Dấu hiệu cho thấy Nga đang thắng thế trên cả mặt trận kinh tế và quân sự
Theo The Guardian, sau ba tháng kể từ khi bắt đầu chiến tranh kinh tế với Nga, dường như kế hoạch của phương Tây đang đi chệch hướng. Mỹ và các đồng minh phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế vì hai lựa chọn còn lại là không làm gì hoặc tham chiến, còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Những động thái tấn công nền kinh tế Nga được áp dụng ngay khi cuộc xung đột nổ ra, với giả định rằng Ukraine sẽ đầu hàng trong vòng vài ngày. Trên thực tế, sau ba tháng, phía Kiev vẫn đang cầm cự, còn các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng cường.
Dù vậy, không có bất cứ đấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ rút quân khỏi Ukraine. Việc Moscow vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự cũng không hề bất ngờ, bởi các biện pháp trừng phạt đã đẩy giá dầu và khí đốt lên cao kỉ lục, giúp Nga thu về nguồn lợi khổng lồ.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Tổng thống Putin có thể tự hào về mức thặng dư tài khoản vãng lai đạt 96 tỷ USD, gấp hơn ba lần con số cùng kỳ năm 2021.
Nga không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm thị trường thay thế cho năng lượng của mình, với xuất khẩu dầu và khí đốt sang Trung Quốc trong tháng 4 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu dầu mỏ sang thị trường Ấn Độ thậm chí còn ấn tượng hơn, tăng từ mức trung bình 960.000 thùng/tháng của năm 2021 lên đến 24 triệu thùng trong tháng 5, tức gấp 25 lần.
Ai chịu đau giỏi hơn?
Tất nhiên, các lệnh trừng phạt cũng gây ra nỗi đau cho Moscow. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nền kinh tế Nga sẽ sụt giảm 8,5% trong năm nay do dòng chảy hàng hóa nhập khẩu từ phương Tây bị đình trệ. Moscow có kho dự trữ hàng hóa thiết yếu để duy trì nền kinh tế, nhưng cũng sẽ dần cạn kiệt theo thời gian.
Châu Âu không thể đột ngột thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga mà cần thời gian và nguồn lực rất lớn. Do đó, Moscow đã tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính ngay lập tức.
Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và mức thặng dư thương mại rất cao, ruble đã ổn định, thậm chí còn trở thành đồng tiền tăng giá nhiều nhất trong năm 2022. Về vấn đề linh kiện kỹ thuật, Điện Kremlin vẫn có đủ thời gian để tìm nguồn thay thế từ những quốc gia sẵn sàng lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Khi các nhà lãnh đạo toàn cầu gặp nhau ở Davos, Thụy Sĩ trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tuần trước, thông điệp được nhắc đi nhắc lại là lên án hành động quân sự của Nga và cam kết hỗ trợ cho Ukraine. Nhưng bản thân mỗi quốc gia đều lo ngại về chi phí kinh tế của một cuộc xung đột kéo dài.
Những lo ngại này là hoàn toàn chính đáng. Việc Nga tấn công Ukraine đã tạo thêm áp lực giá cả. Tỷ lệ lạm phát của Anh là 9%, mức cao nhất trong 40 năm, giá xăng dầu đã đạt đỉnh và giới hạn giá năng lượng (mức cao nhất mà người tiêu dùng Anh phải trả) dự kiến sẽ tăng thêm 700-800 bảng Anh vào tháng 10.
Gói hỗ trợ mới nhất mà Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố để đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là gói thứ ba trong vòng 4 tháng. Và Anh sẽ còn phải tung ra nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa cho tới cuối năm nay.
Hậu quả của xung đột Ukraine là việc các nền kinh tế phương Tây phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng chậm hoặc âm và lạm phát gia tăng, tương tự như tình trạng lạm phát đình trệ vào những năm 1970. Các ngân hàng trung ương đối phó với lạm phát gần hai con số bằng cách nâng lãi suất, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Vấn đề mà các quốc gia nghèo trên thế giới phải đối mặt thậm chí còn nghiệm trọng hơn nhiều. Đối với một số người kém may mắn, nạn đói mới là thứ đang rình rập chứ không phải lạm phạt đình trệ. Do xung đột, 25 triệu tấn lúa mì từ các cảng ở Biển Đen của Ukraine đang bị mắc kẹt.
