'Điểm mù' của Fed và Nhà Trắng: Vì sao mãi không nhận ra sự nguy hiểm của lạm phát?
Khi cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen được Tổng thống Joe Biden đề cử vào ghế Bộ trưởng Tài chính Mỹ hồi tháng 1/2021, nhiệm vụ đặt ra trước mắt bà giải quyết tình trạng hồi phục hình chữ K sau đại dịch, tức là vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo.
Sau một năm, vấn đề của bà Yellen nay đã trở thành tình trạng lạm phát cao nhất gần 4 thập kỷ. Bà Yellen từng có 4 năm đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ - cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát giá cả - nên nhiệm vụ lần này không có gì xa lạ với bà.
Vậy nhưng Bộ Tài chính Mỹ dưới thời bà Yellen vẫn phớt lờ mọi cảnh báo, khiến cho chính Tổng thống Joe Biden trong năm 2021 cũng nhận định sai lầm rằng lạm phát chỉ là tạm thời.
Theo CNBC, hàng chục nhà kinh tế, cựu quan chức và quan chức đương nhiệm trong chính phủ cũng như Fed đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ra "điểm mù nhận thức" này, bao gồm: Fed có ảnh hưởng quá lớn lên chính quyền Joe Biden, tất cả quá dựa dẫm vào các mô hình dự báo cũ, áp lực chính trị phải mạnh tay chi tiêu, và chậm chễ trong việc quyết định ai sẽ điều hành Fed và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bộ Tài chính vận hành như Fed
Khi bà Yellen nhậm chức vào đầu năm 2021, bà phải nhanh chóng bổ sung nhân sự cho Bộ Tài chính. Một phần vì nhiều người được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Trump đã nghỉ việc và một phần khác vì người tiền nhiệm Steven Mnuchin đã thu hẹp quy mô của Bộ Tài chính.
Bà Yellen lập tức tìm đến nơi có những chuyên gia tài chính hàng đầu mà bà biết rõ nhất: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed. Việc làm này của bà Yellen đã tạo nên một vòng xoay nhân sự với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thông thường.
Trong số những người đi từ Fed sang Bộ Tài chính bao gồm bà Linda Robertson, ông Michael Kiley cựu luật sư Mary Watkins.
Theo CNBC, bà Robertson và ông Kiley sau đó đã quay về ngân hàng trung ương Mỹ, lần lượt để quản lý quá trình đề cử nhân sự cấp cao của Fed và giám sát tình hình ổn định hệ thống tài chính. Bà Watkins hiện vẫn ở lại Bộ Tài chính để cố vấn về các dự án tiền kỹ thuật số.
Những người làm việc ở Fed nói đùa rằng Bộ Tài chính của bà Yellen có nét khá giống với chính phủ Italy dưới thời Thủ tướng Mario Draghi. Ông Draghi từng làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sau khi trở thành lãnh đạo Italy, ông đã đưa "bộ sậu" từ ECB về làm quan chức dưới trướng mình.
Một cựu quan chức Fed giấu tên bình luận: "Vấn đề hiện nay không phải là đảm bảo ngân hàng trung ương độc lập với chính phủ mà là làm sao để chính phủ độc lập với ngân hàng trung ương".
Nhiều nhân sự khác từ Fed đi nhận các vị trí cao cấp tại Bộ Tài chính, Nhà Trắng và nhiều cơ quan quản lý, CNBC cho hay.
Hai phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ là ông Daleep Singh và bà Sameera Fazili đều có mối quan hệ với Fed và Bộ Tài chính. Hội đồng Cố vấn Kinh tế - cơ quan mà bà Yellen từng làm chủ tịch - có nhiều chuyên gia kinh tế đến từ Fed. Tại Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) - một cơ quan quản lý lĩnh vực ngân hàng - có hai cựu quan chức Fed mà bà Yellen đề cử.
