|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu Fed có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy kinh tế vào suy thoái?

15:55 | 16/02/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tổ chức thành công cuộc giải cứu kinh tế khỏi vòng vây COVID-19 nhưng giờ lại đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đánh bại lạm phát mà không cản trở tăng trưởng.
Liệu Fed có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy kinh tế vào suy thoái? - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Hình minh họa: Financial Times).

Lạm phát cao bất ngờ, Fed phải mạnh tay hơn

Trong năm đầu đại dịch, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell mạnh tay thi hành các chính sách phi truyền thống để ngăn chặn khủng hoảng tài chính và kinh tế. Giờ ông trở thành "diều hâu", sẵn sàng hành động quyết liệt không kém để ghìm cương lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm. 

Thành bại của ông sẽ đóng vai trò lớn trong việc hoạch định đường lối tương lai của nền kinh tế cũng như uy tín của ngân hàng trung ương Mỹ.

Thách thức hiện tại của ông Powell có lẽ còn gai góc hơn cả giai đoạn đầu của COVID-19. Không một chủ tịch Fed nào sau thời ông Paul Volcker đầu thập niên 1980 phải đối phó với lạm phát cao đến 7,5%. 

Rủi ro của ông Powell và toàn nước Mỹ là cuộc chiến chống lạm phát sẽ tạo ra cuộc suy thoái mới, giống như những gì ông Volcker đã làm. Trong lịch sử, chưa một lần nào Fed có thể khống chế lạm phát mà không mời gọi suy thoái xuất hiện, Wall Street Journal cho biết. 

Cách ông Powell định sử dụng để thắt chặt chính sách tiền tệ tạo ra thêm thách thức mới. Fed có cả biện pháp truyền thống là điều chỉnh lãi suất ngắn hạn và công cụ mới: Giảm thiểu lượng trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mà cơ quan này nắm giữ. Biện pháp mới có thể đặc biệt nguy hiểm đối với thị trường tài chính đã quen với ngân hàng trung ương trong hai thập kỷ qua hầu như chỉ sử dụng lãi suất.

Các quan chức Fed cảnh báo lần này họ không thể hứa hẹn sẽ hành động dễ đoán như quá khứ. Bà Esther George, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas báo trước: "Thị trường có thể đối mặt với khoảng thời gian bấp bênh".

Dân Mỹ khó đợi được kế hoạch chống lạm phát dài hơi của ông Biden - Ảnh 2.

Trong chưa đầy một năm, Fed xoay chuyển từ không dự kiến lần tăng lãi suất nào trước năm 2024 cho đến báo hiệu sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 15-16/3, lần đầu tiên kể từ 2018. Rồi chỉ trong tuần qua, nhà đầu tư đã bắt đầu dự đoán lãi suất đi lên 50 điểm cơ bản thay vì 25, mức tăng lớn nhất kể từ 2000.

Nhưng ông Donald Kohn, cựu Phó Chủ tịch Fed nói rằng phản ứng chính sách như vậy vẫn chưa đủ. Chỉ mới tháng 12 năm ngoái, quan chức Fed vẫn tiếp tục báo hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ như quá khứ: Lộ trình tăng lãi suất nhẹ nhàng trong ba năm tới. Họ giả định rằng lạm phát sẽ về 2%, kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp vẫn sẽ gây áp lực lên giá cả. "Những dự báo này không ăn khớp nhau", ông Kohn chỉ ra.

Ông Powell có vẻ cũng ngầm thừa nhận như vậy tại buổi họp báo sau cuộc họp của Fed tháng trước. Ông ra hiệu đẩy nhanh tốc độ và từ chối loại trừ khả năng tăng lãi suất tại các cuộc họp chính sách liên tiếp, hoặc tăng 50 điểm cơ bản tại một buổi họp.

"Tôi không nghĩ mình có thể nói chắc như đinh đóng cột về lộ trình tăng lãi suất, chúng ta sẽ cần phải linh hoạt", ông Powell nói.

Liệu Fed có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy kinh tế vào suy thoái? - Ảnh 2.

Tại cuộc họp tiếp theo, các quan chức Fed sẽ công bố dự báo mới, cho thấy họ kỳ vọng sẽ tăng lãi suất đến bao nhiêu. Cho đến nay, mục tiêu của Fed là tăng lãi suất lên mức "trung tính", tức là không thúc đẩy cũng không làm thui chột tăng trưởng. 

Các quan chức ước tính lãi suất "trung tính" nằm trong khoảng 2-3% khi lạm phát gần mức mục tiêu 2% của Fed. Nhưng không như trước đây, liệu Fed sẽ cần bao lâu để đạt lãi suất "trung tính" và liệu có vượt quá phạm vi này không vẫn là câu hỏi ngỏ.

Giới chức Fed đang hy vọng lạm phát sẽ rút lui khi rắc rối chuỗi cung ứng suy giảm và nhu cầu tiêu dùng chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ.

