|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Rủi ro 'lạm phát đình trệ' ẩn hiện sau quyết định cấm vận dầu mỏ Nga của EU

15:39 | 31/05/2022
Chia sẻ
Thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã bị kéo căng từ trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, có thể đối mặt với một cú sốc giá cả sau khi EU quyết định cấm vận dầu mỏ của Nga. Rủi ro "lạm phát đình trệ" cũng xuất hiện từ đây.

Chiến sự tại Ukraine đã nêu bật lên mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế trên thế giới, đồng thời làm lộ ra rủi ro an ninh năng lượng của châu Âu và đẩy quá trình phục hồi hậu COVID vào bế tắc.

Một trong các “đóng góp” quan trọng nhất của cuộc chiến chính là áp lực lạm phát. Việc giá dầu khí leo thang và nguy cơ hàng loạt quốc gia rơi vào khủng hoảng năng lượng cũng ngày càng khó phớt lờ.

Cùng với đó là một câu hỏi hóc búa, rằng liệu chúng ta có đang đâm đầu vào cú sốc “lạm phát đình trệ”, cơn ác mộng tồi tệ nhất của các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu hay không.

Nỗi lo đang ngày càng lớn. Theo một khảo sát gần đây của Bank of America, hơn 70% các nhà đầu tư cảnh báo đây sẽ là một “cơn bão kinh tế” khủng khiếp. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng sử dụng thuật ngữ “lạm phát đình trệ” trong bài phát biểu của mình.

Khi hiện tượng trên xảy ra, lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài và tăng trưởng kinh tế sẽ giảm tốc trầm trọng.

Và khi đề cập đến lạm phát đình trệ thì hiện tại không vấn đề gì đáng ngại bằng việc tồn kho các sản phẩm dầu mỏ đang xuống thấp và kế hoạch cấm vận dầu thô Nga của Liên minh châu Âu (EU).

Các bể chứa dầu tại kho dự trữ chiến lược Cushing, bang Oklahoma (Mỹ). (Ảnh: Reuters).

Căng thẳng từ trước

Ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, giá năng lượng đã ở mức cao ngất ngưởng và thị trường hàng hóa đã chứng kiến những đợt tăng chưa từng có. Đáng chú ý nhất là lượng tồn kho dầu thô toàn cầu đang đi xuống.

Theo ông Rory Johnston, nhà sáng lập của hãng tư vấn hàng hóa Commodity Context, tồn kho dầu mỏ “có thể quan sát được” trên toàn cầu đã giảm 600 triệu thùng trong một năm rưỡi qua. Đây là mức giảm nhanh nhất trong lịch sử.

Đáng ngại là không chỉ dầu thô mà cả các sản phẩm chưng cất và đặc biệt là dầu diesel cũng đang chịu áp lực do hoạt động khai thác không bắt kịp nhu cầu của thị trường, ông Johnston nhấn mạnh.

Khi người dân trên toàn cầu bước vào mùa hè - cao điểm di chuyển trong năm, các nhà phân tích lại gióng lên hồi chuông cảnh báo khác về tình trạng thiếu hụt nhiên liệu sắp xảy ra, theo oilprice.com.

 

Mặt khác, liên minh OPEC+ vẫn khước từ lời kêu gọi bơm thêm dầu thô ra thị trường với lý do rủi ro sụt giảm đối với giá dầu vẫn còn, vì tốc độ tiêu thụ có thể chững lại đáng kể do làn sóng COVID mới trên toàn cầu.

Song, dù đại dịch vẫn hoành hành, mức tiêu thụ các sản phẩm năng lượng lại không suy giảm như OPEC+ e ngại. Điều này khiến thị trường thường xuyên thiếu cung, dẫn đến giá “vàng đen” tăng cao và tồn kho bị đẩy xuống mức thấp kỷ lục.

Hơn nữa, ngoài một vài nhà sản xuất lớn như Arab Saudi và UAE, các thành viên OPEC+ ở châu Phi, Mỹ Latin và khu vực Á - Âu đều đang phải vật lộn để tăng sản lượng sau nhiều thập kỷ thiếu vốn đầu tư, quản lý yếu kém và bất ổn dân sự, Reuters liệt kê.

Ngoài ra, Iran và Venezuela - hai mắt xích quan trọng khác trên thị trường, vẫn đang phải chịu các lệnh trừng phạt do chính phủ Mỹ áp đặt, làm tê liệt năng lực sản xuất và xuất khẩu của họ.

Ngay tại Mỹ, các nhà sản xuất dầu đá phiến cũng đang ngần ngại tăng sản lượng, một phần vì chính sách môi trường của đương kim Tổng thống Joe Biden và doanh nghiệp bị áp lực mang lại lợi nhuận cho cổ đông.

Lại thêm quyết định cấm vận của EU

Do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, thị trường toàn cầu có thể mất thêm khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày vì sản lượng của Nga có nguy cơ sụt giảm mạnh. Khi nhu cầu của Trung Quốc phục hồi hậu phong tỏa COVID, một cú sốc nguồn cung lớn hơn có thể xảy ra.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, trong quý II năm nay, thế giới có thể bị thâm hụt nguồn cung khoảng 700.000 thùng dầu/ngày, do tồn kho của các nước OECD xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Đáng ngại là, quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của EU có thể dẫn đến một cú sốc giá dầu. Giới phân tích đã cảnh báo rằng giá dầu thô có thể tăng vọt lên ngưỡng 170 - 200 USD/thùng như một hệ lụy của lệnh cấm vận.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban trả lời câu hỏi của truyền thông. Hungary là nước duy nhất nhận được miễn trừ của EU trong lệnh cấm nhập khẩu phần lớn dầu mỏ của Nga. (Ảnh: Reuters).

Hôm 30/5, các nhà lãnh đạo của EU đã đồng ý về nguyên tắc sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Bế tắc với Hungary cũng được hóa giải khi quốc gia châu Âu này được miễn trừ và có thể tiếp tục mua dầu từ Nga trong một thời gian nữa.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel bày tỏ: “Biện pháp cấm vận này…sẽ cắt đứt nguồn tài chính khổng lồ cho cỗ máy chiến tranh của Moscow. Chúng tôi đang gây áp lực tối đa, nhằm buộc ông Putin phải chấm dứt chiến sự”.

Một khi giá dầu thô - huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, bật tăng mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát cũng theo đó mà phình to và chúng ta sẽ có vế đầu của cơn ác mộng “lạm phát đình trệ”.

Mặt khác, để chế ngự lạm phát, các ngân hàng trung ương toàn cầu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc phải tăng lãi suất và siết chặt chính sách tiền tệ.

Nếu các nhà hoạch định chính sách làm quá tay, tăng trưởng kinh tế sẽ chững lại, tạo thành vế thứ hai của lạm phát đình trệ. Đó là mối lo mà nhiều nhà phân tích đang đề cập. Thậm chí, nền kinh tế chung còn có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu các ngân hàng trung ương không thể thực hiện một cú "hạ cánh mềm".

Yên Khê