Ông David Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới đã nói: “Hiện tại, các hầm chứa ngũ cốc của Ukraine đã đầy. Đồng thời, 44 triệu người trên khắp thế giới đang đối mặt với nạn đói”.
Mọi tổ chức đa phương, từ IMF, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên hợp quốc đều bày tỏ lo ngại về một thảm họa nhân đạo đang ngày càng gia tăng.
Trừ khi các quốc gia đang phát triển là nhà xuất khẩu năng lượng, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến ở ba mặt trận, trong đó các khủng hoảng nhiên liệu và thực phẩm sẽ gây ra khủng hoảng tài chính.
Các chính phủ sẽ luôn ưu tiên việc nuôi sống người dân hơn là trả tiền cho chủ nợ quốc tế. Sri Lanka là quốc gia đầu tiên vỡ nợ kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, và nhiều khả năng không phải nước cuối cùng. Khả năng xảy ra khủng hoảng nợ toàn diện hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ thập niên 90.
Trò chơi dài hơi
Tổng thống Putin bị lên án vì "vũ khí hóa" lương thực, nhưng hành động của ông không có gì đáng ngạc nhiên. Ngay từ đầu, Tổng thống Nga đã chơi một trò chơi dài hơi, chờ đợi liên minh quốc tế chống lại mình tan rã. Điện Kremlin có lẽ đã đúng khi cho rằng ngưỡng chịu đựng nỗi đau kinh tế của Nga cao hơn phương Tây.
Quyết định của Tổng thống Joe Biden cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực tiên tiến dường như là một minh chứng cho việc các lệnh trừng phạt đang không mang lại nhiều kết quả. Thậm chí, Nhà Trắng còn đang có kế hoạch gửi tới Ukraine những máy bay không người lái cỡ lớn MQ-1C Gray Eagle.
Bằng việc viện trợ cho Ukraine, Washington hy vọng rằng công nghệ quân sự hiện đại của Mỹ sẽ đạt được điều mà cấm vận năng lượng và tịch thu tài sản cho đến nay vẫn chưa làm được: buộc Nga phải rút quân.
Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường lại cho thấy Nga đang thắng thế, và ngày càng nhiều thành phố Ukraine bị Moscow kiểm soát. Dù tiến quân với tốc độ chậm chạp, nhưng Nga đều nhanh chóng thành lập chính quyền mới ở những nơi mình đi qua.
- TIN LIÊN QUAN
-
Miền nam Ukraine có thể sớm trưng cầu dân ý để gia nhập Nga 02/06/2022 - 16:54
Sau khi thay đổi chiến thuật, Nga ngày một tiến dần hơn tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn khu vực Luhansk. Các đợt phản công của Ukraine ở hướng nam cũng không mang lại nhiều kết quả khả quan. Sau khi Mariupol thất thủ, dường như tinh thần của phía Kiev đang đi xuống.
Cũng có thể, các biện pháp trừng phạt kinh tế cuối cùng cũng phát huy tác dụng, buộc Nga phải lùi bước. Trong quá khứ, các biện pháp này thường có một độ trễ nhất định, và mức độ hiệu quả phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố.
Thương lượng hòa bình cũng là một giải pháp để kết thúc xung đột. Tuy nhiên, khi Nga đang kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, nếu không có đột biến xảy ra trên chiến trường, Kiev sẽ không có con bài nào khi bước lên bàn đàm phán.
Tổng thống Putin sẽ không đầu hàng vô điều kiện, và thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến kinh tế đã quá rõ ràng: mức sống giảm ở các nước phát triển; nạn đói, khủng hoảng lương thực và vỡ nợ ở các quốc gia đang phát triển.
Hành động quân sự của Nga ở Ukraine là điều mà phương Tây khó lòng chấp nhận, nhưng thực tế kinh tế chỉ cho thấy một điều: sớm hay muộn thì một thỏa thuận cũng sẽ được ký kết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/