|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thứ các ngân hàng trung ương sợ nhất đang đeo bám Fed

14:53 | 16/05/2022
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đang phát đi những tín hiệu bất thường, khiến công chúng liên tưởng đến vòng xoáy lương - giá từng làm nao núng các nhà hoạch định chính sách của Fed hồi những năm 1970.

 

Nền kinh tế Mỹ khởi đầu năm 2022 bằng cách phát đi một tín hiệu đáng lo ngại: Giá tiêu dùng và tiền lương của người lao động đều tăng vọt, gợi lại ký ức về vòng xoáy tiền lương - giá cả từng làm lũng đoạn hoạt động kinh tế những năm 1970. 

Cụ thể, tháng 3 năm nay, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 - xác lập mức cao nhất hơn 40 năm. Qua tháng 4, CPI hạ nhiệt phần nào nhưng vẫn cao hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước và loanh quanh mức đỉnh 40 năm.

 

Cũng trong tháng 3, báo cáo của Cục Thống kê Lao động cho thấy thu nhập trung bình hàng giờ của người dân Mỹ đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 4, chỉ số này tăng 5,5%, gần như tương đương một tháng trước.

Mặt khác, số liệu về tỷ lệ đăng tuyển nhân sự mới cũng lập đỉnh. Mỹ ghi nhận khoảng 11,5 triệu đầu việc cần tuyển mới trong tháng 3, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này theo dõi thị trường lao động vào năm 2000.

Số lượng đăng tuyển mới quá lớn đang trở thành một vấn đề đáng ngại, đặc biệt là đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như trong bối cảnh lạm phát tăng nóng.

Doanh nghiệp sẽ phải trả thêm tiền để tìm nhân công, qua đó làm tăng chi phí vận hành. Để duy trì biên lợi nhuận, chủ doanh nghiệp sẽ phải nâng giá hàng hóa hoặc dịch vụ để bù đắp khoản chi phí tăng thêm.

Khi người lao động nhận thấy giá cả leo thang, họ lại yêu cầu mức lương cao hơn để trang trải chi phí sinh hoạt. Điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn gọi là vòng xoáy lương - giá mà các nhà hoạch định chính sách toàn cầu luôn muốn né tránh.

 

Chia sẻ với Marketplace, ông Gus Faucher - kinh tế trưởng của tập đoàn dịch vụ tài chính PNC, nhận xét: “Nhu cầu tìm kiếm lao động của doanh nghiệp vẫn rất mạnh. Vấn đề là chúng ta đang thiếu hụt công nhân và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tháng 4 giảm có thể làm tăng áp lực tiền lương”.

 

Để hiểu được rủi ro của hiện tượng vòng xoáy lương - giá, hãy nhìn lại những gì đã xảy ra vào thập niên 1970 tại Mỹ, thứ đã trở thành một bài học đáng sợ cho các nhà hoạch định chính sách.

Lạm phát bắt đầu tăng vào cuối những năm 1960, một phần do chi tiêu của chính phủ liên bang phình to để tài trợ cho cuộc chiến tại Việt Nam và các chương trình phúc lợi khác của Tổng thống Lyndon Johnson.

Kết quả là, các khoản chi tiêu ngân sách trên đã kéo nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng và doanh nghiệp đi lên, khiến giá cả bật tăng chóng mặt. Trong giai đoạn 1973 - 1975 và 1978 - 1982, chỉ số CPI liên tục ở trên mức 7,5% và đạt đỉnh 14,5% vào tháng 3/1980.

 

Công việc của Fed là đóng vai trò như một “chiếc phanh” vào những thời điểm như vậy, bằng cách tăng lãi suất để kìm hãm nhu cầu. Song, ngân hàng trung ương Mỹ đã không làm gì.

Thời đó, các quan chức Fed nổi tiếng là bị Tổng thống Johnson và sau đó là người tiền nhiệm Richard Nixon gây áp lực nhằm giúp củng cố các chương trình chi tiêu của chính phủ bằng nguồn tín dụng dồi dào của Fed.

Vì lẽ đó, các nhà hoạch định chính sách đã giữ lãi suất ở mức thấp và duy trì dòng chảy của tín dụng trong nền kinh tế. Hành động của Fed chỉ càng khiến nhu cầu tăng cao hơn.

