|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các chuyên gia trấn an: Suy thoái kinh tế khó xảy ra, nhưng cần cẩn trọng lạm phát đình trệ

06:36 | 31/05/2022
Chia sẻ
Các nhà kinh tế cho rằng suy thoái toàn cầu khó xảy ra trong thời gian tới, nhưng các nước vẫn phải chịu thiệt hại khi chi phí sinh hoạt gia tăng và tăng trưởng kinh tế giảm tốc.

Khó xuất hiện suy thoái kinh tế

Chia sẻ với CNBC tuần trước, ông Simon Baptist - kinh tế trưởng tại Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine và đại dịch tiếp tục tàn phá chuỗi cung ứng, tình trạng lạm phát đình trệ - tức tăng trưởng thấp và lạm phát cao, sẽ tồn tại trong “ít nhất 12 tháng tới”.

Vị chuyên gia nói thêm: “Giá hàng hóa sẽ bắt đầu hạ nhiệt từ quý tới, nhưng chắc chắc sẽ cao hơn mức trước khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, vì nguồn cung nhiều mặt hàng của Nga sẽ bị cắt đứt vĩnh viễn khỏi thị trường”.

Chi phí đắt đỏ khiến cuộc sống của người tiêu dùng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, dù đã chậm lại một phần, đà tăng trưởng kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang tiếp tục và thị trường việc làm vẫn đang trụ vững. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nền kinh tế đã chạm mức đáy hàng chục năm.

Do đó, dù người tiêu dùng đang mải lo lắng rằng suy thoái kinh tế sẽ tái diễn thì thực tế lại trái ngược. Ông Baptist nhấn mạnh: “Suy thoái sẽ không đột ngột xuất hiện sau lạm phát đình trệ. Đối với hầu hết các nền kinh tế tại châu Á, suy thoái rất khó xảy ra, tăng trưởng GDP khó có thể âm liên tiếp hàng quý liền”.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái, nhiều hộ gia đình vẫn có các khoản tiết kiệm và đã tích trữ sẵn các mặt hàng tiêu dùng bền lâu trong nhà, vị kinh tế trưởng tiếp tục.

“Vì vậy, ở một mức độ nào đó, tình hình hiện nay không đáng ngại như những gì số liệu kinh tế trước mắt đang chỉ ra”, CNBC dẫn lời ông Baptist nhận định.

Tương tự, kinh tế trưởng Shane Oliver của công ty quản lý tài sản AMP Capital cũng không thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra, ít nhất là trong 18 tháng tới.

“Các đường cong lợi suất vẫn chưa đảo ngược hoặc cảnh báo suy thoái một cách dứt khoát. Và ngay cả khi chúng chỉ ra bất kỳ dấu hiệu gì, thì mất trung bình thêm 18 tháng nữa suy thoái mới xuất hiện”, ông Oliver lưu ý trong một ghi chú.

Rủi ro ở các ngân hàng trung ương

Mặt khác, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang dốc sức thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát. Đầu tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 22 năm.

Biên bản cuộc họp công bố giữa tuần trước cho thấy, các quan chức Fed thậm chí sẵn sàng nâng lãi suất 50 điểm cơ bản thêm vài lần nữa để ghìm cương lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm.

Cũng tuần trước, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ), vốn đã thắt chặt chính sách trước các ngân hàng trung ương khác, đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên mức 2%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của RBNZ.

Các nhà kinh tế vẫn lưu ý rằng có rủi ro là mục tiêu khống chế lạm phát của các ngân hàng trung ương sẽ kích hoạt suy thoái.

Lạm phát đình trệ vốn nổi tiếng là khó chế ngự vì kiểm soát giá cả thông qua việc tăng lãi suất có thể dẫn đến tăng trưởng chậm, hoặc giảm tốc nghiêm trọng.

“Lạm phát duy trì ở mức cao càng lâu, thị trường tài chính càng lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ không thể chế ngự nó mà không gây ra suy thoái. Như Chủ tịch Jerome Powell từng ám chỉ, việc đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% có thể gây ra một số nỗi đau”, kinh tế trưởng của AMP Capital cảnh báo.

Song, không phải ai cũng lo sợ. Cố vấn kinh tế cấp cao Vicky Redwood của Capital Economics cho biết bà tin tưởng rằng các ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát mà không khơi mào suy thoái.

Theo vị cố vấn, kế hoạch tăng lãi suất ở nhiều nơi, chẳng hạn như châu Âu, Anh và Mỹ, là đủ để kéo lạm phát trở về mức mục tiêu. Dù vậy, bà vẫn cho biết: “Nếu lạm phát khó khống chế hơn chúng ta tưởng và lãi suất cần phải tăng cao hơn nữa, thì suy thoái là điều có thể xảy ra”.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.