Nga tiếp tục phản đòn, cắt nguồn khí đốt của nhiều nước châu Âu
Đòn trả đũa mới của Nga
Hôm 31/5, Gazprom thông báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt của một số quốc gia “không thân thiện” đã từ chối thanh toán hợp đồng mua hàng bằng đồng ruble, theo đưa tin từ Reuters.
Cụ thể, gã khổng lồ ngành năng lượng Nga cho biết đã cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho công ty thương mại GasTerra của Hà Lan.
Sau đó, Gazprom tuyên bố sẽ ngắt các dòng khí đốt đến Orsted của Đan Mạch và Shell Energy kể từ ngày 1/6, do hai công ty này không thanh toán hợp đồng bằng đồng nội tệ của Nga.
Các thông báo của Gazprom được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cắt giảm 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay, đánh dấu phản ứng cứng rắn nhất của khối kinh tế chung đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Động thái của ông lớn Gazprom được cho là đòn trả đũa mới của Nga đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, bước đi này cũng khiến cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và Brussels leo thang và kéo giá khí đốt tại châu Âu lên cao hơn.
Nguồn cung khí đốt không bị đe dọa
GasTerra, công ty giao dịch khí đốt cho chính phủ Hà Lan, cho biết họ đã ký hợp đồng với nhà cung ứng khác để mua 2 tỷ mét khối khí đốt, mà đáng lẽ Gazprom phải cung ứng cho đến tháng 10 năm nay.
Chia sẻ trước truyền thông, phát ngôn viên Bộ Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate lên tiếng trấn an: “Đây chưa phải là một mối đe dọa đối với nguồn cung năng lượng của nước ta”.
Orsted cũng khẳng định không có rủi ro tức thời đối với nguồn cung khí đốt của Đan Mạch. Ngày 31/5, Orsted thông báo họ sẽ tìm mua năng lượng trên thị trường khí đốt châu Âu.
“Nguồn cung khí đốt cho Đan Mạch phải được mua trên thị trường châu Âu. Chúng tôi hy vọng giải pháp này hiệu quả và khả thi”, CEO Mads Nipper của Orsted bày tỏ trong một tuyên bố sau động thái của Gazprom.
Chiều ngày 31/5, giá khí đốt giao sau tại châu Âu có thời điểm tăng 5% lên khoảng 91,05 euro/MWh, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao hơn 300 euro/MWh xác lập hồi đầu tháng 3.
Nhà phân tích Tom Marzec-Manser của nền tảng ICIS chia sẻ trên Twitter: “Mặc dù thị trường đã lường trước việc GasTerra và Orsted sẽ bị Nga cắt nguồn cung khí đốt, diễn biến này vẫn sẽ khiến cán cân cung - cầu thắt chặt hơn nhiều”.
Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan với lý do tương tự GasTerra và Orsted. Mặt khác, các công ty năng lượng của Đức, Italy và Pháp cho biết họ sẽ đồng ý trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble để duy trì nguồn cung.
Hành động của Nga đối với các nước châu Âu đã khiến giá khí đốt tăng chóng mặt hơn, thổi bùng áp lực lạm phát và buộc chính phủ cũng như doanh nghiệp trên khắp châu Âu phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Xuất phát từ lo ngại rằng Nga sẽ “khóa vòi” bất cứ lúc nào, châu Âu cũng đang gấp rút lấp đầy các kho dự trữ trước khi mùa đông đến. Ở các năm trước, Nga cung ứng khoảng 40% lượng khí đốt cho lục địa già.
Dữ liệu từ Tổ chức Cơ sở Hạ tầng Khí đốt châu Âu cho thấy, các kho chứa của Hà Lan hiện đã đầy khoảng 37%.
Tuần trước, chính phủ Hà Lan cho biết họ đã tăng trợ cấp lên 406 triệu euro để khuyến khích các công ty lấp đầy cơ sở Bergermeer, một trong những điểm lưu trữ khí đốt mở lớn nhất ở châu Âu.
Các kho chứa của Đan Mạch hiện đã đầy 55% và có thể cung ứng cho tất cả khách hàng của Đan Mạch cũng như Thụy Điển trong 5 tháng nếu nguồn cung từ Đức bị cắt, theo nội dung lá thư do Bộ trưởng Bộ Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen gửi đến quốc hội.