Sau đó, một cú sốc khác lại xảy đến, bắt nguồn từ nguồn cung của một loại hàng hóa rất quan trọng là dầu thô. Khi OPEC ngừng bán dầu cho Mỹ, các doanh nghiệp địa phương đã phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng cách tăng giá mạnh tay hơn.

Các hợp đồng lao động thời đó thường có những điều khoản về chi phí sinh hoạt, quy định khi lạm phát leo thang thì tiền lương cũng phải tăng theo. Trong khi doanh nghiệp nâng giá bán hàng thì người lao động cũng đòi tăng lương, đơn giản vì họ tin rằng đòi hỏi của mỗi bên sẽ không thể dừng lại.

Cuối cùng, Fed cũng phản ứng bằng cách tăng lãi suất, qua đó tạm dừng vòng xoáy lương - giá trong một thời gian, nhưng lại vô tình trở thành chất xúc tác cho một cuộc suy thoái vào đầu những năm 1980.

Để dễ hình dung, trước khủng hoảng tài chính năm 2007 - 2009 thì cuộc suy thoái vào giai đoạn 1981 - 1982 là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ sau Đại Khủng hoảng vào cuối những năm 1920.

 

Trong một cuộc trao đổi với Marketwatch, ông Frederic Mishkin - nhà kinh tế học tại Đại học Columbia, đồng thời là cựu Thống đốc Fed, cảnh báo nền kinh tế hiện nay đang phải đối mặt với những rủi ro tương tự.

“Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong một vòng xoáy lương - giá. Nếu người lao động dự đoán lạm phát sẽ tăng mạnh hơn, họ sẽ phải yêu cầu mức lương cao hơn để không bị tụt lại phía sau.

Thật tuyệt nếu họ được tăng lương khoảng 5%. Tuy nhiên, nếu lạm phát lên hơn 8%, họ sẽ phải mua hàng ít hơn 3% trong năm tới. Vì vậy, việc tăng lương sẽ chẳng lợi ích gì nếu trên thực tế, lạm phát leo thang chóng mặt hơn”, cựu Thống đốc Fed lập luận.

Ông Mishkin cho rằng Fed đã hành động không đủ nhanh hoặc quyết đoán để giữ giá cả và tiền lương trong tầm kiểm soát. “Khi ngân hàng trung ương mất đi uy tín, mọi người không còn tin Fed có thể chế ngự lạm phát. Đó chính xác là thời điểm mà người lao động và doanh nghiệp buộc phải tăng lương lên. Đó cũng là thứ chúng ta đang thấy”.

Song, nhiều nhà phân tích khác không cho rằng nền kinh tế đã ở trong một vòng xoáy lưng - giá. Chiến lược gia đầu tư Ross Mayfield tại công ty môi giới Baird bình luận: “Tôi không nghĩ chúng ta đã rơi vào một vòng luẩn quẩn như vậy, nhưng rủi ro hiện rõ như ban ngày”.

Theo vị chuyên gia, thứ đang thúc đẩy lạm phát chính là đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine, chứ không phải nhu cầu về tiền lương của người lao động. “Nhiều người hiểu rằng vấn đề vừa liên quan đến COVID vừa liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Kỳ vọng lạm phát trong dài hạn vẫn hợp lý, chưa lệch chuẩn lắm”, ông nói.

Mặt khác, trong một nghiên cứu năm 2021, các nhà kinh tế Sebastian Heise, Fatih Karahan và Aysegul Sahin cho biết họ đã đánh giá một loạt các ngành nghề tại Mỹ kể từ năm 1993.

Ba người nhận thấy rằng sự cạnh tranh ngày càng lớn từ hàng nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khi muốn nâng giá hàng hóa, ngay cả khi họ đã phải đối mặt với áp lực tăng lương. 

Ngoài ra, Fed cũng đã sửa đổi sau cú sốc vào thập niên 1970. Ngân hàng trung ương Mỹ đã thiết lập mục tiêu lạm phát 2% và hiện đang quyết liệu bảo vệ tính độc lập của mình. Do đó, công chúng vẫn có niềm tin nhất định vào khả năng khống chế lạm phát và tăng trưởng tiền lương của Fed.  

 Những thay đổi trên cho thấy vòng xoáy lương - giá khó có khả năng thành hiện thực, hoặc nếu có xảy ra thì cũng không thể kéo dài lâu.

Yên Khê