Thứ trưởng Tài chính Nellie Liang phụ trách vấn đề trong nước đã từng làm việc ở Fed, Quyền Trưởng phòng Pháp chế Bộ Tài chính Laurie Schaffer từng làm Phó phòng Pháp chế của Fed, ...
Việc có quá nhiều người từ Fed làm việc tại Bộ Tài chính và các cơ quan chính phủ khác dẫn tới tình trạng các tổ chức khác nhau có cái nhìn giống nhau và giống Fed. Tất cả đều nhìn vào cùng một loại số liệu, sử dụng cùng một loại mô hình và đi đến cùng một kết luận.
Bộ Tài chính lẽ ra phải là nơi hành động rất nhanh như lính cứu hỏa, sử dụng các biện pháp có khả năng giải quyết vấn đề để thực thi chính sách của tổng thống. Tuy nhiên khi các nhân sự từ Fed tràn sang, Bộ Tài chính đã vận hành như một tổ chức nghiên cứu và phân tích học thuật, không khác gì Fed.
Bên cạnh đó, các mô hình dự báo mà Fed dùng từ trước đại dịch đã không còn phù hợp vì sự đứt gãy căn bản trong cấu trúc dữ liệu mà COVID-19 gây ra. Hệ quả là các cơ quan khác nhau đều đưa ra một kết quả sai lầm giống nhau: Lạm phát chỉ là tạm thời.
Kích thích kinh tế, chấp nhận rủi ro lạm phát
Ông Kevin Hassett, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Trump, từng cảnh báo rằng lạm phát đang bùng lên từ đầu năm 2021 khi chính quyền Joe Biden vẫn đang chủ yếu lo lắng cách chống dịch.
Ông Hassett cùng với cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers và cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế dưới thời Obama là Jason Furman nghiên cứu các số liệu khác nhau nhưng cùng đi đến kết luận rằng: Dùng hàng nghìn tỷ USD để kích thích tài khóa trong khi doanh nghiệp không sản xuất đủ hàng hóa cho người tiêu dùng sẽ đẩy giá cả lên cao.
"Những người lập mô hình kinh tế vĩ mô kiểu hiện đại sẽ thấy rõ rằng lạm phát đang tăng nhanh", ông Hassett trả lời phỏng vấn CNBC. Tháng 4 năm ngoái, ông Hassett đã cảnh báo "ngọn lửa lạm phát đang bùng cháy" và đến tháng 6 ông dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ đạt 7% vào cuối năm.
Trong thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - tăng 4,9% so với cùng kỳ. Nếu tính cả giá nhiên liệu và thực phẩm, PCE tăng 5,8%.
Trong các cuộc thảo luận trực tuyến hồi đầu năm 2021, các quan chức Nhà Trắng thừa nhận khả năng lạm phát sẽ tăng lên vì các gói kích thích kinh tế và đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều quan chức khác gạt bỏ lo ngại này sang một bên vì chính sách kích thích được đông đảo cử tri ủng hộ và chính quyền cần thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế.
Chỉ một tháng sau khi Quốc hội phê duyệt một gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD, ông Biden đã kêu gọi thông qua dự luật chi tiêu 1.900 tỷ USD và lập luận rằng gói kích thích 800 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính 2009 có quy mô quá nhỏ, dẫn tới nền kinh tế hồi phục chậm chạp.
"Chúng ta đã học từ các cuộc khủng hoảng trước đây rằng rủi ro chủ yếu nằm ở chỗ làm không đủ mạnh chứ không phải làm quá mạnh", ông Biden nói với các phóng viên vào cuối tháng 1/2021. Đến tháng 3, Tổng thống Mỹ ký ban hành dự luật nói trên.
Đến khoảng giữa năm, chính quyền Joe Biden đã bắt đầu thảo luận và thừa nhận nguy cơ lạm phát. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và Fed cùng dự báo lạm phát tiến gần hơn tới mốc 3% vào cuối 2021.
Bộ Tài chính cũng bắt đầu xem xét khả năng giá cả sẽ tăng mạnh hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự báo trước đó.
