|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cung tiền của Mỹ suy giảm kỷ lục sau thời kỳ tăng nóng, khả năng giảm phát năm 2023 ngày càng lớn

06:39 | 12/01/2023
Chia sẻ
Cung tiền giảm và lãi suất cao đang khiến giá cả tại Mỹ tăng chậm lại và có khả năng sẽ gây ra tình trạng giảm phát trong năm 2023.

Cung tiền của Mỹ tăng nóng trong thời kỳ đại dịch khi Fed nới lỏng tiền tệ để tránh sụp đổ kinh tế, nhưng suy giảm trong khoảng một năm qua khi Fed chống lạm phát.

Cung tiền giảm, giá cả khó tăng

Theo thống kê của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), quy mô cung tiền M2 của Mỹ tại ngày 5/12/2022 là 21.370 tỷ USD. So với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 18/4/2022, cung tiền của Mỹ đã giảm 682 tỷ USD, tương đương mất 3,1%.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, số liệu M2 đã giảm 0,74%. Đây là tuần thứ ba liên tiếp cung tiền M2 của Mỹ thấp hơn một năm trước.

Mới nhìn, con số 0,74% này không có gì to tát, nhưng kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 1981 đến nay, cung tiền M2 của Mỹ chưa bao giờ giảm đến 0,7% so với cùng kỳ năm trước, cũng chưa bao giờ giảm ba tuần liên tiếp.

Trong hơn 4 thập kỷ từ 1981 đến trước tháng 11/2022, cung tiền M2 chỉ có một lần giảm duy nhất là vào tháng 4/1995 với tỷ lệ 0,09%.

Đầu năm 2021, cung tiền của Mỹ từng tăng trưởng tới 25 – 27%. Sang đầu năm 2022, tỷ lệ tăng vẫn duy trì trên 10%. Trong chưa đầy một năm, tăng trưởng cung tiền đã chuyển từ dương sang âm.

Những biến động này là minh chứng cho thấy chính sách tiền tệ của Fed đã thay đổi nhanh tới mức nào. Từ chỗ duy trì lãi suất gần 0 và liên tục bơm tiền để kích thích kinh tế vượt qua cú sốc đại dịch, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp và hút tiền về để kiềm chế lạm phát.

Lạm phát biến động theo tốc độ tăng trưởng cung tiền với một độ trễ nhất định. Khi cung tiền ngừng tăng thì giá cả cũng không còn động lực để đi lên.

Nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Friedman từng nói: “Ở mọi lúc, mọi nơi, lạm phát luôn là một hiện tượng tiền tệ. Có nghĩa là, lạm phát chỉ có thể được sinh ra khi cung tiền tăng nhanh hơn sản lượng kinh tế”.

Việc Fed bơm tiền ồ ạt trong năm 2020 và 2021 đã thổi bùng lên ngọn lửa lạm phát trong năm 2022, có lúc đạt đỉnh 4 thập kỷ là 9,1%.

Giờ đây, khi tiền không còn được tạo ra và đang bị hút bớt đi, giá cả không còn động lực để đi lên. Nếu tình trạng cung tiền suy giảm cứ tiếp diễn, giá cả sẽ tăng chậm lại và thậm chí là giảm xuống, tương ứng với tình trạng giảm phát.

Lạm phát (inflation) là sự tăng lên của mặt bằng giá cả. Thiểu phát (disinflation) là sự giảm xuống của lạm phát, tức là việc giá cả cả tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn trước. Còn giảm phát (deflation) là sự giảm xuống của mặt bằng giá cả.

Nếu lấy một chiếc xe ô tô làm hình ảnh ẩn dụ cho giá cả thì việc chiếc xe tiến lên phía trước tương đương với tình trạng lạm phát, xe tiến lên nhưng với tốc độ chậm hơn trước (ví dụ từ 70 km/giờ còn 40 km/giờ) là thiểu phát, xe lùi về phía sau là giảm phát. 

Lãi suất thực âm vẫn có thể gây giảm phát

Cung tiền thu hẹp không phải là nhân tố duy nhất có thể gây ra giảm phát tại Mỹ trong năm 2023

Lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm hiện nay là khoảng 4,2%, kỳ hạn 10 năm khoảng 3,6% (đường cong lợi suất của Mỹ đang đảo ngược nên lợi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất kỳ hạn dài).

