|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

7 lý do BRICS không thể tạo ra đồng tiền chung đe dọa sự thống trị của USD

17:09 | 06/05/2023
Chia sẻ
Nhóm 5 quốc gia đang phát triển BRICS gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đang có ý định tạo ra một đồng tiền chung dùng cho thương mại quốc tế và thay thế các đồng tiền do phương Tây kiểm soát như USD hay EUR. Ở thời điểm hiện tại, tham vọng này có vẻ quá xa vời.

5 nguyên thủ quốc gia của khối BRICS. (Ảnh: Reuters).

Xu hướng chống đô la hóa (de-dollarisation) đã được nhắc đến trong hơn 20 năm qua và ngày càng được coi trọng hơn sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vì tấn công quân sự Ukraine vào tháng 2/2022.

Sau khi bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ và châu Âu kiểm soát, Nga đã tăng cường thông thương với Trung Quốc và tất nhiên, đồng tiền được sử dụng cũng không còn là USD hay EUR như trước mà đã chuyển sang đồng nội tệ của hai nước là ruble và nhân dân tệ.

Trung Quốc và một số quốc gia khác như Brazil và Arab Saudi cũng đã đạt được những bước tiến trong việc giao dịch trực tiếp bằng đồng tiền của nhau, không dùng đến USD.

Cuối tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Alexander Babakov tuyên bố các nước BRICS đang trong quá trình tạo ra một phương tiện thanh toán mới, được thiết lập dựa trên chiến lược “không bảo vệ đồng USD và EUR".

Ông Pavel Knyazev, đại diện của Nga tại BRICS cũng khẳng định 5 quốc gia của khối này đang nghiên cứu việc phát triển một đồng tiền dự trữ mới để phục vụ tốt hơn các lợi ích kinh tế của mình. Đồng tiền dự trữ mới này sẽ được xây dựng dựa trên một rổ gồm 5 loại tiền tệ của các nước thành viên.

Lãnh đạo Brazil muốn chấm dứt phụ thuộc vào USD.

Đồng tiền chung của BRICS là gì?

Theo các thông tin ban đầu hiện có, BRICS sẽ không tạo ra một đồng tiền chung để thay thế hoàn toàn tiền của 5 quốc gia thành viên. Loại tiền tệ mới của BRICS sẽ chỉ được dùng cho dự trữ và thanh toán quốc tế.

Như vậy, đồng tiền của BRICS sẽ khác biệt căn bản với đồng EUR của châu Âu. Khi gia nhập khu vực Eurozone, nước Đức phải từ bỏ tiền mark, Pháp phải bỏ tiền franc, Italy phải bỏ tiền lira, … để chuyển sang dùng EUR.

Với khối BRICS, loại tiền tệ chung mới sẽ tồn tại song song với các ngoại tệ hiện có, người Trung Quốc vẫn sẽ dùng nhân dân tệ, Nam Phi vẫn dùng rand, Brazil vẫn dùng real, Ấn Độ vẫn sẽ dùng rupee, và Nga tiếp tục dùng ruble.

Loại tiền tệ mới mà BRICS đang đề xuất lập ra sẽ tương đồng nhất với SDR – quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Khi có nhu cầu, quốc gia sở hữu SDR sẽ có thể dùng quyền rút vốn này để đổi lấy 5 loại ngoại tệ là đô la Mỹ, euro, nhân dân tệ, yen Nhật và bảng Anh.

Tỷ giá quy đổi giữa SDR và các loại tiền tệ được IMF công bố hàng ngày. Ví dụ vào ngày 5/5/2023, một SDR đổi được 9,34 nhân dân tệ, hoặc 1,227 euro, hoặc 1,071 bảng Anh, hoặc 1,351 USD.

Đồng tiền chung trong tương lai của BRICS cũng có thể sẽ được dùng để đổi ra tiền tệ của 5 quốc gia thành viên. Giả sử Ấn Độ cần ruble để nhập khẩu dầu của Nga, Ấn Độ có thể dùng tiền BRICS mình có để đổi ra ruble.

7 lý do đồng tiền chung của BRICS không thể lật đổ ngôi vua của USD

Kể từ thỏa thuận Bretton Woods năm 1944 đến nay, USD luôn là vua của các loại tiền tệ, được sử dụng nhiều hơn bất kỳ đồng tiền nào khác. Trong giai đoạn từ cuối Thế chiến II đến 1971, USD được đảm bảo bằng vàng, ngân hàng trung ương các nước mang 35 USD đến Mỹ sẽ đổi được một ounce vàng.

Sau 1971, chế độ bản vị vàng sụp đổ, nhưng USD vẫn được ưa chuộng rộng rãi một phần vì thói quen cũ khó có thể bỏ ngay, một phần vì Mỹ cùng với Arab Saudi và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác thống nhất sẽ chỉ niêm yết giá và mua bán dầu bằng USD. Các nước buộc phải có USD để mua thứ “vàng đen” thiết yếu cho nền kinh tế và văn minh nhân loại.

