|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Zelensky tố phương Tây thúc ép Ukraine đàm phán theo hướng có lợi cho Nga

15:37 | 07/06/2022
Chia sẻ
Sự thất bại của các lệnh trừng phạt Nga và thiệt hại của nền kinh tế trong nước dường như đang khiến phương Tây thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraine và nỗ lực ép Kiev ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.

Thúc ép Ukraine

Theo báo Ukrayinska Pravda của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các chính trị gia và truyền thông phương Tây đang bắt đầu thúc đẩy Kiev kết thúc cuộc xung đột với một kết quả không có lợi cho Ukraine. Ông Zelensky khẳng định mình không hề tiến hành bất cứ cuộc thương lượng như vậy với bất kỳ ai. 

Trong buổi họp báo với phóng viên vào ngày 6/6, Tổng thống Zelensky cho biết hiện Ukraine “không tham gia bất cứ đàm phán nào về kế hoạch hòa bình đang được Mỹ, Liên minh châu Âu và Anh thảo luận”.

Theo ông, các đồng minh đang cố gắng đẩy Kiev “từng chút một” tới kết quả mà chắc chắn là “người dân Ukraine sẽ không hề mong muốn” và phương Tây làm như vậy là bởi “lợi ích bản thân”. Tổng thống Ukraine khẳng định rằng mình “chưa được hỏi” về bất cứ kế hoạch đàm phán hòa bình nào.

Ông Zelensky cho rằng các bên đều có những lợi ích khác nhau, cả về tài chính lẫn chính trị. “Sự mệt mỏi ngày càng gia tăng, mọi người muốn một kết quả nào đó cho mình. Bạn và tôi cũng cần một kết quả, cho chính Ukraine”, ông cho biết. 

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky cũng tin tưởng rằng Ukraine nên làm việc “cùng với tất cả các quốc gia châu Âu và cường quốc trên toàn thế giới”.

Theo CNN, vào tháng trước, Tổng thống Zelensky cũng khẳng định về việc không nhượng bộ để hòa bình: “Tất cả những người khuyên Ukraine hãy nhượng lại cho Nga thứ gì đó, những ‘nhân vật có tầm ảnh hưởng địa chính trị’ không hề nhận thấy hàng triệu người Ukraine đang sống trên lãnh thổ có thể được dùng để đổi lấy hòa bình giả tạo”.

Tình hình chiến trường hướng Severodonetsk cập nhật đến ngày 6/6.

Theo Reuters, các cuộc giao tranh trên đường phố tại thành phố công nghiệp Severodonetsk ở vùng Donbass vẫn tiếp diễn. Theo người đứng đầu chính quyền Severodonetsk, ông Oleksandr Stryuk, vẫn chưa rõ phe nào đang có lợi thế và "tình hình thay đổi từng giờ".

Thành phố đã trở thành mục tiêu chính của Nga sau khi hoàn thành việc kiểm soát Mariupol. Nếu chiếm thành công Severodonetsk, Moscow sẽ gần như kiểm soát hoàn toàn khu vực Luhansk và có thể tập trung lực lượng sang Donetsk để hoàn thành mục tiêu "giải phóng Donbass".

"Tại Severodonetsk, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt trên các tuyến phố", Tổng thống Zelensky tuyên bố. "Quân đội Nga đang cố gắng bổ sung lực lượng tới Donbass".

Đàm phán không có Ukraine

Theo CNN, sau 100 ngày xung đột, nhận thấy viễn cảnh về một bế tắc kéo dài, Mỹ và các đồng minh đang chuyển trọng tâm sang tìm kiếm một giải pháp thương lượng để kết thúc khủng hoảng.

Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ thường xuyên họp báo với những người đồng cấp Anh và châu Âu để bàn bạc về khuôn khổ tiềm năng cho việc ngừng bắn và kết thúc chiến tranh.

Vào cuối tháng trước, Italy đã đưa ra đề xuất về một khuôn khổ 4 điểm. Trong đó, Ukraine sẽ cam kết trung lập đối với NATO để đổi lấy một số đảm bảo an ninh, Ukraine và Nga sẽ đàm phán về tương lai của Crimea và khu vực Donbass.

Thành phố Severodonetsk xảy ra giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine hôm 2/6. (Ảnh: AFP).

