|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu nền kinh tế Mỹ có đâm đầu vào suy thoái, nhìn vào một thước đo mà Fed đang phớt lờ sẽ rõ

16:22 | 22/04/2022
Chia sẻ
Từ một năm trước, trong khi Fed và hầu hết chuyên gia phớt lờ thì một giáo sư kinh tế học ứng dụng của Đại học Johns Hopkins đã dự đoán được việc lạm phát sẽ tăng nóng. Tất cả là nhờ vào một thước đo mà NHTW Mỹ đang ngó lơ.

Cảnh báo bị phớt lờ một năm trước

Hiện tại, không phải lác đác mà khá nhiều chuyên gia đang cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ đang đứng trước bờ vực suy thoái.

Trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng 4, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers tuyên bố: “Chưa bao giờ có thời điểm nào mà lạm phát trên 4% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5% mà chúng tôi không chứng kiến suy thoái trong vòng hai năm sau đó”.

Ông Summers đã chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì dám gợi ý rằng họ có thể giúp nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”. Vị cựu bộ trưởng khuyên các nhà lãnh đạo của Fed nên thông báo tới công chúng một cái nhìn thực tế hơn về con đường phía trước.

Theo dự đoán của ông Summers, khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái là “từ 66% trở lên”.

(Ảnh minh họa: Getty Images). 

Vài tuần trước đó, ông Bill Dudley - người đứng đầu Fed chi nhánh New York từ năm 2009 đến năm 2018, đã đưa ra một đánh giá còn ảm đảm hơn. Ông nói “Fed khiến Mỹ đâm đầu vào suy thoái”.

Đối với ông Dudley, ngân hàng trung ương (NHTW) Mỹ đã sai lầm khi giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo quá lâu, đến mức “để hạ nhiệt lạm phát” đòi hỏi một chu kỳ thắt chặt chính sách mạnh tay đến nỗi nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ bỗng trở nên sa sút.

Ngay cả các “bồ cầu” tại Fed cũng đang trở nên “diều hâu” hơn. Thống đốc Lael Brainard và Chủ tịch Neel Kashkari của chi nhánh Minneapolis đã thúc giục NHTW Mỹ tăng mạnh lãi suất và nhanh chóng thu hẹp bảng cân đối kế toán, dù các biện pháp cứng rắn này thường gây ra suy thoái trầm trọng.

Đáng bất ngờ là từ một năm trước, một nhà kinh tế học nổi tiếng đã sử dụng thuyết số lượng tiền tệ (quantity theory of money) để dự đoán điều mà Fed và hầu hết mọi người đã bỏ lỡ: Cú sốc lạm phát đã rất gần kề.

Theo Fortune, ông thậm chí còn đoán chính xác rằng lạm phát giá sẽ tăng vọt lên mức 6% và cao nhất là 9% vào cuối năm 2021. Người được nhắc đến là ông Steve Hanke, một nhà tiền tệ học nổi tiếng và là giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins.

Ông Hanke đưa ra dự báo về lạm phát vào tháng 7 năm ngoái, thông qua một bài luận trên Wall Street Journal. Giờ đây, ông đồng tình với cựu Bộ trưởng Summers và cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Dudley rằng Mỹ đang đối mặt với khả năng suy thoái cao. Song, ông đi đến kết luận dựa vào những lý khác rất khác.

Theo lời khẳng định của vị giáo sư Đại học Johns Hopkins, NHTW Mỹ có thể tránh làm sụp đổ nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng cách làm theo công thức từng mang lại tác dụng trong quá khứ.

Chia sẻ với Fortune, ông Hanke nói thêm: “Vấn đề thực sự không phải là Fed không thể hạ cánh mềm, mà rắc rối nằm ở chính sách của NHTW Mỹ. Fed giống như tay phi công đang phớt lờ cao độ kế của máy bay”.

Giáo sư Hanke tin rằng Fed vẫn có thể ngăn chặn một cú hạ cánh nguy hiểm, nhưng phải thực hiện một cách chuẩn xác để đạt được các mục tiêu phù hợp, nhưng thực tế NHTW Mỹ lại không đang làm như vậy.

Cung tiền phình to quá mức

Đối với ông Hanke, “cao độ kế” luôn xác định chính xác tỷ lệ lạm phát là mức độ và quỹ đạo của cung tiền. Theo ông, chính việc in tiền quá mức của Fed để bù đắp thâm hụt tài khóa đã tạo ra áp lực giá cả bây giờ.

Ông giải thích: “Thâm hụt tài khóa cao không gây ra lạm phát. Nếu người dân mua trái phiếu Kho bạc, họ sẽ chuyển sức chi tiêu của mình cho chính phủ, nhưng lạm phát sẽ không tăng. Thay vào đó, chính Fed đã mua trái phiếu Kho bạc bằng lượng tiền mà họ mới in ra. Việc này giống như một chiếc trực thăng rải USD mới in trên khắp nước Mỹ”.

Hàng nghìn tỷ USD chi tiêu ngân sách để hỗ trợ người dân trong đại dịch đã gây ra thâm hụt tài khóa. Fed sau đó “tiền tệ hóa” hơn 90% các khoản thâm hụt tài khóa đó bằng cách in thêm đồng USD và trong quá trình này, làm tăng cung tiền.