Năm 2008 khi khủng hoảng tài chính bùng nổ ở Mỹ trước khi lan rộng ra toàn thế giới, dòng vốn toàn cầu vẫn tìm đến USD, coi USD là nơi trú ẩn an toàn nhất. Ngày nay, USD chiếm 59% dự trữ ngoại hối toàn cầu và 88% (trong tổng số 200%) giao dịch ngoại hối toàn thế giới, lớn hơn 4 đồng tiền lớn khác cộng lại.

 

Đồng tiền chung của BRICS không dễ gì chiếm đoạt được ngôi vương mà USD nắm giữ suốt 8 thập kỷ qua, dưới đây là 7 lý do chính.

Thứ nhất, USD không cần hoàn hảo, chỉ cần tốt hơn đối thủ

Giữa các đồng tiền có sự cạnh tranh với nhau, đồng tiền được chọn để sử dụng không nhất thiết phải hoàn hảo mà chỉ cần là phương án tốt nhất.

USD có nhiều vấn đề, chẳng hạn như có thể bị dùng làm công cụ trừng phạt các quốc gia đối thủ của Mỹ. Nhưng USD cũng có rất nhiều ưu điểm, chẳng hạn như giá trị tương đối ổn định, thanh khoản cao, vị thế thống trị lâu đời đã ăn sâu vào hệ thống tài chính quốc tế, ….

USD có nhược điểm, nhưng liệu có đủ nghiêm trọng để khiến các quốc gia khác có sẵn lòng từ bỏ USD để tìm đến một đồng tiền mới, chưa được thử thách qua thời gian như BRICS hay không?

Thứ hai, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới

Sức mạnh của một đồng tiền phụ thuộc nhiều vào quy mô của nền kinh tế phát hành ra đồng tiền đó, và Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy GDP theo giá hiện hành của Mỹ năm 2022 là 25.464 tỷ USD, lớn hơn toàn khối đồng tiền chung châu Âu Eurozone.

Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ cũng cao hơn ba nền kinh tế lớn nhất BRICS là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga cộng lại.

GDP của Mỹ lớn hơn Trung Quốc khoảng 40%.

USD mạnh mẽ là nhờ được bảo đảm bởi nền kinh tế khổng lồ của nước Mỹ, liên tục tạo ra các sản phẩm và hàng hóa hữu ích. Chừng nào nền kinh tế lớn nhất thế giới còn dùng USD, chừng đó USD khó có thể sụp đổ.

Thứ ba, những nghi ngại về Trung Quốc

Tổng GDP năm 2022 của 5 quốc gia BRICS là 26.031 tỷ USD, nhỉnh hơn 2% so với Mỹ. Riêng Trung Quốc có GDP hơn 18.100 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 70% của toàn khối BRICS. Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu đã bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ là thổi phồng số liệu kinh tế. Vì vậy, các thống kê ở trên nhiều khả năng là không đáng tin cậy.

Khoảng 1/3 GDP của Trung Quốc phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào ngành bất động sản. Trong hai năm qua, lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc rơi vào suy thoái, nhiều tập đoàn lớn như Evergrande điêu đứng, GDP của nước này chắc chắn chịu ảnh hưởng không ít.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất BRICS nên tầm ảnh hưởng với đồng tiền chung của khối cũng sẽ là lớn nhất.

Một mối quan ngại khác là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đồng tiền chung của BRICS. Với nền kinh tế lớn nhất và dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển đồng tiền mới.

Từ lâu Bắc Kinh đã trực tiếp can thiệp vào thị trường ngoại hối, phá giá nhân dân tệ nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế khác. Nếu sắp tới đồng tiền chung của BRICS ra đời, ai có thể bảo đảm Trung Quốc sẽ không tiếp tục can thiệp vào giá trị của đồng tiền này để làm lợi cho riêng mình?

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ … vốn dĩ không hài lòng với Trung Quốc vì vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Việc triển khai một đồng tiền do Trung Quốc chi phối sẽ gặp khó khăn.

Năm 2023, dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc.

Thứ tư, thành tích lâu đời của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 

Nhìn lại lịch sử 110 năm của Fed (1913 - 2023), nhiều người có thể chỉ ra hàng loạt sai lầm mà ngân hàng trung ương Mỹ đã phạm phải, gần đây nhất là việc để cho lạm phát leo cao tới hơn 9% trong năm 2022.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Fed đã lèo lái nền kinh tế Mỹ và USD đi qua hai cuộc đại chiến thế giới cùng nhiều biến cố địa chính trị, suy thoái, khủng hoảng, …. Mỹ hiện vẫn là siêu cường kinh tế và quân sự số 1 thế giới, USD vẫn là đồng tiền phổ biến nhất.

Như đã nói ở phần lý do thứ nhất, các đồng tiền có tính so sánh tương đối, Fed không cần hoàn hảo mà chỉ cần tốt hơn các đối thủ. Không có nhiều lý do để khẳng định chắc chắn rằng ngân hàng trung ương BRICS có thể quản lý đồng tiền chung của khối này tốt hơn Fed đã và đang làm với USD.

