miền trung Trung Quốc và đây thị trường lớn thứ hai của họ.

Chủ tịch Starbucks Trung Quốc Belinda Wong cho biết: “Với biến thể dễ lây lan hơn này, các hạn chế di chuyển và phong tỏa được áp dụng nhanh hơn và nới lỏng một cách thận trọng hơn”.  Bà lưu ý rằng hầu hết các cửa hàng vẫn có thể hoạt động theo “các giao thức an toàn nghiêm ngặt gây cản trở hoạt động của chúng tôi”.

Tính đến ngày 3/5, khoảng 1/3 số cửa hàng của Starbucks vẫn tạm thời đóng cửa, hoặc chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng và mang đi. Công ty đã dừng dự báo doanh thu trong phần còn lại của năm tài chính.

Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, về cơ bản vẫn bị phong tỏa trong suốt tháng 4. Thủ đô Bắc Kinh bắt đầu thắt chặt các hạn chế đi lại và kinh doanh vào cuối tháng trước để kiểm soát sự gia tăng đột biến các trường hợp COVID.

Hai thành phố lớn nhất tính theo GDP của Trung Quốc bị phong tỏa trong kỳ nghỉ 5 ngày kết thúc vào hôm 4/5. Số liệu chính thức cho thấy, doanh thu du lịch quốc gia trong giai đoạn này chỉ phục hồi lên 64,68 tỷ nhân dân tệ (9,95 tỷ USD), thấp hơn 44% so với mức trước đại dịch.

Bà Yue Su, nhà kinh tế chính tại The Economist Intelligence Unit, (EIU) cho biết: “Trong thời gian phong tỏa, người dân chỉ tiêu dùng nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Vì vậy, tiêu dùng chắc chắn sẽ sụt giảm, chưa kể giá có thể dễ dàng tăng gấp ba lần trong thời gian này”. 

Bà nói thêm: “Sự thiếu niềm tin trong khu vực tư nhân sẽ ảnh hưởng tới cả đầu tư và việc làm, vốn đã mất nhiều thời gian để phục hồi mặc dù Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp kích thích”.

Trung Quốc đã báo cáo mức tăng trưởng GDP quý đầu tiên tốt hơn dự kiến là 4,8%. Nhưng doanh số bán lẻ đã giảm trong tháng 3, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố lớn nhất của đất nước đã đạt mức cao mới kể từ đầu đại dịch cho đến nay.

Các ngân hàng đều đưa ra mức triển vọng tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu 5,5% của chính phủ Trung Quốc. 

Việc phong tỏa đang ảnh hưởng đến “khả năng tiếp cận các cửa hàng, tạp hóa, bách hóa của người tiêu dùng”, tập đoàn sản phẩm gia dụng khổng lồ Procter & Gamble của Mỹ cho biết. “Ngay cả mua sắm trực tuyến cũng bị hạn chế đáng kể do không có khả năng phân phối”.

Công ty cho biết thị trường đồ gia dụng ở Trung Quốc không tăng trưởng về giá trị trong quý I, đồng thời “với tình trạng tiếp tục phong tỏa kéo dài và nhiều khó khăn, thị trường trong tháng 4 sẽ không thay đổi hoặc thậm chí sa sút”.

"Sóng gió mạnh lên"

Mặc dù kinh nghiệm của Thượng Hải có thể giúp những thành phố khác tổ chức tốt hơn các dịch vụ thực phẩm và y tế, nhà kinh tế Yue Su nói rằng các chính quyền địa phương có tài chính kém sẽ khó duy trì chính sách Zero COVID nếu không có sự hỗ trợ từ trung ương.

Tuần này, thành phố Trịnh Châu đã yêu cầu người dân làm việc tại nhà và học trực tuyến cho đến cuối ngày thứ 3/5. Thành phố Trịnh Châu, nơi có nhà máy lớn của nhà cung cấp iPhone Foxconn, chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNBC.

Các nhà máy, như trường hợp ở Trịnh Châu, thường có thể duy trì sản lượng nếu đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ về COVID, chẳng hạn như giữ công nhân tại nơi làm việc.

Yum China, công ty điều hành chuỗi cửa hàng KFC và Pizza Hut tại Trung Quốc, đã cảnh báo về “sóng gió mạnh lên” trong quý II có khả năng dẫn đến thua lỗ. 

Ngoài Thượng Hải, các thành phố lớn như Phúc Châu, Tô Châu, Thiên Tân, Thâm Quyến và Tây An đã phong tỏa một phần vào tháng 4, công ty cho biết.

Tia hi vọng

Trên toàn Trung Quốc, khoảng 327,9 triệu người tại hơn 40 thành phố bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa hiện nay, theo nhà kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura ước tính hôm 4/5. Những nơi bị phong tỏa đóng góp khoảng 31% GDP của Trung Quốc, giảm nhẹ so với mức 35,1% của tuần trước, ông nói thêm.

Số lượng các ca nhiễm COVID mới ở Thượng Hải và trên toàn quốc đã giảm trong vài ngày qua, đồng thời chính quyền Thượng Hải đã thêm nhiều doanh nghiệp hơn vào danh sách tiếp tục hoạt động sản xuất. 

Số ca nhiễm COVID mới tại Trung Quốc đã giảm từ đầu tháng 5.

Thước đo vận chuyển hàng hóa đường bộ, phản ánh mức độ dễ dàng để vận chuyển hàng hóa, cũng đã được cải thiện, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường.

“Điều tồi tệ nhất có lẽ đã ở phía sau”, ông Larry cho biết. “Tháng 5 sẽ chứng kiến ​​nền kinh tế phục hồi. Cuộc họp của Bộ Chính trị vào tuần trước cho thấy rằng còn quá sớm để từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 5% GDP”.

Minh Quang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.