Nếu nguyên nhân đến từ phía cung - tức là thiếu hàng hóa do nhà máy đóng cửa, giao thông tắc nghẽn tại các cảng và thiếu hụt lao động - thì vấn đề lạm phát sẽ tự khắc được giải quyết khi đại dịch chấm dứt.
Nhưng nếu nguyên nhân đến từ phía cầu - tức là người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu - thì chỉ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mới có thể xử lý được.
Trước công chúng, chính phủ Mỹ vẫn bày tỏ hy vọng lạm phát cao sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. "Các chuyên gia của chúng tôi tin rằng và dữ liệu cho cũng cho thấy rằng tình trạng giá cả tăng vừa qua đã được dự báo từ trước và được kỳ vọng sẽ chỉ là tạm thời", ông Biden nói hồi tháng 7.
Chậm trễ trong lựa chọn lãnh đạo Fed
Trong những tháng sau đó, lạm phát tiếp tục lên cao và tỷ lệ ủng hộ ông Biden trong các cuộc thăm dò cứ hao mòn dần. Khảo sát của YouGov cho thấy vào tuần kết thúc ngày 28/8/2021, tỷ lệ ủng hộ chính sách kinh tế của ông Biden tụt xuống còn 42% trong khi tỷ lệ phản đối là 44%. Đây là lần đầu tiên số người ủng hộ thấp hơn số người phản đối kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1.
Chính phủ Mỹ cần phải thay đổi thông điệp. Nhiều quan chức đánh tiếng rằng lạm phát cao là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ từ hố sâu đại dịch.
"Một phần nguyên nhân không đến từ phía cung mà là từ phía cầu. Nhu cầu đang cao không tưởng", Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg phát biểu trên kênh CNN ngày 18/10.
Một tuần sau, bà Yellen dự báo lạm phát sẽ mất nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt. "Tỷ lệ lạm phát sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2022 vì những sự việc đã xảy ra. Nhưng tôi kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện vào cuối ... từ giữa đến cuối năm sau, trong nửa sau năm 2022", bà Yellen nói vào ngày 24/10/2021.
Đến tháng 1/2022, tỷ lệ ủng hộ chính sách kinh tế của ông Biden chỉ còn 35%, thấp nhất kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống của ông bắt đầu.
Nhà Trắng có thể tính đến các giải pháp ngắn hạn đối với chuỗi cung ứng và giá nhiên liệu, nhưng xử lý lạm phát trong dài hạn là trách nhiệm của Fed.
Tuy nhiên, vào tháng 10/2021, ông Biden vẫn chưa quyết định có tiếp tục giữ ông Powell ở ghế Chủ tịch Fed khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 2/2022 hay không. Fed ở vào một vị thế khó xử: Nếu Fed công bố chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát rồi ông Biden đề cử người khác làm Chủ tịch thay ông Powell thì người mới có thể sẽ đi theo đường lối khác.
Đến khi Tổng thống Biden chính thức đề cử ông Powell làm Chủ tịch Fed thêm một nhiệm kỳ nữa vào cuối tháng 11, từ khóa #Bidenflation (kết hợp giữa Biden và inflation - nghĩa là lạm phát dưới thơi ông Biden) đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Twitter, và từ "tạm thời" mà Fed thường dùng để miêu tả lạm phát đã xuất hiện đầy trong các bức ảnh chế (meme).
Cả ông Biden và ông Powell tại buổi lễ đề cử đều công khai tuyên bố sẽ kiềm chế lạm phát.
Bây giờ nhìn lại, nhiều (cựu) quan chức chính phủ Mỹ và hai cựu quan chức Fed cho rằng vũ khí hiệu quả nhất của chính phủ Joe Biden trong cuộc chiến chống lạm phát là sớm đề cử vị trí chủ tịch nhiệm kỳ mới để Fed có thể yên tâm hành động nhanh chóng hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/