|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các biện pháp thương mại trong gói trừng phạt thứ 11 của EU nhằm vào Nga

03:00 | 25/06/2023
Chia sẻ
Gói trừng phạt này bao gồm các biện pháp nhằm chống lại việc lách luật trừng phạt và bổ sung 87 thực thể mới vào danh sách những thực thể "trực tiếp hỗ trợ tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga."

 Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom ở ngoại ô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/6 đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 11 mà khối này áp đặt lên Nga kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm ngoái.

Gói trừng phạt này bao gồm các biện pháp nhằm chống lại việc lách luật trừng phạt và bổ sung 87 thực thể mới vào danh sách những thực thể "trực tiếp hỗ trợ tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga."

EU đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với xe tải có rơ moóc và sơ mi rơ moóc của Nga vận chuyển hàng hóa sang EU, đồng thời mở rộng lệnh cấm xuất khẩu ôtô hạng sang, áp dụng lệnh cấm với đối với tất cả ôtô mới và ôtô đã qua sử dụng có động cơ vượt mức quy định, cũng như tất cả các loại ôtô điện và xe hybrid (xe lai chạy bằng cả xăng và điện).

Theo Hội đồng EU, quyền miễn trừ tạm thời dành cho Đức và Ba Lan đối với việc nhận nguồn cung dầu thô từ Nga thông qua đoạn phía Bắc của đường ống dẫn dầu Druzhba sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, dầu có nguồn gốc từ Kazakhstan hoặc một nước thứ ba khác sẽ có thể tiếp tục quá cảnh qua Nga và nhập khẩu vào EU thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba.

Cụ thể, các biện pháp trừng phạt về thương mại bao gồm:

- EU sẽ hạn chế việc bán hàng hóa và công nghệ (thuộc danh mục bị trừng phạt) cho một nước thứ ba nếu các nước thứ ba này bán lại hàng hóa hoặc công nghệ đó cho Nga. EU thậm chí đang cấm quá cảnh qua Nga một số hàng hóa nhạy cảm như công nghệ tiên tiến hoặc vật liệu liên quan đến hàng không, được xuất khẩu từ EU sang nước thứ ba.

- EU sẽ không xuất khẩu sang Nga 15 mặt hàng công nghệ mới đã được tìm thấy tại hiện trường cuộc xung đột Ukraine.

- EU siết chặt hạn chế nhập khẩu mặt hàng sắt thép bằng cách yêu cầu các nhà nhập khẩu mặt hàng sắt thép (trong danh mục bị trừng phạt) đã được chế biến tại nước thứ ba chứng minh nguyên liệu đầu vào được sử dụng không đến từ Nga.

- Một số công ty không thể bán hàng hóa trong danh sách bị trừng phạt cho Nga đã bán cho nước này quyền sản xuất những hàng hóa này để Nga có thể sản xuất chúng trong nước. EU hiện đã cấm bán, cấp phép, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho Nga để sản xuất hàng hóa trong danh sách bị trừng phạt bên ngoài EU.

- EU mở rộng lệnh cấm xuất khẩu ôtô hạng sang tới Nga, áp dụng lệnh này đối với tất cả ôtô mới và cũ có dung tích động cơ trên 1.900 cm³, và tất cả các loại xe điện và hybrid.

Các biện pháp trừng phạt về vận tải bao gồm:

- EU sẽ cấm hoàn toàn xe tải có rơ moóc và sơ mi rơ moóc của Nga vận chuyển hàng hóa sang EU.

- Các tàu tham gia vận chuyển hàng hóa của Nga trong danh sách bị trừng phạt như dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ sẽ không được phép vào các cảng của EU.

Ngoài ra, EU cũng chấm dứt việc cho phép nhập khẩu dầu của Nga bằng đường ống tới Đức và Ba Lan. Mặc dù cả hai quốc gia trên đều tuyên bố rằng họ sẽ không nhập khẩu dầu qua đường ống "hữu nghị" của Nga, nhưng lệnh cấm chính thức từ EU cho phép họ chấm dứt hợp đồng với Nga mà không phải chịu bất cứ hậu quả nào về pháp lý.

Đáp trả các động thái trên, Nga cũng đã mở rộng danh sách cấm nhập cảnh vào Nga đối với nhiều quan chức châu Âu.

Minh Trang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.