|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao các nước địch thủ của Mỹ chưa cùng nhau bán tháo để đánh sập đồng USD?

14:19 | 30/04/2023
Chia sẻ
Nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran, … có nhiều lý do để không ưa nước Mỹ và từ lâu đã muốn lật đổ sự thống trị của USD trên hệ thống tài chính thế giới nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.

Vai trò thống trị của USD không dễ gì bị lật đổ trong tương lai gần. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Từ hơn 10 năm qua, báo giới quốc tế và nhiều chuyên gia tài chính đã nói về xu hướng đảo ngược dollar hóa (de-dollarization) khi nhiều quốc gia xem xét các phương án thay thế USD trong giao thương và dự trữ ngoại hối. 

Trung Quốc từ lâu đã muốn mua dầu thô của Saudi Arabia bằng nhân dân tệ (NDT) thay cho USD. Khối các nước mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang muốn chung tay xây dựng một đồng tiền chung để sử dụng giữa 5 nền kinh tế lớn đang phát triển này, sau đó có thể mở rộng ra toàn cầu.

Những lời kêu gọi thay thế USD càng trở nên mạnh mẽ sau khi Mỹ dùng sức mạnh tài chính và tiền tệ của mình để trừng phạt Nga vì tấn công Ukraine vào tháng 2/2022. Nhiều quan chức và chuyên gia kinh tế lo ngại nước mình có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự như Nga nếu sau này làm phật lòng Mỹ, có thể quan hệ với Mỹ lúc này vẫn tốt đẹp nhưng mấy ai đoán được chữ “ngờ”?

Giải pháp an toàn nhất là chuyển sang sử dụng một (hoặc một vài) loại tài sản khác thay cho USD để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Tỷ trọng của USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm từ gần 73% vào năm 2001 xuống còn 58% vào cuối năm 2022, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Vai trò đồng tiền dự trữ của USD đang suy giảm dần.

Ở chiều ngược lại, có nhiều bằng chứng cho thấy vị thế thống trị của USD vẫn còn rất vững chắc, không dễ gì bị lật đổ. Ví dụ, thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy vào năm 2022, USD chiếm tỷ trọng 88% trong giao dịch quốc tế.

Con số 88% ở đây được tính trên số tổng là 200% thay vì 100% như bình thường, vì mỗi giao dịch có hai đồng tiền và cả hai đều được BIS thống kê. Biểu đồ dưới đây cho thấy USD đang bỏ xa các đồng tiền đứng sau như Euro, yen Nhật, bảng Anh, nhân dân tệ. Tổng tỷ trọng của 4 đồng tiền đứng ngay sau cũng chưa sánh bằng một mình USD.

Tỷ trọng của USD trong giao dịch quốc tế vẫn ổn định, thậm chí tăng nhẹ so với năm 2000.

Lượng tiền giấy USD do các cá nhân và tổ chức bên ngoài nắm giữ cũng duy trì tương đối cao trong nhiều năm qua, mức đầu năm 2021 cao hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. Thống kê của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy nước ngoài sở hữu khoảng 45% lượng tiền giấy USD, trị giá trên 2.100 tỷ USD.

Các tổ chức và cá nhân bên ngoài nước Mỹ vẫn nắm giữ lượng lớn USD, bất chấp nhiều thông tin về xu hướng chống dollar hóa.

Chỉ số Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh của USD với 6 ngoại tệ quan trọng khác là Euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ hiện vẫn ở khoảng 100 điểm, tương đương với đầu thập niên 2000 hay đầu thập niên 1980.

Tại sao USD vẫn duy trì được sức mạnh và sự phổ biến của mình khi nhiều quốc gia tuyên bố muốn thay thế USD như vậy?

Giá trị của USD vẫn tương đối ổn định, không sụp đổ như nhiều dự báo.

Chức năng tiêu dùng và tiết kiệm

Mỗi người dân có hai hoạt động kinh tế cơ bản là tiêu dùng và tiết kiệm. Hai hoạt động này có thể dùng cùng một đồng tiền, hoặc hai đồng tiền khác nhau, hoặc một dùng tiền và một dùng hàng hóa, công cụ tài chính, ....

