Lạm phát 7,5% giống 'như cú đấm vào bụng Chủ tịch Fed', nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trong năm 2021 từng nhiều lần nói lạm phát cao chỉ là hiện tượng "tạm thời" nhưng đến thời điểm này, nhận định đó đã bị chứng minh là hoàn toàn sai lầm.
Theo số liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn hẳn con số 7,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán, đồng thời là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 2/1982 như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.
Ông Nathan Sheets, Kinh tế trưởng toàn cầu của Citi Research nhận định: "Con số lạm phát vừa công bố giống như là một cú đấm mạnh vào bụng Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông ta. Họ từng cho rằng đến cuối năm 2021, lạm phát sẽ bắt đầu ổn định và hạ xuống. Giờ đã là đầu năm 2022 và không có bất kỳ dấu hiệu gì tình hình sẽ cải thiện".
Chủng Omicron lan rộng gây cản trở lớn tới hoạt động kinh tế, vậy nhưng lạm phát vẫn liên tục phá đỉnh. Giới chức trách Mỹ cần phải làm việc quyết liệt hơn thì mới có thể đưa lạm phát xuống 3% trong năm nay, ông Sheets nói.
Giờ đây, nhiều chuyên gia Phố Wall dự báo Fed sẽ phải rất mạnh tay trong việc thắt chặt tiền tệ. Kinh tế trưởng của Citi cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải nâng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 tới, thay vì chỉ là 25 điểm cơ bản như dự đoán trước kia.
Ngay cả trước khi số liệu lạm phát cao của tháng 1 được công bố, Bank of America đã cho rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Trong năm 2023, lãi suất có thể phải đi lên 4 lần.
Lạm phát cao xuất hiện đúng lúc nền kinh tế Mỹ đang ở vào thế khó. GDP năm 2021 tăng 5,7%, bù đắp lại mức giảm của năm 2020. Tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo sẽ chậm lại đáng kể do các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ dần kết thúc. Triển vọng kinh tế Mỹ năm nay tương đối bấp bênh và phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19 diễn biến ra sao.
Mỹ hàng chục lần điều chỉnh cách thống kê lạm phát
Số liệu lạm phát tại Mỹ được thống kê hàng tháng từ năm 1947 đến nay để giúp công chúng và các quan chức xác định biến động của giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ.
Theo thời gian, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) – cơ quan chịu trách nhiệm tính toán CPI – đã nhiều lần điều chỉnh những hàng hóa và dịch vụ trong rổ tính toán cũng như trọng số của mỗi loại.
Kiểu điều chỉnh thứ nhất là dùng một loại hàng hóa này thay cho loại hàng hóa khác không còn được người dân mua sắm nhiều.
Chẳng hạn, chuối đang ở trong rổ tính toán CPI nhưng giá chuối liên tục tăng nhanh, người dân không ăn chuối nữa mà chuyển sang mua bưởi nhiều hơn, vậy là bưởi được đưa vào rổ tính toán CPI thay cho chuối.
Việc thay thế hàng hóa như trên có tiềm năng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng thực tế của lạm phát vì loại hàng tăng giá nhanh bị loại ra, loại hàng ít tăng giá được thêm vào công thức.
Kiểu điều chỉnh thứ 2 là xem xét sự thay đổi về chất lượng. Giả sử chất lượng một sản phẩm tăng thêm 20% và giá cũng tăng 20% thì cơ quan thống kê sẽ coi như là giá không tăng. Cứ hai năm một lần, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) sẽ điều chỉnh giá của các sản phẩm theo cải tiến về chất lượng.
Nguyên tắc chung có vẻ rất hợp lý nhưng trong thực tế, việc thống kê chất lượng tăng thêm bao nhiêu % là không hề dễ dàng và ước lượng thường có sai số.
Ví dụ, một chiếc nồi cơm điện ngày nay vẫn hoạt động dựa theo nguyên lý cơ bản của chiếc nồi cơm điện 20 năm trước, khác biệt lớn nhất là có thêm màn hình hiển thị thời gian và nhiệt độ ở bên ngoài. Vậy chiếc màn hình nhỏ này có được coi là một cải thiện chất lượng không và quy đổi ra bao nhiêu phần trăm? Những ước tính như trên có thể dẫn tới đánh giá thấp mức độ lạm phát thực tế.
Một vấn đề quan trọng nữa với cách tính CPI của Mỹ nằm ở thống kê chi phí nhà ở. Hiện nay chi phí nhà ở có trọng số khoảng 1/3 trong rổ hàng hóa và dịch vụ tính CPI, tức là một cấu phần rất quan trọng.
Tháng 1 vừa qua, chi phí nhà ở chỉ tăng 0,3% so với tháng 12 và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 8/2021. So với cùng kỳ năm ngoái, chi phí nhà ở tăng 4,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI chung là 7,5%.
Những con số khiêm tốn này có gì đó "sai sai" vì giá bất động sản tại Mỹ thời gian qua tăng điên cuồng.
Chi phí nhà ở tại Mỹ được tính theo hai khảo sát, một dành cho người thuê nhà mà một dành cho người sở hữu nhà. Chi phí thuê nhà là con số khá dễ thống kê.
Nhưng còn chi phí với người ở nhà đã mua thì lại hơi lòng vòng. BLS sẽ hỏi chủ nhà rằng nếu ông/bà cho thuê căn nhà này (không bao gồm nội thất và không có tiện ích như điện, nước, internet) thì giá thuê sẽ là bao nhiêu?
Một người đã mua nhà 3-5 năm trước, không phải môi giới bất động sản, không có nhà cho thuê và ít tiếp xúc với thị trường nhà đất sẽ không thể biết chính xác giá cho thuê hiện nay là bao nhiêu.
Kết quả nhận được chỉ là giả định và phỏng đoán của gia chủ, thực tế không chắc có ai đi thuê theo mức giá mà chủ nhà đưa ra. Vì vậy, kiểu thống kê bằng câu hỏi giả định này dễ dẫn tới ước lượng sai biến động của giá cả.