Fed báo lãi ròng giảm 46% so với năm trước, vẫn vượt xa các ngân hàng thương mại
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết lợi nhuận ròng ước tính năm 2022 là 58,4 tỷ USD. Đây là số liệu sơ bộ và chưa qua kiểm toán, báo cáo tài chính kiểm toán của Fed sẽ được công bố sau.
Mức lợi nhuận của năm 2022 giảm 49,5 tỷ USD so với năm 2021, chủ yếu do chi phí lãi vay lên cao. Năm vừa qua, Fed đã nâng lãi suất quỹ liên bang 7 lần liên tiếp, từ khoảng 0 – 0,25% lên 4,25 – 4,5%. Lãi suất hợp đồng repo nghịch đảo (reverse repurchase agreement) cũng leo lên 4,3% trong tháng cuối năm.
Fed nâng lãi suất để khuyến khích các ngân hàng thương mại gửi tiền tại ngân hàng trung ương Mỹ thay vì cho vay ra nền kinh tế, qua đó làm dịu bớt áp lực lạm phát từ vùng đỉnh 4 thập kỷ. Cái giá mà Fed phải trả là chi phí lãi vay nhảy vọt từ 5,7 tỷ USD năm 2021 lên 102,4 tỷ USD trong năm ngoái, tương ứng mức tăng 18 lần.
Trong đó, chi phí lãi trả cho tiền gửi của các tổ chức tín dụng là 55,1 tỷ USD và chi phí lãi liên quan tới hợp đồng repo nghịch đảo là 41,5 tỷ USD.
Thu nhập lãi từ các chứng khoán mua qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong năm 2022 đạt 170 tỷ USD, tăng gần 39%.
Chi phí hoạt động của các ngân hàng trong hệ thống của Fed là 5,6 tỷ USD. Ngoài ra, Fed còn phải trả 1 tỷ USD cho chi phí sản xuất, phát hành và dừng lưu hành tiền tệ; 1 tỷ USD chi phí cho Hội đồng thống đốc; 0,7 tỷ USD chi phí cho hoạt động của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng.
Việc định giá lại hàng ngày các khoản đầu tư yết giá bằng ngoại tệ cũng khiến Fed lỗ 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ đã trả cổ tức 1,2 tỷ USD trong năm 2022.
So với các ngân hàng thương mại
Fed thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường tài chính nhằm điều hành chính sách tiền tệ vì hai mục tiêu là toàn dụng việc làm và kiểm soát lạm phát. Nhiệm vụ trọng tâm của Fed không phải là làm ra lợi nhuận nhưng khoản lãi ròng mà Fed kiếm được trong năm 2022 vẫn dư sức vượt xa mọi nhà băng trên đất Mỹ.
Ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ tính theo tổng tài sản là JPMorgan Chase, với quy mô tại ngày 31/12/2022 là gần 3.666 tỷ USD.
JPMorgan cũng là nhà băng làm ra lợi nhuận lớn nhất đât nước cờ hoa với lãi ròng năm ngoái đạt 37,7 tỷ USD, thấp hơn 35,4% so với Fed. Ở vị trí tiếp theo là Bank of America với lãi ròng 27,5 tỷ USD, chưa đầy một nửa so với ngân hàng trung ương Mỹ.
Tổng tài sản của Fed tại ngày cuối năm 2022 là khoảng 8.550 tỷ USD, đã giảm hơn 400 tỷ USD so với đỉnh hồi tháng 4 cùng năm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước COVID-19.
Để cứu trợ nền kinh tế trong đại dịch, Fed đã in ra hàng nghìn tỷ USD để bơm vào hệ thống tài chính bằng cách mua trái phiếu Kho bạc Mỹ và trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp (MBS). Biểu đồ bên dưới cho thấy giá trị của các trái phiếu này trong năm 2022 dao động trong khoảng 8.000 – 8.500 tỷ USD và chiếm gần hết cơ cấu tài sản của Fed.
Nắm giữ lượng trái phiếu khổng lồ, cùng với mặt bằng lãi suất tăng lên để kiềm chế lạm phát, đã giúp Fed đạt 170 tỷ USD thu nhập từ lãi trong năm qua.
Quy mô tài sản của JPMorgan Chase và các ngân hàng khác đều nhỏ hơn nhiều so với Fed nên rất khó để sánh kịp về lợi nhuận.
Chuyển tiền cho Chính phủ Mỹ
Hoạt động tiền tệ của Fed có liên quan tới Chính phủ Mỹ theo ba cách chính.
Thứ nhất, Fed là nơi Bộ Tài chính Mỹ mở tài khoản để chi tiêu cũng như thu tiền từ bán trái phiếu Kho bạc và các khoản thuế lớn như thuế thu nhập cá nhân. Tính đến ngày 8/2 vừa qua, tài khoản này có số dư 493 tỷ USD. Số dư lập đỉnh lịch sử 1.725 tỷ USD vào ngày 21/10/2020.
Thứ hai, chính sách tiền tệ của Fed có ảnh hưởng lớn tới hoạt động vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách của Nhà Trắng.
Fed không được phép cho Chính phủ Mỹ vay trực tiếp, tức là không được tham gia các phiên đấu thầu phát hành trái phiếu, nhưng Fed được phép mua bán trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thị trường mở (OMO).
Khi Fed hạ lãi suất và liên tục bơm tiền như trong năm 2020 – 2021, thanh khoản của hệ thống tài chính dồi dào, Bộ Tài chính có thể dễ dàng phát hành hàng nghìn tỷ USD trái phiếu để có nguồn kích thích kinh tế, chi phí lãi vay cũng tương đối thấp.
Ngược lại, khi Fed thắt chặt tiền tệ bằng cách bán bớt trái phiếu để hút tiền về như năm 2022 và 2023, Chính phủ Mỹ sẽ khó đi vay hơn.
Thứ ba, sau khi trang trải các khoản chi phí trong quá trình hoạt động, Fed hàng tuần phải chuyển hết lợi nhuận về cho Bộ Tài chính. Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2022, Fed đã chuyển đi 76 tỷ USD.
Nếu một tuần nào đó Fed thua lỗ, tiền sẽ không được gửi về cho Bộ Tài chính, nhưng Bộ Tài chính cũng không cần chuyển tiền ngược lại cho Fed để bù lỗ. Nếu Fed thua lỗ nhiều tuần liên tục, giá trị các khoản lỗ sẽ được tính lũy kế trên bảng cân đối kế toán.
Từ tháng 9/2022 đến ngày 8/2/2023, Fed không gửi đồng nào về cho Bộ Tài chính mà tích lũy khoản lỗ lên tới 30,2 tỷ USD. Khi Fed có lãi trở lại, lợi nhuận sẽ được dùng để dần dần xóa số lỗ lũy kế này. Một khi đã hết lỗ lũy kế, Fed sẽ nối lại việc chuyển lợi nhuận hàng tuần về cho Bộ Tài chính.
Việc Fed thắt chặt tiền tệ và chuyển từ lãi sang lỗ đã gây ra những ảnh hưởng trực tiếp cũng như gián tiếp tới nguồn thu ngân sách của chính phủ Mỹ.