Lãi suất cho vay thế chấp mua nhà kỳ hạn 15 năm là 5,7%, kỳ hạn 30 năm là khoảng 6,5%. Lãi suất quỹ liên bang kỳ hạn qua đêm mà Fed điều chỉnh sau mỗi cuộc họp hiện đang dao động trong khoảng 4,25 – 4,5%.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát (tính theo chỉ số giá tiêu dùng CPI) đang ở trên 7%. Nói cách khác, lãi suất thực của Mỹ đang âm vì các loại lãi suất danh nghĩa thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát.

Nếu một người cho vay với lãi suất 5% nhưng tỷ lệ lạm phát là 7% thì sau một năm, sức mua của người đó sẽ bị giảm đi 2%. Số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay không đủ để bù đắp sự đi lên của giá cả.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng khi lãi suất thực âm, người dân sẽ không có động lực tiết kiệm vì lo sức mua bị bào mòn theo thời gian. Thay vào đó, người dân sẽ đẩy mạnh chi tiêu và dẫn tới tăng tổng cầu của nền kinh tế và gây ra lạm phát.

Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng mạnh hiện nay, lý thuyết như trên có thể không còn đúng nữa.

Từ tháng 3/2022 đến tháng 12/2022, lãi suất quỹ liên bang tăng thêm 425 điểm cơ bản (bps), từ khoảng 0 – 0,25% lên khoảng 4,25 – 4,5%. Lãi suất cho vay thế chấp mua nhà kỳ hạn 30 năm đi từ 3,8% lên 6,4%, tương ứng thêm 260 bps.

Lãi suất tăng cao khiến cho chi phí lãi vay hàng tháng của nhiều hộ gia đình đi lên theo, dẫn tới thu nhập cho việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít đi, áp lực lên giá cả dịu bớt.

Lãi suất vay mua nhà hiện nay cao hơn nhiều so với đáy trong năm 2021.

Giả sử một gia đình có thu nhập hàng năm là 90.000 USD. Năm 2020 khi Fed hạ lãi suất xuống gần 0, gia đình này đã mạnh tay vay nợ để mua nhà, mua xe và cho các mục đích khác. Vào năm 2021 khi lãi suất chỉ khoảng 3%, chi phí lãi vay của gia đình này là 45.000 USD. Đến năm 2023 khi chi phí lãi vay vọt lên 6%, chi phí lãi vay cũng tăng gấp đôi lên 90.000 USD, tức là ngang bằng với thu nhập.

Đây mới chỉ chỉ là tiền trả nợ, chưa kể đến các khoản chi phí sinh hoạt, tiền khám chữa bệnh, học phí, … Lãi suất 6% cũng vẫn thấp hơn mức lạm phát thực tế 7 - 9% trong trong năm 2022.

Nói cách khác, lãi suất thực âm vẫn có thể khiến một hộ gia đình tán gia bại sản vì chi phí trả nợ quá lớn, thu nhập không kham nổi.

Ví dụ kể trên là một trường hợp giả định cực đoan, trong thực tế ít có gia đình nào nợ nhiều đến thế. Tuy nhiên, nguyên lý chung là không đổi: Khi một gia đình không có đủ tiền để trả nợ thì cũng không còn tiền cho các hoạt động chi tiêu khác, bất kể lãi suất thực là âm hay dương.

Khảo sát của công ty môi giới bất động sản Redfin cho biết: Vào tháng 10/2021, một gia đình vay tiền để mua một căn nhà tầm trung ở Mỹ phải chi 22.100 USD mỗi năm để trả nợ và cần có thu nhập khoảng 73.700 USD/năm để được coi là an toàn về tài chính.

Đến tháng 10/2022, một gia đình vay tiền để mua một căn nhà tầm trung ở Mỹ phải chi gần 32.200 USD/năm để trả nợ và cần có thu nhập gần 107.300 USD/năm để duy trì an toàn tài chính, tăng 45,6% so với một năm trước.

Trong bối cảnh cung tiền thu hẹp và nguy cơ suy thoái kinh tế đang cận kề, mục tiêu gia tăng thu nhập là thách thức lớn. Với những gia đình không thể tăng nguồn thu, rõ ràng các khoản chi khác sẽ bị cắt giảm để phục vụ cho việc trả nợ, áp lực giảm phát sinh ra từ đây.

Đức Quyền