Thứ năm, những bất ổn trong nội bộ BRICS

Khi đồng euro (EUR) được triển khai vào ngày 1/1/1999 và thay thế hoàn toàn tiền giấy, tiền xu của các nước thành viên vào ngày 1/1/2002, nhiều nhà quan sát và chuyên gia kinh tế đã dự báo ngày tàn của USD đang đến.

Lập luận khi đó là tuy từng nước châu Âu riêng lẻ khá nhỏ yếu, nhưng khi gộp lại thành một khối thống nhất và sử dụng một đồng tiền chung thì hoàn toàn có thể thách thức địa vị của Mỹ và USD.

Sau hai thập kỷ, USD vẫn vững vàng ở ngôi đầu. Vấn đề với EUR là các nước thành viên có điều kiện kinh tế chênh lệch nhau rất nhiều và mỗi nước lại có một ưu tiên kinh tế riêng. Mục tiêu của Đức, Pháp khác xa Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Đảo Síp. Vì vậy, rất khó để Eurozone có thể theo đuổi một chính sách nhất quán nhằm đánh bại USD.

Vị thế của USD không suy giảm trong hàng chục năm qua.

Vấn đề với BRICS thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều so với Eurozone. Các nước BRICS có vị trí rải rác cách xa nhau, không phải là một khối địa lý thống nhất như các nước châu Âu. Mối quan hệ giữa các nước BRICS cũng rất phức tạp: Trung Quốc và Ấn Độ đang tranh chấp biên giới, Iran và Arab Saudi – hai nước có mong muốn gia nhập BRICS – coi nhau là kẻ thủ.

Ngoài ra, một số quốc gia sẽ không muốn sử dụng đồng tiền chung BRICS vì muốn tránh gia tăng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ sáu, Mỹ có quân đội hùng mạnh và an ninh quốc gia vững chắc

Việc có quân đội mạnh nhất thế giới và quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng giúp nước Mỹ có điều kiện ổn định để phát triển kinh tế. Mỹ có hai bên sườn giáp với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương rộng lớn, phía bắc chỉ có Canada, phía nam chỉ sát Mexico, gần như không cần lo bị xâm lược hay chiến tranh tàn phá (chỉ có Mỹ đem quân đội tới giao tranh ở nước khác).

Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang tranh chấp biên giới trên bộ với Ấn Độ, gần đây xảy ra giao tranh chết người. Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Vấn đề đảo Đài Loan, Đặc khu Hành chính Hong Kong, Khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng, … cũng là những chủ đề nhức nhối.

Khi cân nhắc lựa chọn, đồng tiền của quốc gia an toàn và ổn định chắc chắn sẽ được đánh giá cao hơn quốc gia có nguy cơ xảy ra chiến tranh, bất ổn.

Thứ bảy, Trung Quốc không muốn làm người cung cấp đồng tiền dự trữ quốc tế

Nắm trong tay đồng tiền dự trữ quốc tế mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích, nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, chẳng hạn như hàng triệu việc làm rời bỏ Mỹ để tới các nước rẻ hơn như Trung Quốc, khiến cho nhiều ngành sản xuất của Mỹ điêu đứng.

Một trong những lý thuyết nổi tiếng trong kinh tế học quốc tế là Bộ ba bất khả thi Mundell-Fleming: Một quốc gia không thể đồng thời đạt được cả ba mục tiêu: Tự chủ về chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái cố định, và dòng vốn nước ngoài tự do luân chuyển. Mỗi nước chỉ có thể đạt được nhiều nhất là 2/3 mục tiêu kể trên.

Trong trường hợp của Mỹ, Washington lựa chọn tự chủ về chính sách tiền tệ và cho dòng vốn tự do ra vào, đồng thời chấp nhận để USD biến động theo lực cung – cầu của thị trường, không ổn định theo ý muốn của Washington.

Hong Kong neo giá trị của HKD với USD và đạt được hai mục tiêu là ổn định tỷ giá và dòng vốn tự do luân chuyển, nhưng không tự chủ về chính sách tiền tệ do phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc chọn hai mục tiêu là tự chủ về chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá, đồng thời phải chấp nhận việc dòng vốn không được tự do đi lại qua biên giới.

Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc luôn giữ cho giá trị của đồng nhân dân tệ ở mức thấp so với USD để gia tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu, tạo thêm hàng triệu việc làm sản xuất trong nước.

Trung Quốc giữ ổn định tỷ giá để hạn chế rủi ro trong hoạt động thương mại, đồng nhân dân tệ yếu tạo ra lợi thế cho xuất khẩu, tăng thặng dư thương mại.

Để xây dựng một đồng tiền dự trữ quốc tế, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ các biện pháp kiểm soát dòng vốn, tương tự như Mỹ đang làm với USD. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ không thể điều hành tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu theo ý mình, thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai sẽ biến mất, thị trường vốn phải mở toang cửa để dòng tiền nước ngoài tự do qua lại.

Bắc Kinh không muốn các thế lực bên ngoài quyết định giá trị của nhân dân tệ, nên việc Trung Quốc cùng với BRICS phát triển một đồng tiền thay thế USD là khá xa vời.

Trung Quốc sẽ không dễ gì từ bỏ thặng dư thương mại khổng lồ của mình.

Đức Quyền