|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed sẽ làm gì để hút bớt 95 tỷ USD thanh khoản mỗi tháng?

08:47 | 12/05/2022
Chia sẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán và hút bớt cung tiền khỏi nền kinh tế mà không cần bán trái phiếu hàng tháng, thậm chí có khi còn cần mua thêm.

Theo số liệu mới được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng 8,3% so với cùng kỳ 2021. Mức tăng này tuy đã hạ nhiệt so với con số 8,5% của tháng 3 nhưng vẫn ở gần đỉnh 40 năm.

Từ đầu năm nay, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thể hiện quyết tâm thắt chặt tiền tệ để kiềm chế đà tăng của giá cả.

Lạm phát tại Mỹ đang ở vùng đỉnh 40 năm.

Fed có hai cách căn bản để thắt chặt tiền tệ.

Cách thứ nhất – thường được nhắc đến nhiều nhất – là nâng lãi suất quỹ liên bang mà các ngân hàng Mỹ dùng để vay mượn lẫn nhau qua đêm. Sau đó, lãi suất với các kỳ hạn dài hơn nhiều khả năng cũng đi lên theo, nhu cầu vay nợ giảm, cung tiền trong nền kinh tế đi xuống, hoạt động kinh tế hạ nhiệt và lạm phát được kiểm soát.

Cách thứ hai là Fed giảm quy mô bảng cân đối kế toán để trực tiếp giảm cung tiền. Cung tiền giảm khiến cho giá của tiền – tức là lãi suất – tăng lên và giá cả cũng được kiềm chế.

Trong thời kỳ kinh tế bất ổn vì COVID-19 hoành hành tại Mỹ, Fed đã đều đặn bơm tiền thông qua chương trình mua trái phiếu. Cụ thể, Fed nhận về 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 40 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS) rồi trả 120 tỷ USD tiền mặt ra nền kinh tế.

Khối trái phiếu mà Fed mua về làm cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ phình to lên rõ rệt, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Từ khoảng 4.200 tỷ USD trước đại dịch, tổng tài sản của Fed hiện đã tiệm cận 9.000 tỷ USD.

Bảng cân đối kế toán của Fed đi ngang trong những tuần gần đây, duy trì sát mốc 9.000 tỷ USD.

Bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed dừng chương trình bơm tiền thông qua mua trái phiếu và để cho bảng cân đối kế toán đi ngang.

Theo kết quả cuộc họp chính sách ngày 3-4/5 mới đây, Fed sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán dần dần từ tháng 6, cụ thể là hạ thấp lượng trái phiếu nắm giữ để hút tiền về, cắt giảm cung tiền trong nền kinh tế.

Fed luôn vừa mua vừa bán

Điểm đáng chú ý đầu tiên về bảng cân đối kế toán của Fed là quy mô của nó không đi lên liên tục, cũng không đi xuống hoặc đi ngang trong thời gian dài.

Thay vào đó, quy mô bảng cân đối của Fed thường có lúc tăng lúc giảm đan xen. Biểu đồ dưới đây cho thấy trong giai đoạn bơm tiền 120 tỷ USD/tháng, có tuần Fed mua thêm lượng lớn trái phiếu, có tuần chỉ mua ít, có tuần lại bán ra.

Fed vừa mua vừa bán trái phiếu.

Fed nới lỏng chính sách bằng cách mua trái phiếu và bơm tiền ra. Nhưng khi muốn thắt chặt chính sách, Fed không nhất thiết phải bán bớt trái phiếu.

Mọi trái phiếu đều có kỳ hạn. Khi đến ngày đáo hạn, chủ nợ (ở đây bao gồm chính phủ Liên bang Mỹ và các nhà phát hành khác) sẽ trả tiền gốc vay cho người nắm giữ trái phiếu và số trái phiếu trên sẽ bị tiêu hủy, không còn giá trị.

Fed có thể chỉ cần ngồi im đợi các trái phiếu đến hạn và hút tiền về. Bảng cân đối kế toán và lượng tiền trong nền kinh tế Mỹ sẽ giảm đi đúng bằng lượng trái phiếu đáo hạn.

Kỳ hạn của chứng khoán trên bảng cân đối của Fed

Theo thông báo sau cuộc họp ngày 3-4/5, Fed sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán với tốc độ 95 tỷ USD mỗi tháng.

Nếu trong một tháng có đúng 95 tỷ USD trái phiếu đáo hạn, Fed sẽ không cần làm gì. Nếu chỉ có 50 tỷ USD trái phiếu đáo hạn, Fed sẽ phải bán đi 45 tỷ USD trái phiếu. Nếu có tới 200 tỷ USD trái phiếu đáo hạn, Fed thậm chí sẽ phải bơm thêm 105 tỷ USD để bù đắp lượng tiền bị hút ra quá nhiều.

Vì vậy, trong thời gian thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening - QT) và cần giảm quy mô bảng cân đối kế toán, không phải lúc nào Fed cũng bán ra, có khi Fed chỉ ngồi im và có lúc còn mua vào, tùy thuộc và tình hình đáo hạn của danh mục trái phiếu.

Đa số chứng khoán của Fed có kỳ hạn trên 10 năm.

Theo số liệu từ Fed, ngân hàng trung ương Mỹ có khoảng 413 tỷ USD chứng khoán kỳ hạn ngắn dưới ba tháng, như thể hiện trong biểu đồ trên đây. Số chứng khoán có kỳ hạn từ một năm trở lên có tổng giá trị lên tới hơn 7.200 tỷ USD. Nếu số trái phiếu đáo hạn hàng tháng không đủ mục tiêu 95 tỷ USD mỗi tháng, Fed có thể bán thêm một số trái phiếu kỳ hạn dài.

Khi Fed mua các loại chứng khoán trên thị trường mở, tức là Fed tạo ra thêm tiền tệ trong nền kinh tế. Ngược lại, khi Fed bán các loại chứng khoán để hút tiền về, hoặc Fed nhận thanh toán trái phiếu đáo hạn, tức là Fed đã phá hủy bớt một lượng tiền trong nền kinh tế, những đồng tiền (bao gồm tiền giấy và tiền trong tài khoản điện tử) được tạo ra trước đây sẽ không còn tồn tại.

Song Ngọc - Đức Quyền