|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed loay hoay tìm cách đưa kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' giữa chiến sự nảy lửa

18:15 | 12/03/2022
Chia sẻ
Lịch sử cho thấy kiềm chế lạm phát mà không làm sụp đổ nền kinh tế là cả một kỳ tích. Khó khăn của Fed vừa nhân lên gấp bội chỉ trong vài tuần bởi chiến sự Nga - Ukraine.
Fed loay hoay tìm cách đưa kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' giữa chiến sự nảy lửa - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell có nhiệm vụ đưa "máy bay" kinh tế Mỹ tiếp đất an toàn. (Hình minh họa: Bloomberg).

Khó khăn chồng chất

Tháng 1/2009, Cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger đã lái chiếc máy bay hỏng hóc của US Airways hạ cánh khẩn cấp xuống vùng nước băng giá của sông Hudson một cách an toàn, cứu sống tất cả 155 hành khách. Truyền thông ca ngợi sự kiện này là "Phép màu trên sông Hudson".

Giờ đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sắp phải thực hiện một cú hạ cánh chông gai khác: Kéo lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm đi xuống mà không đạp đổ nền kinh tế vào suy thoái, bằng cách tăng lãi suất vừa đủ để hạ nhiệt thay vì giết chết nhu cầu.

Theo Bloomberg thì trong lịch sử, Fed mới chỉ thành công hoàn thành nhiệm vụ này đúng một lần. "Cơ trưởng" Alan Greenspan là Chủ tịch Fed duy nhất từng giúp nền kinh tế Mỹ "hạ cánh nhẹ nhàng" qua giai đoạn chông gai, cụ thể là những năm 1994 - 1995.

Fed loay hoay tìm cách đưa kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' giữa chiến sự nảy lửa - Ảnh 2.

Chủ tịch Fed Alan Greenspan năm 1995. (Ảnh: AP).

Nhiệm vụ của Fed bây giờ trở nên khó khăn gấp bội khi xung đột Nga - Ukraine gây hỗn loạn trên thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu. Sự gia tăng của giá dầu khí sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Mặt khác, chi phí năng lượng leo thang cùng thị trường chứng khoán và tín dụng lao dốc cũng có thể đả thương nhu cầu tiêu dùng, gia tăng nguy cơ suy thoái.

Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nhận xét: "Công việc của Fed sẽ rất phức tạp. Máy bay kinh tế Mỹ đang lao xuống đường băng với tốc độ rất nhanh, bị va đập bởi luồng gió dữ từ đại dịch, cùng với rất nhiều sương mù được tạo ra bởi các cú sốc địa chính trị".

Gần như chắc chắc rằng vào ngày 16/3 tới, Chủ tịch Powell sẽ công bố mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Nhà kinh tế Ellen Zentner của Morgan Stanley dự kiến đây sẽ chỉ là một trong 6 lần tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ trong 2022 nhằm giảm nhu cầu về mức phù hợp với nguồn cung và hạ áp lực giá cả.

Fed còn dự định giảm thiểu quy mô bảng cân đối kế toán đã phình to lên 8.900 tỷ USD sau khi mạnh tay mua tài sản tài chính để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Động thái này sẽ làm giảm lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính và tạo ra tác động khó lường lên thị trường chứng khoán Mỹ.

Nguy cơ là nếu lạm phát không bắt đầu hạ nhiệt sau những bước đi ban đầu, các nhà hoạch định chính sách có thể nâng lãi suất lên quá cao, từ đó nhấn chìm nền kinh tế trong suy thoái và vùi dập thị trường tài chính.

Ông Lawrence Lindsey, cựu Thống đốc Fed, cảnh báo: "Khi đã đi sai hướng, bạn sẽ phải rất vất vả để chuyển sang hướng khác". Ông ước tính xác suất kinh tế Mỹ đi xuống vào cuối năm 2023 là trên 50%.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers đã cảnh báo suốt nhiều tháng rằng Fed đã quá chậm trễ. Ông Summers khẳng định rủi ro suy thoái xảy ra trong 30 tháng tới "chắc chắc là 50%".

