|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin tin rằng thời gian đang ủng hộ Nga trong cuộc xung đột Ukraine

16:24 | 03/06/2022
Chia sẻ
Khi thời gian trôi qua, những ảnh hưởng kinh tế và chính trị, chẳng hạn như sự ủng hộ từ công đồng quốc tế với Ukraine giảm đi hay nền công nghiệp Nga suy yếu, sẽ trở thành nhân tố quyết định kết cục của xung đột.

Ukraine không có nhiều thời gian

Theo New York Times, Ukraine hiện vẫn thua kém về mặt hỏa lực, trong khi nền kinh tế bị tàn phá nặng nề và khó khăn lớn trong việc huấn luyện tân binh. Kiev có thể trụ vững là nhờ vào sự hỗ trợ về mặt tài chính và quân sự từ bên ngoài.

Nga đang đối mặt với thử thách theo hướng ngược lại: khó khăn trong tuyển quân và thiếu hụt hàng nhập khẩu, bao gồm cả những thành phần cần thiết để sản xuất và thay thế tên lửa hay các loại vũ khí khác ở tiền tuyến. Do vậy, lợi thế của Nga về mặt hỏa lực có khả năng sẽ giảm dần theo thời gian.

Tổng thống Vladimir Putin dường như đang kỳ vọng sự đoàn kết quốc tế dành cho Ukraine sẽ rạn nứt trước. Các nền kinh tế thế giới đang chịu áp lực từ lạm phát và khủng hoảng lương thực do cuộc xung đột, cũng như sự chia rẽ trong nước về lợi ích chính trị và an ninh.

Hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS nằm trong gói viện trợ của Mỹ tới Ukraine. Loại vũ khí này có tầm bắn vượt xa pháo binh của Nga. (Ảnh: AFP). 

“Tình trạng hiện tại của nền kinh tế toàn cầu cho thấy lập trường của Nga là đúng đắn và hợp lý”, ông Putin nói trong một bài phát biểu cuối tháng trước tại một diễn đàn của Liên minh Kinh tế Á- Âu.

“Các nền kinh tế phát triển đang phải chịu mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm; thất nghiệp đang ngày càng tăng, chuỗi cung ứng đứt gãy và khủng hoảng toàn cầu đang xuất hiện ở những lĩnh vực nhạy cảm như thực phẩm”, Tổng thống Nga nói. “Vấn đề này không phải trò đùa”.

Theo bà Tatiana Stanovaya, người sáng lập của tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, “Chiến thuật của Tổng thống Putin là chờ đợi. Ông hoàn toàn chắc chắn rằng Nga có thừa thời gian bởi phương Tây sẽ sớm đối mặt với vấn đề kinh tế và sự bất mãn của quần chúng sẽ tăng lên”.

"Ông Putin đã lầm", Tổng thống Biden viết trong bài báo trên New York Times. “Nếu ông ấy kỳ vọng rằng phương Tây sẽ dao động hoặc rạn nứt trong những tháng tới, Tổng thống Putin cũng nhầm lẫn không kém.”

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ tới Ukraine đã đạt đỉnh. Ngày càng nhiều người Mỹ nói rằng chính quyền nên ưu tiên hạn chế ảnh hưởng kinh tế hơn là trừng phạt Nga, theo một cuộc khảo sát vào ngày 12-16/5 bởi Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng.

Nga đã kiểm soát được 20% lãnh thổ Ukraine. Đặc biệt những khu vực này là vựa nông nghiệp và công nghiệp quan trọng của Ukraine.

Pháp, Đức và Italy đã bắt đầu kêu gọi những cuộc thương lượng ngừng bắn. Hiện nay, khoảng 20% lãnh thổ Ukraine đang nằm trong sự kiểm soát của Nga.

Hungary đã cố trì hoãn lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga mà các lãnh đạo EU vừa nhất trí về mặt nguyên tắc trong tuần này. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ngăn cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các quan chức Nga dường như tự tin rằng họ có đủ thời gian để ít nhất hoàn thành được mục tiêu cơ bản của “chiến dịch quân sự đặc biệt” đó là kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh Luhansk và Donetsk ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

Liệu Nga có trụ vững

Nền kinh tế Nga đang chống chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu tốt hơn dự tính. Đồng ruble đang mạnh lên, doanh thu từ dầu và khí đốt vẫn cao và kỳ vọng lạm phát sẽ được ổn định.

Giá dầu và khí đốt đang tăng lên giúp cho Nga có thể thu được khoảng 285 tỷ USD trong năm nay, giúp Moscow chống đỡ lại các lệnh trừng phạt.