Ví dụ, một người Việt Nam dùng tiền VND để đi chợ mua thực phẩm, để đổ xăng, trả tiền nhà, … nhưng khi tiết kiệm thì có thể lại chọn USD, hoặc mua vàng.

Một người dân Mỹ phải dùng USD để mua sắm nhu yếu phẩm, nhưng khi tính chuyện tiết kiệm thì có thể chọn cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư, bitcoin, ….

Hiện tượng này cũng xảy ra ở quy mô lớn hơn, chẳng hạn như một quốc gia. Một đất nước cần USD để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong giao thương quốc tế, nhưng khi xây dựng kho dự trữ quốc gia, các nhà lãnh đạo có thể sẽ chọn vàng, bạc, hoặc trái phiếu, hoặc những đồng tiền khác USD ….

Như các số liệu kể trên cho thấy, vai trò đồng tiền dự trữ của USD đang suy giảm, nhưng sự thống trị trong thanh toán quốc tế vẫn rất mạnh mẽ và không hề có dấu hiệu sa sút.

Các nước vẫn cần USD

Lý do hiển nhiên nhất khiến các nước cần dùng tới USD là để giao thương với Mỹ - nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Năm 2022, Mỹ xuất khẩu 3.100 tỷ USD và nhập khẩu 3.958 tỷ USD. Để củng cố đồng tiền của mình, Mỹ sẽ yêu cầu các nước đối tác phải dùng USD trong quan hệ thương mại.

Nhiều quốc gia muốn USD sụp đổ, nhưng chưa dám bán tháo và đánh sập đồng tiền của Mỹ còn bởi vì các nước này đang nợ số tiền khổng lồ bằng USD. Thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy: Tính đến 30/6/2022, các ngân hàng và tổ chức tài chính bên ngoài nước Mỹ đang có nghĩa vụ nợ tiềm ẩn bằng USD tổng trị giá 65.400 tỷ USD, tương đương 63% GDP toàn cầu.

Các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn xuất hiện khi các ngân hàng và tổ chức tài chính giao dịch hợp đồng hoán đổi tiền tệ (FX swap) .

Ví dụ, một ngân hàng Trung Quốc vay vốn trên thị trường quốc tế bằng USD, sau đó cho vay lại bằng nhân dân tệ. Về sau, ngân hàng Trung Quốc này nhận lại nhân dân tệ và trả USD. Nghĩa vụ trả nợ bằng USD này là một loại nợ, nhưng không được ghi nhận đầy đủ trên bảng cân đối kế toán do FX swap là một dạng hợp đồng phái sinh. Vậy nên các nghĩa vụ nợ này bị coi là “tiềm ẩn” và ít được biết tới.

Các khoản nợ bằng USD cần phải được trả lại đúng bằng USD. Nếu các nước bán tháo hết USD thì sẽ không thể trả được nợ nước ngoài khi đến hạn. Do đó, các nước nắm một lượng USD tối thiểu đủ để trả nợ.

Các nước nợ số tiền khổng lồ bằng USD nên không thể bán tháo đồng bạc xanh mà phải nắm giữ để trả nợ. 

Tổng giá trị các hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi tiền tệ (forward và swap) 96.610 tỷ USD. Mỗi giao dịch đều dùng đến hai loại tiền tệ. Thống kê của BIS cho thấy các giao dịch mà một bên là USD có giá trị lên tới 85.470 tỷ USD, tương đương 88,5% tổng số.

Nói cách khác, các nước muốn giao dịch với nhau bằng đồng tiền X nhiều khi cần dùng tới USD để mua đồng tiền X này trước. Do vậy, vai trò của USD sẽ không dễ bị xô đổ trong tương lai gần.

USD giữ vai trò thống trị trên thị trường ngoại hối quốc tế.

Đức Quyền - Song Ngọc