|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chính phủ Mỹ còn bao nhiêu tiền trong tài khoản sau khi chạm trần nợ công?

07:49 | 30/01/2023
Chia sẻ
Chính phủ Mỹ đã chạm trần nợ công, tức là không được phép đi vay để trả nợ và chi tiêu mà phải dùng nguồn thu thuế và số tiền sẵn có để thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Trong khi người dân bình thường gửi tiền vào các ngân hàng thương mại thì chính phủ liên bang Mỹ gửi tiền vào ngân hàng trung ương. 

Theo thống kê của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – ngân hàng trung ương của Mỹ, tính đến ngày 25/1 vừa qua, Chính phủ Mỹ đang có số dư tiền gửi xấp xỉ 492 tỷ USD. Số dư này là cao hay thấp? Biểu đồ bên dưới cho thấy trong giai đoạn trước COVID-19, Chính phủ Mỹ chưa khi nào có đến 492 tỷ USD trong tài khoản, thi thoảng có hơn 400 tỷ USD.

Bộ Tài chính Mỹ có 492 tỷ USD trong tài khoản tiền gửi tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Tài khoản tiền gửi của Bộ Tài chính tại Fed được dùng để nhận tiền thu được từ bán trái phiếu Kho bạc và các khoản thuế lớn như thuế thu nhập cá nhân. Các khoản chi của Chính phủ Mỹ cũng được lấy từ tài khoản này. 

Hồi đầu năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ có khoảng 400 tỷ USD tiền gửi trong tài khoản tại Fed. Sau đó, COVID-19 bùng phát ở Mỹ, Quốc hội phê duyệt gói cứu trợ nền kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD và Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ đi vay để lấy nguồn tiền phục vụ chi tiêu trong đại dịch.

Số tiền mới đi vay về được Bộ Tài chính gửi ở Fed, nâng số dư lên đỉnh lịch sử 1.725 tỷ USD vào ngày 21/10/2020.

Tiền trong tài khoản đủ dùng trong bao lâu?

Hôm 19/1 gần đây, Mỹ đã chạm trần nợ công 31.400 tỷ USD, tức là chính phủ không được phép phát hành nợ mới.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã viết thư tới Quốc hội Mỹ để cảnh báo về nguy cơ chạm trần nợ cũng như rủi ro vỡ nợ nếu hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thống nhất đưa ra giải pháp.

Bà Yellen cũng cho biết kể từ ngày 19/1, Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu phải dùng tới những “biện pháp đặc biệt bất thường” để tránh rơi vào vỡ nợ trước ngày 5/6.

Mốc thời gian đầu tháng 6 này chỉ là ước tính và không có nghĩa là Chính phủ Mỹ chỉ có 492 tỷ USD trong tài khoản tại Fed để chi tiêu trong thời gian từ tháng 1 tới tháng 6.

Hàng tháng, Chính phủ Mỹ đều có nguồn thu từ các loại thuế, phí. Tháng 3 và 4 tới đây là mùa nộp thuế hàng năm tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ có thêm một khoản tiền đáng kể để chi tiêu và Bộ trưởng Janet Yellen đã tính đến nguồn thu này khi dự đoán hạn chót 5/6.

Nguồn thu của Chính phủ Mỹ thường tăng đột biến vào tháng 4 hàng năm khi người dân nộp thuế.

Thực tế Chính phủ Mỹ tránh vợ nợ được bao lâu sẽ phụ thuộc vào quy mô thu chi thực tế trong vài tháng tới. Trong năm 2022, số tiền chi tiêu bình quân mỗi tháng là 524 tỷ USD, nguồn thu bình quân là 406 tỷ USD/tháng, tương ứng với mức thâm hụt cả năm là 1.419 tỷ USD.

Năm 2021, mỗi tháng Chính phủ Mỹ thu trung bình 358 tỷ USD và chi 573 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cả năm 2.581 tỷ USD.

 Chính phủ Mỹ chi nhiều hơn thu.

Màn kịch chính trị lần này có gì khác?

Trong thế kỷ 20, trần nợ công của Mỹ đã được nâng tổng cộng 90 lần, riêng trong 8 năm nhiệm kỳ Tổng thống Ronald Reagan là 18 lần, dưới thời Tổng thống Bill Clinton là 8 lần, thời Tổng thống George W. Bush là 7 lần và thời Tổng thống Barrack Obama 5 năm.

Vì vậy, có thể nói việc Mỹ chạm trần nợ công và có nguy cơ vỡ nợ hiện nay không có gì xa lạ với nhà đầu tư cũng như người dân Mỹ. Tất cả đều đã quá quen với màn kịch chính trị xoay quanh ngân sách chính phủ tại Washington.

Dự kiến vào ngày 1/2 tới đây, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden sẽ gặp nhau để bàn cách khơi thông thế bế tắc về trần nợ liên bang và tránh vỡ nợ.

Tổng thống Biden coi việc nâng trần nợ là lựa chọn duy nhất, không thể thỏa hiệp. Lập trường của phe Cộng hòa là trần nợ có thể được nâng, nhưng chính phủ phải cắt giảm chi tiêu.

Có thể gọi đây là màn kịch chính trị vì cuộc tranh luận về trần nợ công chỉ là một thủ tục quan liêu và là công cụ để hai đảng đấu đá nhau. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm, biết rõ Chính phủ Mỹ sẽ thâm hụt bao nhiêu và cần vay thêm bao nhiêu nhưng lại gây khó dễ khi cần vay.

Việc nâng trần nợ công không có nghĩa là Quốc hội cho phép Chính phủ Mỹ được chi tiêu nhiều hơn, mà chỉ giúp cho Chính phủ có nguồn tiền để chi tiêu các khoản đã được đa số chính trị gia hai đảng phê duyệt từ trước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) thuộc Đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc Đảng Cộng hòa. (Ảnh: AP, Getty Images).

Điểm khác biệt căn bản giữa lần bế tắc liên quan trần nợ công năm nay và các năm trước là sự chia rẽ trong nội bộ đảng đối lập.

Khi một đảng nắm chức Tổng thống Mỹ, đảng còn lại sẽ tìm cách gây khó khăn cho hoạt động chi tiêu của Chính phủ Mỹ. Trong trường hợp này, Tổng thống Joe Biden là người của Đảng Dân chủ nên Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Hạ viện đang cản trở bằng các yêu sách về giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không nhận được sự ủng hộ của tất cả thành viên Đảng Cộng hòa. Hồi đầu tháng 1 này, ông McCarthy phải trải qua 15 vòng bỏ phiếu mới có thể giành được chức Chủ tịch Hạ viện bất chấp việc Đảng Cộng hòa của ông chiếm đa số ghế. Đây là số lần bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện nhiều nhất kể từ năm 1856, tức là 167 năm trước.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden ngày 1/2 tới đây, giải pháp mà ông McCarthy đưa ra chưa chắc sẽ được các thành viên cực hữu của Cộng hòa ủng hộ. Ngoài ra, bất kỳ một hạ nghị sỹ nào cũng có thể yêu cầu tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm Chủ tịch Hạ viện, đây là một trong những nhượng bộ lớn mà ông McCarthy phải chấp nhận để trở thành lãnh đạo cao nhất tại Hạ viện.

Đức Quyền