Kể từ tháng 2/2020, NHTW Mỹ đã thêm 3.800 tỷ USD trái phiếu Kho bạc mới phát hành vào bảng cân đối kế toán - một con số quả thực rất đáng kinh ngạc, qua đó tăng gần gấp ba lần lượng tài sản mà Fed nắm giữ.

 

Khi theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng nêu trên, Fed đã làm tăng cung tiền (hay còn gọi là M2). “Cung tiền tăng tổng cộng 41% chỉ trong hơn hai năm là một mức chưa từng có”, ông Hanke lưu ý. “Nếu bạn mở vòi quá lớn, nước sẽ chảy vào bể nhanh hơn so với lượng thoát ra”.

Mực nước dâng cao, hay ở đây là lượng tiền cung dư thừa, sẽ thoát qua hai van. Đầu tiên là tăng trưởng “thực” trong GDP, khi nền kinh tế sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Thứ hai là “nhu cầu về tiền”, khi tỷ lệ nắm giữ tiền mặt, séc,…của người dân tăng lên cùng với thu nhập của họ.

Ông Hanke tiếp tục giải thích, hai van này sẽ chỉ giúp thoát bớt một phần tiền dư thừa, trong khi một lượng đáng kể còn sót lại sẽ làm “tràn bể”. Ở trường hợp của Fed là làm lạm phát phình to.

“Thường mất 12 đến 24 tháng trước khi sự tích tụ quá mức trong cung tiền chuyển thành lạm phát”, giáo sư Hanke cho hay. “Đó là những gì tôi quan sát thấy vào giữa năm 2021 và làm cơ sở để đưa ra dự báo về lạm phát”.

“Tuy nhiên, Fed lại hoàn toàn phớt lờ vấn đề trong cung tiền M2”, vị chuyên gia nhấn mạnh. Bất luận từ giờ Fed điều chỉnh chính sách ra sao, lạm phát tại Mỹ vẫn sẽ duy trì trên ngưỡng 6% trong năm nay, kéo dài sang năm 2023 và thậm chí là sang cả những tháng đầu năm 2024.

Giáo sư kinh tế học ứng dụng Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins. (Ảnh: Đại học Johns Hopkins).

Giải pháp ở đâu?

Theo lời ông Hanke, giải pháp bây giờ là đưa cung tiền về mức tăng trưởng vàng - khoảng 6%/năm. Ở tốc độ đó, “lượng nước” chảy vào bể vừa phải để Fed đạt được mục tiêu lạm phát là 2%.

Giáo sư Hanke giải thích, 2% trong mức tăng trưởng cung tiền nêu trên sẽ thúc đẩy sự mở rộng của nền kinh tế thực, 2% đáp ứng nhu cầu về tiền đang tăng lên và 2% còn lại sẽ giúp điều chỉnh lạm phát.

Song, Fortune không rõ điều gì sắp xảy ra, vì Fed thực chất đang không lưu tâm tới cung tiền. Bằng chứng rõ rệt là rất lâu sau khi Fed loại bỏ nhận định “lạm phát chỉ là nhất thời” vào tháng 11 năm ngoái, cung tiền M2 vẫn tăng trưởng nóng ở mức 11% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hanke tin chắc một điều là, để tránh suy thoái Fed phải dựa vào cung tiền và linh hoạt sử dụng hai công cụ nới lỏng định lượng và lãi suất. Ông nói, điều quan trọng là phải giữ cho cung tiền tăng trưởng (thay vì kiềm chế), vì tất cả các lần Mỹ “hạ cánh mềm” đều xảy ra khi cung tiền tiếp tục tăng.

Vị giáo sư cho hay: “Ngay cả những lần Fed tăng lãi suất như vào các năm 1965, 1984 và 1994 - 1995, nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng cung tiền ở mức vừa phải đã hỗ trợ được sức mua của người tiêu dùng”.

Ngược lại, tất cả các cuộc suy thoái đều chứng kiến cung tiền M2 giảm mạnh, ví dụ như vào các năm 1973, 1988-1989 và 1999 - 2000, Hanke chỉ ra.

Có hai hướng mà ông cho rằng Fed có thể mắc sai lầm: Một, họ trở nên hoảng loạn trước những con số lạm phát đáng sợ hàng tháng đến mức tăng lãi suất quá tay hoặc thu hẹp bảng cân đối kế toán quá nhanh, từ đó làm hại cung tiền và khiến nền kinh tế suy sụp.

Hai là, nếu chính quyền ông Biden cho rằng suy thoái sẽ còn gây tổn hại cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới hơn là lạm phát, Nhà Trắng có thể thuyết phục Chủ tịch Powell để cung tiền tiếp tục tăng nóng. Điều đó đồng nghĩa rằng Mỹ sẽ mất hơn hai năm nữa để xả hết lượng tiền in dư trong quá khứ.

Theo ông Hanke, hướng đi phù hợp nhất vẫn là điều chỉnh các đòn bẩy khác nhau để cung tiền đạt tốc độ tăng trưởng lý tưởng 6% và qua đó giúp lạm phát hạ nhiệt về mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Quốc hội gần đây, ông Powell đã tuyên bố rõ ràng rằng tình trạng cung tiền không hoặc rất ít ảnh hưởng đến nền kinh tế. Quan điểm này khiến ông Hanke hoài nghi về con đường sắp tới của Fed và nền kinh tế Mỹ.

Yên Khê