Phía Kiev không hề được tham gia trực tiếp vào những cuộc thảo luận trên, mặc dù Mỹ từng hứa sẽ “không có việc gì về Ukraine mà không có sự tham gia của Ukraine”. Theo CNN, các quan chức hai bên đều cho biết Washington không ép buộc Kiev phải thực hiện một kế hoạch nào đó hoặc ngồi lại thương lượng với Nga.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều sự không chắc chắn về các khuôn khổ mà Mỹ dự định sẽ đề xuất với Ukraine để thảo luận.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas Greenfield nói với các phóng viên rằng khuôn khổ được Italy đề xuất là “một trong những sáng kiến mà Washington mong muốn sẽ giúp kết thúc cuộc xung đột này”. Tuy nhiên, hai quan chức Mỹ lại khẳng định rằng Nhà Trắng không hề ủng hộ đề xuất của Italy.

Trong mọi trường hợp, các quan chức Mỹ và phương Tây đều tuyên bố ngày càng có nhiều lo ngại về việc nếu Nga và Ukraine không quay lại bàn đàm phán, xung đột có thể sẽ kéo dài hàng năm.

Thay đổi thông điệp

Vào tháng 4, Mỹ từng tuyên bố mục tiêu của xung đột là nhằm khiến Nga “thất bại” và quân đội Nga “yếu đi” đáng kể về lâu dài. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết những phát biểu này phản ánh sự lạc quan sau khi Ukraine đã bảo vệ Kiev thành công.

Nga đang ngày càng đạt được nhiều thành công tại chiến trường phía đông Ukraine. Các lãnh đạo phương Tây, bao gồm Tổng thống Joe Biden, cũng phải thừa nhận rằng kể cả với vũ khí hiện đại, Ukraine sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán nếu muốn hòa bình.

Tổng thống Joe Biden viết trên tờ New York Times: “Như Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố, cuối cùng thì cuộc xung đột này ‘sẽ chỉ kết thúc bằng con đường ngoại giao’”.

Binh sĩ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 được Mỹ viện trợ tại chiến trường miền đông Ukraine. (Ảnh: Reuters).

Mỹ và đồng minh đang liên tục gửi viện trợ với hi vọng rằng Ukraine sẽ trụ lại đủ lâu để đi đến một đàm phán hòa bình thay vì đầu hàng vô điều kiện. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng tuyên bố hôm 2/6 rằng cuộc xung đột này sẽ “kết thúc một lúc nào đó trên bàn đàm phán”.

Không có dấu hiệu cho thấy cả Ukraine hay Nga sẵn sàng từ bỏ. Cũng không hề có dấu hiệu nào khẳng định Moscow sẽ thương lượng với thiện chí nhằm kết thúc xung đột.

Phương Tây ngấm đòn

Cuộc xung đột càng kéo dài, phương Tây càng chịu nhiều tổn thất, chính quyền Tổng thống Biden càng gặp nhiều khó khăn trong việc viện trợ cho Ukraine, tìm nguồn thay thế năng lượng từ Nga và đảm bảo Liên minh châu Âu đồng lòng.

Số người ủng hộ cách thức điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden liên tục giảm. 

Giá xăng tại Mỹ ngày càng tăng khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đến gần, với nguyên nhân chủ yếu do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt lên năng lượng của Nga.

Chính quyền Mỹ đang lo ngại về ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt thứ cấp nếu được triển khai tới thị trường năng lượng. Đồng thời, ngày càng nhiều người nhận ra rằng trừng phạt không phải là một đòn “knock-out” với Nga mà giống như “thòng lọng” và sẽ phải mất nhiều năm mới cho kết quả.

Washington cũng đang phải xử lý những vết rạn nứt liên tục xuất hiện trong nội bộ NATO những ngày gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ cản đường gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, trong khi Hungary buộc EU phải cho phép miễn trừ đối với việc nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Trong nước, sự ủng hộ cho việc tài trợ xung đột Ukraine cũng đang sa sút. Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đang tăng cường phản đối các gói viện trợ tới Ukraine. Người dân trong nước đang dần thờ ơ với những vấn đề tại Đông Âu xa xôi khi lạm phát tại quê nhà đang tăng phi mã.

Minh Quang