Theo một doanh nhân thường xuyên đi lại giữa Nga, UAE và Mỹ, sự ảm đạm ban đầu trong cộng đồng doanh nghiệp Nga đã chuyển sang niềm tin rằng nguồn lực của Moscow sẽ chiếm ưu thế. Các công ty nội địa đang chạy đua để mua tài sản giá rẻ khi các nhà đầu tư nước ngoài rút lui. 

Renault SA đã bán 2,3 tỷ USD cổ phần tại nhà sản xuất ô tô AvtoVAZ cho các doanh nghiệp nhà nước Nga. Công ty sản xuất xi măng của Thụy Sĩ, Holcim cho biết sẽ bán ba nhà máy tại Nga. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã rời đi.

 Tài khoản vãng lai của Nga đạt thặng dư kỷ lục do giá dầu cao và nhập khẩu sụt giảm.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Nga cũng đang phải đối mặt với những thử thách hiểm nghèo. Theo ước tính của Bộ Kinh tế, GDP tháng 4 của Nga đã sụt giảm 3% so với một năm trước. Moscow đổ lỗi cho “áp lực chưa từng có từ các lệnh trừng phạt” ảnh hưởng tới các tuyến vận chuyển và nhu cầu người tiêu dùng.

Ngân hàng trung ương Nga (CBR) dự báo GDP sẽ thu hẹp lên tới 10% trong năm nay và lạm phát có thể đạt 23%. CBR cho rằng chuỗi cung ứng đứt gãy và việc doanh nghiệp nước ngoài rời thị trường Nga là nguyên nhân chính tạo ra một cuộc suy thoái mang tính “chuyển đổi” và tái “cấu trúc”.

Theo Ngân hàng trung ương Phần Lan, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Moscow sẽ bao gồm vận tải, sản xuất xe hơi, máy bay cũng như máy móc và thiết bị điện tử. Chỉ riêng những lĩnh vực này sẽ khiến GDP sụt giảm 4% với những lệnh trừng phạt hiện nay, và thậm chí là 10% nếu phương Tây mạnh tay hơn nữa.

“Tôi không nghĩ Moscow hiểu được rằng nền kinh tế Nga đã hội nhập toàn cầu sâu rộng như thế nào trong vòng 30 năm qua”, ông Iikka Korhonen, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Các nền kinh tế Mới nổi của Ngân hàng trung ương Phần Lan cho hay.

Ông cho rằng sự khan hiếm những hàng hóa nhập khẩu công nghệ cao đang phá hủy các công việc năng suất cao. Quá trình này nhiều khả năng sẽ tăng tốc khi nguồn tồn kho sụt giảm và những phụ kiện không thể thay thế bắt đầu hỏng hóc trong những tháng tới.

Ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào đầu vào từ nước ngoài của Nga đã đình trệ. Nhiều nhà máy phải đóng cửa do thiếu phụ tùng, doanh số hàng năm đã giảm 79% vào tháng 4. Kể cả nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh mẽ do các lệnh trừng phạt buộc Nga phải tách khỏi nền kinh tế toàn cầu.

“Mọi người đang quá tập trung vào những biến số như giá trị đồng ruble. Tôi nghĩ biến số quan trọng nhất nằm ở những gì đang thực tế diễn ra trong nền kinh tế”, ông Branko Milanovic, cựu nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới.

Ông Milanovic nhận định rằng Nga đang tiến hành một thí nghiệm độc đáo, thay thế hàng nhập khẩu bằng những công nghệ từ thời Liên Xô đã hơn 30 năm tuổi. Nga có thể sẽ sản xuất những chiếc xe Lada không có túi khí hay hệ thống định vị, hoặc tăng cường chế tạo máy bay chở khách của Tupolev thay cho Airbus và Boeing.

 Doanh số ô tô ở Nga sụt giảm mạnh mẽ vào tháng 3 và 4.

Theo ông Milanovic, gần như mọi quy trình sản xuất của Nga hiện nay đều dựa vào đầu vào nhập khẩu, từ chip bán dẫn Đài Loan, các vật dụng cơ bản trong máy móc cho đến hệ thống chụp X-quang Siemens tại sân bay.

Những gì có thể được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và những thứ không thể thay thế được dần dần sẽ lộ ra.

“Theo lý thuyết O-ring về sự đổ vỡ kinh tế, khi chỉ thiếu đi một bộ phận thì bạn sẽ không thể tiếp tục”, ông Milanovic nói, đề cập đến các miếng đệm cao su bị lỗi đã khiến tàu con thoi Challenger của Mỹ gặp nạn vào năm 1986. 

Minh Quang

Chiến thắng của ông Trump không phải nguyên nhân duy nhất khiến giá bitcoin bốc đầu
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng chênh lệch giữa cung cầu bitcoin sau sự kiện halving là nguyên nhân chính khiến giá tăng vọt trong thời gian qua, chiến thắng của ông Trump chỉ là chất xúc tác.