Cuộc hạ cánh màu nhiệm

Không có định nghĩa chuẩn nào về "hạ cánh mềm" trong kinh tế, nhưng nhiều người đồng tình rằng loạt sự kiện năm 1994 - 1995 là trường hợp kinh điển. Bằng cách tăng gấp đôi lãi suất trong vòng một năm, Fed do Chủ tịch Greenspan dẫn dắt đã thành công trong việc giảm thiểu lạm phát trong khi duy trì toàn dụng lao động.

Thành tựu trên đã mở đường cho 6 năm kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục, được hỗ trợ bởi sự bùng nổ năng suất thời công nghiệp mạng.

Fed loay hoay tìm cách đưa kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' giữa chiến sự nảy lửa - Ảnh 3.

*Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi.

Ông Donald Kohn, nhà hoạch định chính sách kỳ cựu từng tham gia vào chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ năm 1994 - 1995 của Fed, nói rằng chìa khóa để thành công là ngân hàng trung ương phải hành động trước khi lạm phát tăng đáng kể.

Tình thế hiện nay khác với quá khứ. Sau nhiều năm không đạt được mục tiêu lạm phát 2%, tháng 8/2020, Fed đã áp dụng khuôn khổ chính sách mới. Theo đó, Fed chấp nhận để lạm phát vượt quá 2% trong một khoảng thời gian để thị trường lao động phục hồi trước khi rút lại hỗ trợ kinh tế.

Ông Nathan Sheet, cựu quan chức Fed và nay là kinh tế trưởng toàn cầu của Citigroup, cho biết: "Khi xây dựng chính sách tiền tệ mới, Fed mường tượng về thế giới rất khác với những gì chúng ta thấy bây giờ. Fed không lường trước những cú sốc cung - cầu" và lạm phát giá tiêu dùng ở mức 7,5% như hiện nay.

Thế kẹt của ông Biden: Đối ngoại lo Ukraine, đối nội lo lạm phát, cử tri mất lòng tin - Ảnh 2.

Ông Kohn nói thêm rằng yếu tố cần thiết khác cho cú hạ cánh mềm là Fed phải biết khi nào nên ngừng thắt chặt tín dụng. Và việc này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải dự đoán được khi nào lạm phát sẽ lắng xuống.

Hầu hết các nhà kinh tế đồng tình với ông Powell rằng lạm phát sẽ dịu đi trong năm nay khi rắc rối chuỗi cung ứng được gỡ nút thắt và tăng trưởng kinh tế hạ nhiệt. Nhưng lạm phát vẫn sẽ cao hơn đáng kể mục tiêu 2% của Fed. Doanh nghiệp đang phải trả lương cao hơn để thuê và giữ chân nhân viên – và họ sẽ muốn tăng giá để bù đắp chi phí nhân công gia tăng.

Ông Powell thừa nhận với các nhà lập pháp vào ngày 2/3 rằng Fed "sẽ cần một khoảng thời gian" để kiểm soát lạm phát. Do tác động kinh tế của khủng hoảng Nga - Ukrane "cực kỳ bất ổn", đầu tiên Fed sẽ phải đặc biệt cẩn trọng trong việc rút lại hỗ trợ kinh tế. Nhưng ông nói thêm rằng Fed sẵn sàng hành động quyết liệt hơn nếu lạm phát không sụt giảm như dự kiến.

Ông Alan Blinder, Phó Chủ tịch Fed giai đoạn 1994 - 1995, nghĩ rằng ông Powell vẫn còn cơ hội thực hiện cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ, dù xung đột quân sự ở Ukraine khiến việc này khó khăn hơn nhiều. 

Ngoài tác động khó đoán lên thị trường năng lượng, ông tin rằng nhiều yếu tố làm leo thang giá cả sẽ tự tiêu tan, cho phép Fed kiềm chế lạm phát mà không cần siết chặt chính sách tiền tệ quá tay.

Song, ông nói rằng nếu chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladimir Putin gây ra tổn thương lâu dài lên kinh tế thế giới, khả năng nỗ lực của Fed thành công sẽ đi xuống.

"Thử thách của Fed sẽ rất khó nhằn", ông nói. "Fed đang cố hạ máy bay trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, khác với hoàn cảnh của chúng tôi trong thập niên 1990".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.