Nga và Trung Quốc muốn lật đổ đồng bạc xanh, nhưng nhiều nước vẫn chọn USD làm đồng tiền chính
Sự thống trị của đồng USD đối với nền kinh tế toàn cầu đang gây ra lo ngại và bất mãn tại nhiều nơi trên thế giới, dẫn đến xu hướng phi đô la hóa.
Vị thế bá chủ của đồng bạc xanh là điều các quốc gia đã biết từ lâu, nhưng gần đây lại thu hút sự chú ý đặc biệt bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Sau khi Nga điều quân sang nước láng giềng, Mỹ đã liên tiếp giáng đòn trừng phạt vào Moscow. Washington đã đóng băng kho dự trữ ngoại hối hàng trăm tỷ USD của Nga và cùng các đồng minh phương Tây đã loại Nga ra khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Chính phủ khó tiếp USD khiến nền kinh tế Nga chịu thiệt hại nặng nề. Moscow buộc phải gấp rút tìm các giải pháp thay thế cho USD – và nước này lựa chọn nhân dân tệ của Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp trong lịch sử. Cộng thêm việc lựa chọn sát cánh với Nga giữa lúc chiến sự tại Ukraine vẫn chưa dứt, Trung Quốc càng lo ngại về khả năng bị Mỹ trừng phạt. Do đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại với các đối tác quốc tế.
Ngoài Nga thì nhiều nước như Arab Saudi, Bangladesh, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Pakistan, Iraq và Bolivia gần đây đã giao dịch bằng nhân dân tệ hoặc bày tỏ sẵn lòng chấp nhận đồng tiền này trong tương lai.
Các nước khối BRICS – bao gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi – thậm chí còn đang cân nhắc một đồng tiền chung mới để làm lựa chọn thay thế USD. Tờ Bloomberg cho biết BRICS đại diện cho hơn 40% dân số thế giới và gần 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu, khiến họ trở thành một trong những khối kinh tế quan trọng nhất thế giới.
Nhưng trái ngược với nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào USD của những nước trên, không ít quốc gia lựa chọn dùng USD thay cho đồng nội tệ. Cuộc bầu cử tổng thống của Argentina có thể sẽ quyết định liệu nước này có dùng USD làm đồng tiền pháp định (legal tender) của mình hay không.
Ông Marc Chandler, chuyên gia thị trường tại Bannockburn Global Forex, bình luận: “Nếu Argentina dùng USD để thay cho đồng nội tệ, thì điều này đồng nghĩa với việc họ đang giao cả ngân hàng trung ương và chính sách tiền tệ của mình cho Mỹ. Tôi thấy rằng rất ít quốc gia, đặc biệt là những nước lớn, thực sự muốn làm vậy. Chủ nghĩa dân tộc có vẻ quá mạnh”.
Tuy nhiên, những quốc gia khác thì lại đang làm vậy. Dưới đây là những quốc gia dùng USD làm đồng nội tệ, theo tổng hợp của tờ Markets Insider. GDP và dân số được lấy từ dữ liệu năm 2021 của World Bank.
Ecuador
GDP: 106,17 tỷ USD
Dân số: 17,8 triệu người
Quốc gia Mỹ Latinh này từng sử dụng nhiều đồng tiền tệ trước khi chính thức chọn đồng sucre. Tuy nhiên, khi sucre mất giá, nhiều công dân Ecuador đã bắt đầu tích lũy USD, gây ra tình trạng đô la hóa quốc gia một cách không chính thức. Ecuador cuối cùng đã chấp nhận USD làm đồng tiền chính vào năm 2000.
Panama
GDP: 63,61 tỷ USD
Dân số: 4,3 triệu người
Panama dùng USD song song với đồng nội tệ. Tỷ giá đồng Panamanian Balboa được neo ở mức ngang giá với USD và chỉ được phát hành dưới dạng tiền xu. Cơ cấu này được thiết lập từ năm 1904 sau khi Panama giành được độc lập.
El Salvador
GDP: 28,74 tỷ USD
Dân số: 6,3 triệu người
El Salvador thay thế đồng colón bằng USD vào năm 2011 để cố gắng ổn định nền kinh tế. Vào năm 2021, El Salvador cũng đồng thời áp dụng bitcoin làm tiền tệ quốc gia.
Zimbabwe
GDP: 28,37 tỷ USD
Dân số: 15,9 triệu người
Đồng bạc xanh được dùng trong 77% giao dịch tại Zimbabwe trong năm nay sau khi USD được chấp nhận trở lại để khống chế lạm phát do sự mất giá của đô la Zimbabwe gây ra. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2009 quốc gia Nam Phi này dùng USD làm đồng tiền pháp định.
Đầu tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thúc giục Zimbabwe thực hiện thêm các biện pháp cải cách tiền tệ, ví dụ như thả nổi hoàn toàn đô la Zimbabwe.
Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste
GDP: 3,62 tỷ USD
Dân số: 1,3 triệu người
USD trở thành thành đồng tiền pháp định của Timor-Leste vào năm 2000, sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 để quyết định nền độc lập của quốc gia Đông Nam Á này.
Liên bang Micronesia
GDP: 404 triệu USD
Dân số: 113.131 người
Quốc đảo ở phía tây Thái Bình Dương đã sử dụng đồng USD sau khi giành được độc lập vào năm 1979.
Quần đảo Marshall
GDP: 260 triệu USD
Dân số: 42.050 người
Quốc đảo Nam Thái Bình Dương này đã sử dụng đồng USD từ năm 1979. Vào năm 2018, Quần đảo Marshall cũng đã thông qua luật để tạo một loại tiền điện tử quốc gia có tên là Sovereign, bất chấp lời khuyên của IMF.
Cộng hòa Palau
GDP: 218 triệu USD
Dân số: 18.024 người
Đất nước nằm ở Thái Bình Dương này đã sở dụng USD kể từ khi ra đời vào năm 1994. Tháng 12/2022, họ đã hợp tác với công ty tiền điện tử Ripple để phát triển một loại tiền stablecoin.
Các lãnh thổ và khu vực pháp lý khác cũng sử dụng đồng USD bao gồm Puerto Rico, Guam, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Bonaire, Samoa thuộc Mỹ, quần đảo Turks và Caicos.