|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ‘ông Ma’ bị bắt?

15:59 | 05/05/2022
Chia sẻ
Cú lao dốc chớp nhoáng sau khi có tin "ông Ma" bị bắt đã xóa sổ khoảng 27 tỷ USD khỏi vốn hóa Alibaba. Chuyên gia cho rằng hành động của truyền thông nhà nước là có chủ ý, mang tính răn đe.

Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba. (Ảnh: Reuters). 

Động thái khó hiểu

Bản tin mập mờ của truyền thông nhà nước Trung Quốc khiến cổ phiếu Alibaba bất ngờ lao dốc dữ dội đã trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Một cư dân Thượng Hải đăng trên Weibo: “Bản tin được đăng sớm nhất bởi đài CCTV News, qua đó làm bốc hơi hàng chục tỷ USD vốn hóa của Alibaba trên sàn Hong Kong. Liệu CCTV News có bị nghi là can thiệp vào trật tự thị trường hay không?”

Cuộc tranh cãi của công chúng Trung Quốc chủ yếu xoay quanh một mẩu tin ngắn gọn do đài truyền hình nhà nước CCTV đăng trên ứng dụng điện thoại vào khoảng 9 giờ sáng ngày 3/5. Nội dung là một người đàn ông họ Ma đã bị bắt tại thành phố Hàng Châu do bị tình nghi tham gia hoạt động lật đổ chính quyền. Bản tin ban đầu ám chỉ họ tên của người đàn ông bao gồm hai ký tự tiếng Trung.

Hàng Châu có lẽ được biết đến nhiều nhất với tư cách trụ sở toàn cầu của Alibaba. Tập đoàn được thành lập bởi Jack Ma, người có tên tiếng Trung là Mã Vân.

Tỷ phú Jack Ma và đế chế thương mại điện tử đã chịu áp lực nặng nề từ giới chức trách sau khi ông chỉ trích các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc là lỗi thời hồi tháng 10/2020. Kể từ đó, Alibaba đã bị phạt hơn 18 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,7 tỷ USD) và định giá công ty liên kết Ant Group giảm hơn 75%. Jack Ma thì không xuất hiện trước công chúng suốt vài tháng trời sau bài phát biểu “vạ miệng”.

Gần đây hơn, các cơ quan chống tham nhũng đã bắt đầu điều tra giới chức Hàng Châu. Ông Zhou Jiangyong, cựu Bí thư Hàng Châu đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 1. Em trai của ông có liên quan đến các giao dịch với Ant Group.

Trong bối cảnh này, sau khi tin về vụ bắt giữ “người đàn ông họ Ma” của CCTV được đăng, cổ phiếu Alibaba ngay lập tức bị bán tháo nặng nề. Các phương tiện truyền thông tiếng Trung khác cũng nhanh chóng dẫn lại tin này dù tỷ phú Jack Ma không còn giữ chức vụ chính thức tại tập đoàn.

Trong vài phút đầu của phiên giao dịch 3/5, Alibaba lao dốc 9,4% trên sàn Hong Kong, xóa sổ 208,2 tỷ HKD (tương đương 26,5 tỷ USD) khỏi giá trị thị trường.

Alibaba nhanh chóng lấy lại được phần lớn tổn thất sau khi CCTV cập nhật tin tức, ngụ ý tên tiếng Trung của nghi phạm gồm ba ký tự chứ không phải hai.

Tờ Global Times đưa tin thêm rằng nghi phạm 37 tuổi là giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển phần cứng tại một công ty IT. Tờ báo viết: “Ma đã tạo ra một nhóm ẩn danh trực tuyến để đóng vai trò là đại diện của các thế lực bên ngoài, tung tin đồn, thông tin sai lệch và tung ra cái gọi là tuyên bố độc lập nhằm chia rẽ đất nước và lật đổ nhà nước".

Một người dùng Weibo ở Trùng Khánh chia sẻ ý kiến ngày 4/5: “Tôi tin rằng CCTV không thể nào mắc sai lầm về tên như vậy”. Một người khác ở Thượng Hải tò mò: “Không rõ vì sao CCTV lại làm vậy… Có rất nhiều người mang họ Ma ở Trung Quốc”.

Nguồn tin thân cận với CCTV của Nikkei Asia cho biết các quan chức an ninh ở Hàng Châu đã cung cấp thông tin về vụ bắt giữ ông Ma trực tiếp cho trụ sở của đài truyền hình thay vì văn phòng địa phương như thường lệ.

Lý giải của chuyên gia

Ông Wu Qiang, cựu giảng viên chính trị tại Đại học Thanh Hoa giải thích: “Việc thu hút sự chú ý chưa từng có về trường hợp của Ma là động thái có chủ ý nhằm đe dọa những người có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia dưới bất kỳ hình thức nào".

“Việc sử dụng mọi công cụ có sẵn để phóng đại một trường hợp nhỏ ngầm thể hiện ý định của Bắc Kinh là ưu tiên cho an ninh quốc gia bằng cách tạo ra bầu không khí răn đe”.

Ông Wu nói thêm: “Thị trường vốn hiện nay đang đứng trên bờ vực sau hai năm chính phủ siết chặt quản lý khu vực kinh tế tư nhân. Bất kỳ dấu hiệu nào cũng có thể tạo ra sự chao đảo lớn trên thị trường chứng khoán”.

Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc biến động đặc biệt dữ dội trong những tháng gần đây trong bối cảnh Bắc Kinh nhắm vào nhiều công ty lớn trong ngành, bao gồm Tencent, Meituan và Baidu. Nhưng Trung Quốc đã có dấu hiệu nới lỏng tay vì cần đến sự trợ giúp của các đại gia công nghệ trong thời COVID-19.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang