|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng tài sản của Fed bật tăng gần 400 tỷ USD trong hai tuần, liệu lạm phát có bùng lên lần nữa?

21:46 | 24/03/2023
Chia sẻ
Tổng tài sản của Fed tăng mạnh trong hai tuần gần đây, xóa sạch nỗ lực thu hẹp bảng cân đối kế toán để thắt chặt tiền tệ trong gần 5 tháng trước đó.

(Ảnh: Getty Images; Đồ họa: Song Ngọc).

Theo số liệu mới đây nhất, tổng tài sản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại ngày 22/3 vừa qua là 8.734 tỷ USD, tăng 392 tỷ USD so với hai tuần trước đó (ngày 8/3). Con số tài sản này cũng là mức cao nhất kể từ ngày 19/10/2022. 

Tổng tài sản của Fed lập đỉnh 8.965 tỷ USD vào ngày 13/4/2022. Sau đó, ngân hàng trung ương Mỹ triển khai chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách liên tục bán bớt các loại tài sản như trái phiếu Kho bạc, trái phiếu được bảo đảm bằng nợ vay mua nhà (MBS), qua đó hút bớt tiền về và giảm cung tiền trong nền kinh tế. Ngày 16/3/2022, sau hai năm liên tục duy trì lãi suất gần 0, Fed đã nâng lãi suất lần đầu tiên để chống lạm phát.

Đến 8/3 năm nay, Fed đã nâng lãi suất 8 lần liên tiếp, đồng thời giảm quy mô bảng cân đối kế toán đi 623 tỷ USD.

Ngày 22/3 vừa qua, ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất lần thứ 9 trong chiến dịch kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, tổng tài sản của Fed không tiếp đà đi xuống như trước mà lại bật tăng mạnh mẽ. Mức tăng trong hai tuần vừa qua đã xóa sạch nỗ lực cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán của Fed trong gần 5 tháng trước đó.

Ngày 22/3/2023, tổng tài sản của Fed quay lại mức cao nhất kể từ ngày 19/10/2022

Tại sao tổng tài sản của Fed đột ngột tăng lên? Phải chăng Fed đã bơm tiền trở lại và liệu lạm phát tại Mỹ có nguy cơ bùng lên lần nữa?

Trái phiếu giữ nguyên, cho vay tăng vọt

Thống kê từ Fed cho thấy trong hai tuần từ 8/3 đến 22/3/2023, giá trị chứng khoán mà Fed nắm giữ bao gồm trái phiếu và tín phiếu Kho bạc, trái phiếu được đảm bảo bằng nợ mua nhà (MBS), … không thay đổi nhiều, chỉ giảm khoảng vài tỷ USD. Bảng thống kê dưới đây cho thấy tổng tài sản của Fed tăng mạnh chủ yếu là do giá trị cho vay các tổ chức tài chính đi lên.

Giá trị chứng khoán của Fed không thay đổi nhiều, nhưng các khoản cho vay tăng mạnh. 

Cụ thể tại ngày 8/3, tổng giá trị chứng khoán Fed nắm giữ là 7.948 tỷ USD, đến 22/3 vẫn còn tới 7.937 tỷ USD. Cùng khoảng thời gian này, giá trị cho vay nhảy vọt từ 15 tỷ USD lên 354 tỷ USD.

Chi tiết hơn, giá trị tín dụng sơ cấp đi từ 5 tỷ vào ngày 8/3 lên 153 tỷ vào hôm 15/3 rồi hạ nhiệt còn 110 tỷ USD vào ngày 22/3. Đây chính là số tiền mà các ngân hàng và tổ chức nhận tiền gửi khác vay từ Fed thông qua cửa sổ chiết khấu (discount window).

Con số 153 tỷ USD vào ngày 15/3 là mức cao kỷ lục, lớn hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng Mỹ đang gặp khó khăn do tâm lý lo sợ và nhu cầu rút tiền lớn.

Quy mô cho vay thông qua cửa sổ chiết khấu tháng 3/2023 cao hơn cả giai đoạn khủng hoảng 2008 lẫn thời kỳ đầu đại dịch 2020.

Giá trị Fed cho vay thông qua Chương trình Cho vay Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) đi từ con số 0 vào ngày 8/3 lên 12 tỷ USD một tuần sau đó và chạm 54 tỷ USD vào hôm 22/3. Chương trình BTFP này mới được Fed triển khai vào ngày 13/3 nhằm bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng sau khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ.

Trong kỳ báo cáo ngày 15/3, các ngân hàng mới chỉ có ba ngày để vay tiền qua BTFP nên số dư ở mức khá khiêm tốn là 12 tỷ USD. Đến kỳ 22/3, các tổ chức tài chính đã có nguyên tuần để đi vay nên dư nợ vọt lên mức 54 tỷ USD.

Để vay tiền thông qua chương trình này, các ngân hàng cần có tài sản bảo đảm là trái phiếu. Trong bối cảnh lãi suất tăng liên tục 9 lần trong 12 tháng qua, giá trái phiếu đã đi xuống rõ rệt. Tuy nhiên, Chương trình BTFP của Fed tiếp nhận tài sản bảo đảm ngang với mệnh giá, đây là điều khoản rất có lợi cho các tổ chức tài chính. Ngoài ra, các tổ chức đi vay có thể trả nợ cho Fed trước hạn vào bất kỳ thời điểm nào mà không bị phạt.

Trong tuần từ 15/3 đến 22/3, các ngân hàng giảm vay từ cửa sổ chiết khấu (từ 153 còn 110 tỷ USD) và tăng cường vay từ Chương trình BTFP (từ 12 lên 54 tỷ USD) do điều khoản của BTFP có lợi hơn.

Đúng như tên gọi của mình, cửa sổ chiết khấu không cho vay toàn bộ giá trị tài sản bảo đảm mà “chiết khấu” đi một phần. Ngược lại, BTFP cho các ngân hàng vay số tiền tương đương 100% mệnh giá trái phiếu.

Mục “tín dụng khác” bao gồm các khoản vay mà Fed dành cho các “ngân hàng bắc cầu” (bridge bank) mà Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) lập ra để tiếp quản các ngân hàng sụp đổ.

Cụ thể hôm 10/3, FDIC thành lập Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara (DINB) để tiếp quản hoạt động của Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California. Ngày 12/3, FDIC thành lập Signature Bridge Bank để tiếp quản Signature Bank ở New York.

Ngân hàng bắc cầu này có trách nhiệm thanh toán cho những người gửi tiền được bảo hiểm trong hạn mức của FDIC. Ngày 13/3, Bộ Tài chính, FDIC và Fed ra thông cáo chung cho biết 100% tiền gửi tại SVB và Signature Bank đều được bảo hiểm, kể cả số trên hạn mức 250.000 USD.

Tại ngày 15/3, Fed đang cho các ngân hàng bắc cầu vay 142,8 tỷ USD. Hiện chưa có số liệu của ngày 22/3.

Như vậy, tổng tài sản của Fed tăng lên trong hai tuần từ ngày 8 đến ngày 22/3 là do ngân hàng trung ương Mỹ đẩy mạnh cho vay để hỗ trợ hệ thống tài chính đang căng thẳng, không phải do Fed mua thêm trái phiếu.

Lạm phát có bùng phát trở lại không?

Trong thời kỳ đại dịch 2020 – 2021, Fed đã in thêm hàng nghìn tỷ USD để mua trái phiếu Kho bạc và giúp chính phủ Mỹ có ngân sách để kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, phát tiền mặt cho hàng trăm triệu người dân, …. Một trong những hệ quả của đợt in tiền này là lạm phát vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ.

Lạm phát tại Mỹ lập đỉnh 4 thập kỷ vào tháng 6/2022 sau khi Fed in hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ ngân sách chính phủ.

Việc Fed tăng cường cho vay các ngân hàng thương mại hiện nay có thổi bùng lên ngọn lửa lạm phát tương tự như chiến dịch in tiền ba năm trước hay không?

Câu trả lời là không, vì hoạt động cho vay của Fed hiện nay là nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Khi khủng hoảng xảy ra, các ngân hàng sẽ chuyển sang trạng thái phòng thủ, hạn chế cho vay, giữ nhiều tiền mặt và trái phiếu Kho bạc để sẵn sàng ứng phó nếu làn sóng rút tiền ồ ạt xảy ra. Sự co cụm này khiến cho cung tiền trong nền kinh tế giảm đi. Việc Fed cho các ngân hàng vay sẽ giúp triệt tiêu tác động của sự suy giảm trong cung tiền, giữ cho thanh khoản trong nền kinh tế ổn định.

Nếu Fed hành động hợp lý, cung tiền sau khi Fed tăng cường cho vay sẽ lớn hơn so với trường hợp để mặc khủng hoảng lan rộng, nhưng sẽ không cao hơn cung tiền trước khi khủng hoảng xảy ra. Và như nhà kinh tế học Milton Friedman (người đoạt giải Nobel năm 1976) từng nói: “Lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ”, khi cung tiền không tăng mạnh thì lạm phát sẽ không thể lên cao.

Đức Quyền - Song Ngọc