|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những thủ thuật kế toán và lỗ hổng pháp lý cho phép Mỹ lách trần nợ công, không lo hết tiền

16:59 | 17/01/2023
Chia sẻ
Trong khoảng 10 năm gần đây, nâng trần nợ công là chủ đề gây tranh cãi sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trên chính trường Mỹ. Một số “chiêu trò lách luật” đã được đề xuất để giúp chính phủ Mỹ có thể thoải mái chi tiêu như làm đồng xu 1.000 tỷ USD hay phát hành trái phiếu ưu đãi (premium bond).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và nữ Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. (Ảnh: Getty Images).

Màn kịch chính trị xoay quanh trần nợ công

Hôm 14/1 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ sẽ chạm trần nợ công vào ngày thứ Năm tuần này (19/1). Nếu Quốc hội không nới trần nợ, chính phủ Mỹ sẽ không thể đi vay thêm để chi tiêu và trả các khoản nợ đến hạn, kéo theo nguy cơ vỡ nợ quốc gia và đóng cửa chính phủ.

Trần nợ liên bang được Mỹ áp dụng từ năm 1917 đến nay, tức là đã có lịch sử hơn một thế kỷ. Hàng năm, Quốc hội Mỹ đều phê duyệt kế hoạch thu chi ngân sách liên bang. Liên tục trong hai thập kỷ qua, chính phủ Mỹ luôn chi nhiều hơn thu nên Washington phải vay nợ để bù đắp phần thiếu hụt.

Quốc hội biết rõ chính phủ phải đi vay bao nhiêu tiền để thực hiện kế hoạch chi ngân sách đã được phê duyệt, nhưng trần nợ công không được tự động nâng lên tương ứng theo kế hoạch ngân sách. Khi nào mức nợ gần chạm trần và Bộ Tài chính kêu cứu, hai đảng trong Quốc hội mới ngồi lại với nhau để bàn việc nâng trần nợ.

Ví dụ: Quốc hội giao cho Nhà Trắng phải thu được 3.000 tỷ USD tiền thuế và chi tiêu 4.000 tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng, y tế, giáo dục, …. Nhưng khi Nhà Trắng muốn đi vay 1.000 tỷ USD (phần tiền đang thiếu) để thực hiện nhiệm vụ chi thì Quốc hội lại dùng trần nợ để ngăn cấm.

Chính phủ Mỹ thâm hụt ngân sách triền miên trong hai thập kỷ qua, phải tăng vay nợ là điều tất yếu.

Trần nợ đã trở thành công cụ để đảng phái không kiểm soát Nhà Trắng gây khó dễ cho phe của tổng thống Mỹ. Nếu trần nợ không được nâng lên, chính phủ Mỹ sẽ không thể đi vay tiền để hoạt động, trả nợ hay thanh toán tiền lương hưu, bảo hiểm y tế, … tổng thống và đảng của mình mất uy tín với cử tri, và đảng đối lập sẽ có thêm cơ hội trong lần bầu cử sau.

Các quốc gia khác như Sri Lanka, Argentina, Hy Lạp, ... vỡ nợ là vì khó khăn kinh tế, khủng hoảng lòng tin; còn nước Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ chỉ vì bế tắc chính trị.

Khi thấy các thông tin như “Chính phủ Mỹ đóng cửa vì hết tiền” hay “Mỹ đứng bên bờ vực vỡ nợ”, người đọc cần hiểu nguyên nhân căn bản không phải là vấn đề nghiêm trọng với nền kinh tế Mỹ, mà chỉ là màn kịch giữa các chính trị gia.

Mỹ đi vay bằng USD, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể in bao nhiêu USD tùy thích để giúp chính phủ trả nợ và chi tiêu, mấu chốt chỉ là hai đảng Dân chủ và Cộng hòa có thống nhất với nhau hay không. Đảng nào cũng muốn gây khó khăn cho phe đối lập và tạo thuận lợi cho mình.

Theo thống kê của Nhà Trắng từ năm 1940 đến nay, trần nợ công của nước Mỹ đã thay đổi hơn 100 lần. Có khi cứ vài ngày lại thay đổi một lần như vào tháng 10/1977 hoặc tháng 8/1978. Có khi một ngày thay đổi hai lần như hôm 30/9/1981.

Có một số giai đoạn Mỹ tạm dừng áp dụng trần nợ, cho chính phủ vay thêm bao nhiêu tùy thích như giai đoạn từ 2/8/2019 đến 31/7/2021.

Bê bối liên hồi và những đề xuất

Năm 2011, chính phủ Mỹ lần đầu tiên bị S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, nguyên nhân là các chính trị gia bất đồng sâu sắc về trần nợ và kế hoạch thu chi công. Năm 2013, khủng hoảng trần nợ tái diễn, chính phủ Mỹ cạn tiền chi tiêu và phải đóng cửa trong 16 ngày.

Nhiều lần khác, các chính trị gia kéo dài thời gian đàm phán về trần nợ, khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân hết sức bất an về tình hình tài chính công.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra, sáo mòn có và sáng tạo cũng có.

Biện pháp đầu tiên được nhiều người nghĩ đến là tại sao Mỹ không bỏ luôn trần nợ công để không phải kỳ kèo thêm bớt hàng năm, hoặc tự động nâng trần nợ theo kế hoạch thu – chi và đi vay của chính phủ mỗi năm.

Nhiều quốc gia không có trần nợ nhưng cũng không lâm vào khủng hoảng vì nợ, cụ thể như Pháp, Đức, Na Uy, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, …

Giải pháp thứ hai là nếu vì lý do nào đó không thể bỏ trần nợ công thì hãy nâng trần nợ lên thật cao để không phải lo nghĩ trong nhiều năm.

Mỹ và Đan Mạch là hai nước dân chủ tư bản duy nhất có trần nợ công. Nhưng Đan Mạch khác Mỹ ở chỗ các đảng phái không dùng trần nợ công làm quân bài chính trị để đem ra mặc cả hàng năm.

Lần gần đây nhất Đan Mạch nâng trần nợ công là vào năm 2010, từ 950 tỷ krone lên 2.000 tỷ krone (tương đương từ 140 tỷ USD lên 291 tỷ USD). Cho đến nay, Đan Mạch vẫn chưa chạm mức trần mới này.

Cả hai phương án nói trên đều cần được Quốc hội thông qua – một kịch bản rất khó xảy ra trong môi trường chính trị phân cực hơn 10 năm gần đây.

 

Đề xuất thứ ba là Bộ Tài chính Mỹ có thể đúc các đồng tiền xu với mệnh giá 1.000 tỷ USD để trả bớt nợ. Theo luật pháp Mỹ, Bộ Tài chính được phép đúc các đồng tiền xu bằng bạch kim trị giá lớn hay nhỏ bao nhiêu tùy thích.

Giá trị của tiền xu làm bằng chất liệu không phải bạch kim và tiền giấy đều bị quản lý chặt chẽ, nhưng tiền xu làm bằng bạch kim lại là ngoại lệ. Chính phủ Mỹ có thể dùng lỗ hổng này để lách quy định về trần nợ.

Đề xuất thứ tư, mới được đưa ra gần đây, là phát hành trái phiếu với lãi suất siêu cao (premium bond).

Trái phiếu lãi siêu cao là gì?

Thống kê nợ công của Mỹ chỉ tính đến mệnh giá của trái phiếu, tức là chỉ bao gồm nợ gốc, không kể lãi.

Giả sử trong điều kiện bình thường, chính phủ Mỹ phát hành một trái phiếu với mệnh giá 200 USD, lãi suất 5% và kỳ hạn 12 tháng. Sau một năm, Washington phải chi 200 USD để trả nợ gốc và 10 USD để trả lãi.

Chính phủ Mỹ có nghĩa vụ trả 210 USD (cả gốc và lãi) nhưng thống kê nợ công chỉ bao gồm 200 USD nợ gốc. Bộ Tài chính được luật cho phép phát hành trái phiếu với bất kỳ mức lãi suất nào nên có thể lợi dụng lỗ hổng kế toán này để lách trần nợ.

Giả sử Mỹ phát hành một trái phiếu với mệnh giá 100 USD nhưng lãi suất danh nghĩa lên tới 110%. Khi trái phiếu đáo hạn, Washington sẽ trả 100 USD nợ gốc và 110 USD tiền lãi, tổng cộng là 210 USD.

Các điều khoản của trái phiếu này quá hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ tranh nhau mua với giá cao hơn nhiều so với mệnh giá 100 USD, có thể là 140, 150, 180 và cao nhất là 200 USD.

Bản chất vẫn là vay 200 và trả lại 210 như khi phát hành trong điều kiện bình thường, nhưng thay vì trả 200 USD tiền gốc và 10 USD tiền lãi, chính phủ Mỹ sẽ trả 100 USD tiền gốc và 110 USD tiền lãi. Lãi suất danh nghĩa là 110%, nhưng lãi suất thực tế chỉ là 5% như trung bình thị trường.

Về mặt hạch toán, chính phủ Mỹ thực tế thu về 200 USD, nhưng chỉ cần ghi nhận nợ công tăng lên bằng mức mệnh giá 100 USD.

Số tiền chính phủ Mỹ thu được và chi tiêu khi phát hành trái phiếu lãi siêu cao không khác gì so với khi phát hành trái phiếu thông thường, nhưng giá trị nợ công tăng lên chỉ bằng một nửa.

Bất cứ khi nào Mỹ gần chạm trần nợ công, Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu lãi siêu cao để có tiền trả bớt nợ và chi tiêu công mà không cần đợi Quốc hội tranh luận.

Đức Quyền