Vừa sang năm mới, ông Biden lại 'vắt chân lên cổ' ghìm cương giá dầu và lạm phát
Một năm cũ chật vật kìm giá dầu
Hậu cú sốc giá dầu âm năm 2020, thị trường năng lượng thế giới đã bứt tốc mạnh mẽ trong năm ngoái, với giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 50%. Tại Mỹ, giá xăng trung bình cũng vượt mức 3 USD/gallon, gây áp lực lớn lên túi tiền của người tiêu dùng và thổi bùng lạm phát.
Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Joe Biden tụt mạnh. Cử tri khẳng định các chính sách "chống" nhiên liệu hóa thạch của ông Biden như hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, dừng cho thuê đất công để khai thác dầu mỏ,…đang gây ra thảm họa.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Washington đã ít nhất hai lần công khai kêu gọi liên minh dầu mỏ OPEC+ tăng sản lượng để hạ nhiệt giá xăng dầu. Bản thân vị tổng thống Đảng Dân chủ cũng lên tiếng nhờ vả OPEC+.
Ngay trước thềm cuộc họp tháng 11 của liên minh dầu mỏ, ông Biden còn công khai đổ lỗi cho Nga và OPEC+ vì để giá dầu tăng cao. Ông bày tỏ: "OPEC+ nhất quyết không tăng mạnh sản lượng dầu, điều này có tác động sâu sắc đến các gia đình thuộc tầng lớp lao động…"
Song, các thành viên OPEC+ đều khước từ lời đề nghị của Washington. Họ có lý do để duy trì giá dầu ở mức gần 80 USD/thùng, phần để bù đắp tổn thất của năm 2020 và phần để tìm kiếm nguồn ngân sách phục vụ kế hoạch chuyển đổi năng lượng trong tương lai.
Kết quả, cuối tháng 11, chính phủ Mỹ đã quyết định giải phóng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược trong các tháng sau đó để giảm giá xăng dầu. Đồng hành cùng Mỹ còn có các đồng minh là Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ; riêng Trung Quốc cũng thông báo sẽ xả kho dự trữ nhưng dựa theo nhu cầu riêng của nước này.
Tưởng chừng giá dầu thô đã "an phận" dưới mốc 80 USD/thùng, thì đến cuối năm 2021, giá dầu lại từ từ tăng trở lại do nguồn cung hụt hơi so với nhu cầu và căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine. Áp lực mà chính quyền ông Biden phải đối mặt ngày càng lớn.
Tháng 12 cùng năm, Washington đón nhận tin sốc: lạm phát giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh 7% so với cùng kỳ năm trước, xác lập mức đỉnh gần 40 năm và dĩ nhiên dầu thô đóng một phần quan trọng trong mức tăng của CPI.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không còn khẳng định lạm phát chỉ mang tính "tạm thời", ngược lại còn phát tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ. Tóm lại, sau nhiều tháng dốc sức kìm chế giá xăng dầu và tìm lại niềm tin của cử tri, chính quyền Tổng thống Biden lại quay về vạch xuất phát.
Năm mới lại chật vật hãm phanh giá dầu
Ghi nhận tại thời điểm 18h50 ngày 13/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 94,44 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ đạt khoảng 93,1 USD/thùng.
Từ khi giá dầu Brent lên 90 USD/thùng, các chuyên gia đã cảnh báo đây là điểm khởi đầu của một kịch bản tồi tệ. Trong thời gian tới, giá của "vàng đen" có thể nhảy vọt lên 100 hoặc thậm chí 125 USD/thùng, gây ra cơn ác mộng cho chính phủ các nước đang gắng sức điều tiết giá xăng dầu và áp lực lạm phát.
Trước mắt, giá dầu tăng cao là do nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Thị trường ngày càng tin tưởng Nga có thể động binh với nước láng giềng, đặc biệt là trong bối cảnh Moscow đã bố trí hơn 100.000 binh lính, cùng với vũ khí và nguồn dự trữ máu tươi dọc biên giới Ukraine.
"Nếu Nga động binh và phương Tây trừng phạt Moscow bằng các biện pháp như hạn chế Nga tiếp cận nguồn ngoại hối hoặc hệ thống thanh toán SWIFT, hay ngăn cản Nga xuất khẩu dầu thô..., thì tại một thời điểm nào đó, bạn nhất định sẽ thấy giá dầu leo lên mức 120 USD/thùng", chiến lược gia kỳ cựu David Roche của hãng tư vấn Independent Strategy dự đoán.
Tuy nhiên, còn một số nguyên nhân đáng quan ngại hơn, liên quan đến các động lực cung - cầu, đã thúc đẩy giá dầu thô thế giới tăng cao như thế.
Tháng 1 năm nay, OPEC+ không chỉ bơm thiếu 190.000 thùng dầu/ngày so với cam kết tăng nguồn cung 400.000 thùng/ngày, mà còn giảm thêm 670.000 thùng/ngày. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu thô của các nước đang rất lớn, bất chấp ảnh hưởng của biến chủng Omicron.
Đáng ngại hơn, công suất dự phòng của OPEC+ và Mỹ - nước sản xuất dầu thô lớn nhất ngoài OPEC, đều không khả quan. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc vốn đầu tư vào khai thác dầu khí đã giảm xuống trong các năm gần đây, do áp lực từ các cổ đông.
Đầu tháng 1, JPMorgan đã cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 125 USD/thùng do công suất dự phòng của OPEC giảm xuống còn khoảng 4% tổng công suất vào quý IV năm nay.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) còn bi quan hơn. IEA dự đoán công suất dự phòng của liên minh dầu mỏ có thể mất một nửa xuống chỉ còn 2,6 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022.
Hơn nữa, nếu Mỹ và đồng minh áp lệnh trừng phạt với Nga, điều này có thể gây tác dụng ngược. Nga có thể phản đòn bằng cách cắt nguồn cung dầu thô của nước này, mà trên thực tế thì hiện tại chưa có nước nào đủ công suất để thay thế Nga. Tóm lại, ở kịch bản này, nguồn cung dầu thô đang eo hẹp lại có nguy cơ thiếu hụt trầm trọng hơn.
Ở môi trường thuận lợi như trên, giá dầu thô gần như chắc chắn sẽ tăng. Chính quyền Tổng thống Biden, vốn còn đang bận tâm về nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine và tình hình dịch bệnh trong nước, sẽ có thêm việc để làm.
Chia sẻ với các phóng viên ngày 8/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các quan chức Washington đang thảo luận cùng các đối tác sản xuất dầu thô về việc tăng sản lượng, trong khi với các nước tiêu thụ dầu thô thì Mỹ sẽ bàn về việc mở kho dự trữ chiến lược.
Có thể thấy, cách làm của Mỹ không khác năm ngoái là mấy, do đó một bộ phận nhà phân tích không kỳ vọng gì về việc Washington có thể tạo ra tác động đáng kể đến giá xăng dầu cũng như lạm phát trong nước.