Nhưng rất nhiều điều có thể đi chệch hướng. Lạm phát có thể duy trì ở mức cao vì những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của Fed, ví dụ như chiến tranh Nga-Ukraine, vận chuyển hàng bị trì hoãn do các nước châu Á phong tỏa chống dịch. Và ngay cả nếu giá hàng hóa dịu xuống trong năm nay như dự kiến, lương và giá thuê nhà tăng có thể khiến lạm phát cao kéo dài đến 2023.

Cho đến nay, ông Powell đã từ chối đưa ra định hướng thị trường tiền tệ vì triển vọng lạm phát quá bất định.

Đầu tuần trước, quan chức Fed vẫn còn hạ thấp triển vọng bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất với mức tăng 50 điểm cơ bản. Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis nói trong cuộc phỏng vấn 7/2: "Tôi không muốn dùng đến cách này nếu không thực sự cần thiết. Và cho đến nay, tôi nghĩ Fed có phản ứng khá suôn sẻ đối với bất ngờ lạm phát".

Nhưng khi báo cáo ngày 10/2 cho thấy lạm phát đã leo cao thêm nữa và lên đỉnh 40 năm, ông Bullard đổi ý. Ông tuyên bố ủng hộ mức tăng táo bạo 50 điểm cơ bản hoặc tăng lãi suất một cách bất thường, không phải trong các phiên họp định kỳ.

Nếu ông Powell và các đồng nghiệp ra động thái như vậy, Fed có thể bị chỉ trích vì hoảng loạn thái quá. Nhưng nếu hành động nhẹ nhàng hơn, ông có thể hứng bão vì coi thường lạm phát. 

Nguy cơ suy thoái nếu chống lạm phát quá đà

Giới phân tích cho biết phỏng đoán trên thị trường rằng Fed có thể tăng lãi suất một cách bất thường đã thổi bùng lên nỗi sợ rằng chính sách tiền tệ không được định vị tốt để kiềm chế nền kinh tế và kéo đổ lạm phát.

Các lựa chọn thắt chặt càng trở nên phức tạp do bảng cân đối kế toán của Fed đã phình to gấp đôi lên 9.000 tỷ USD kể từ tháng 3/2020.

Liệu Fed có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy kinh tế vào suy thoái? - Ảnh 3.

Phần lớn quan chức Fed chưa muốn dùng đến biện pháp giảm quy mô bảng cân đối, bao gồm Chủ tịch Powell.

Ông Brian Sack, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý quỹ D.E Shaw lý giải: "Trong lúc đang điều chỉnh chính sách đáng kế bằng những cách khác, việc bán bớt tài sản chỉ càng khiến lộ trình thêm phức tạp, gây rủi ro đổ thêm dầu vào lửa. Bảng cân đối của Fed là công cụ có tác động khó lường, và bạn sẽ không muốn đẩy mọi việc đi quá xa".

Phản ứng của thị trường sẽ là điều đáng ngại. Chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bát động sản đều đang có định giá lịch sử một phần do giả định rằng lãi suất thấp sẽ kéo dài nhiều năm. Nợ doanh nghiệp đã tiến rất sát tới mức cao kỷ lục.

Ông Scott Minered, Giám đốc đầu tư tại Guggenheim Partners nói với Wall Street Journal: "Có những người đang sống trong thế giới mà việc Fed mạnh bạo thắt chặt chính sách – và khả năng này ngày càng tăng – là kết cục mà họ không thể chấp nhận được, do đó họ vờ như điều đó không thể xảy ra".

"Trong thực tế, những lĩnh vực như tiền mã hóa, công ty liên quan đến công nghệ trong mảng quỹ đầu tư tư nhân có thể gặp rắc rối lớn".

Ông cảnh báo chỉ cần một trong những lĩnh vực trên sụt giảm mạnh thì biến động sẽ tràn ra các ngóc ngách khác của thị trường.

Liệu Fed có thể kiềm chế lạm phát mà không đẩy kinh tế vào suy thoái? - Ảnh 4.

Ông Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston nói rằng khả năng nền kinh tế hạ cánh mềm đã suy giảm trong 6 tháng qua vì cú sốc cung dai dẳng và người lao động đòi được lương cao hơn để bù đắp giá cả tăng.

Theo ông, tăng lãi suất nhanh chóng để xử lý vấn đề lạm phát làm gia tăng rủi ro suy thoái: "Nếu tăng lãi suất nhanh thì bạn không có thời gian để quan sát các đợt tăng trước đó đã khiến nền kinh tế giảm tốc".

Một trong những mối nguy là Fed rơi vào tình thế khó khăn khi lạm phát chỉ đảo chiều chút ít. Điều đó sẽ buộc các quan chức phải lựa chọn giữa tỷ lệ lạm phát cao hơn quá khứ hoặc buộc tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn, gây rủi ro kinh tế suy giảm.

Ông William Dudley, cựu chủ tịch Fed chi nhánh New York cho biết: "Fed khẳng định sẽ kiểm soát được lạm phát và tôi tin tưởng họ. Nhưng Fed đang báo hiệu rằng họ sẽ không cần phải làm nhiều việc". Trái lại, ông Dudley tin lãi suất phải tăng tới 3 đến 4% để trị lạm phát, và việc này sẽ gây hại tới thị trường.

Giang