|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau khi bán bớt tài sản và tiêu gần cạn tiền tiết kiệm, dân Mỹ chuyển sang vay nợ để trang trải cuộc sống

19:39 | 30/11/2022
Chia sẻ
Các hộ gia đình Mỹ đang phải đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất lên cao và thị trường chứng khoán lao dốc. Tỷ lệ tiền tiết kiệm đã xuống gần mức đáy lịch sử, nhiều người đã phải tăng vay nợ, khiến cho khối nợ của hộ gia đình lên cao kỷ lục trong quý III/2022.

Đại dịch COVID-19 đã châm ngòi cho một chu kỳ kinh tế ngắn kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), nền kinh tế lớn nhất hành tinh rơi xuống hố sâu suy thoái vào tháng 2/2020, sau đó thoát ra ngoạn mục vào tháng 4 cùng năm, tức là cuộc suy thoái chỉ kéo dài hai tháng.

Tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 4/2020 lên tới 14,7% khi nền kinh tế bị phong tỏa vì COVID khởi phát, cao hơn nhiều so với mức đỉnh 10% trong cuộc suy thoái 2009. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần này đã hành động hết sức quyết đoán để vực dậy nền kinh tế.

Chỉ trong một tuần của tháng 3/2020, Fed đã hai lần hạ lãi suất quỹ liên bang, đưa chi phí vay qua đêm của các ngân hàng từ 1,5 – 1,75% xuống còn 0 – 0,25%. Cung tiền M2 tăng vọt thêm gần 2.400 tỷ USD chỉ trong ba tháng, dòng tiền rẻ tràn ngập nền kinh tế.

 

Fed bơm tiền ra một phần bằng cách mua trái phiếu được bảo đảm bằng các khoản vay thế chấp và chủ yếu là bằng cách mua trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Chính phủ Mỹ sau khi vay số tiền khổng lồ nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed đã phân phát cho các hộ gia đình 803 tỷ USD trong ba đợt hỗ trợ. Tổng cộng, Washington đã chi khoảng 5.000 tỷ USD để trợ cấp cho người dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, hãng hàng không, trường học, bệnh viện, chính quyền địa phương, … trong hai năm đại dịch.

Nhiều người bỗng chốc nhận được số tiền khủng mà không biết tiêu vào đâu cho hết vì nền kinh tế đang bị phong tỏa. Vì vậy, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng vọt lên mức kỷ lục 33,8% vào tháng 4/2020, tức là người dân không dùng tới 1/3 thu nhập khả dụng của mình.

Giá tài sản là biến số nhạy cảm nhất với cung tiền và lãi suất. Khi Fed hạ lãi suất xuống gần 0 và bắt đầu giai đoạn in tiền vào giữa tháng 3/2020 cũng là lúc thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy.

COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao nhưng thị trường chứng khoán Mỹ duy trì đà đi lên kể từ tháng 3/2020. Nguyên nhân chính là có quá nhiều tiền trong nền kinh tế và các cá nhân, tổ chức không biết làm gì ngoài đem đi đầu tư.

Khi dịch bệnh dần được khống chế và lượng tiền mà Fed in ra được chi tiêu nhiều hơn cho các loại hàng hóa và dịch vụ, chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu tăng mạnh. Trong phần lớn thời gian của năm 2021, các quan chức Fed cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và vẫn tiếp tục chính sách nới lỏng.

Đến đầu năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ không thể phớt lờ đà tăng phi mã của giá cả được nữa và bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3. Chương trình bơm tiền cũng giảm dần về quy mô và dừng hẳn vào tháng 4.

Tính đến tháng 11 này, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất liên tiếp. Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed giảm 344 tỷ USD so với đỉnh ngày 13/4 do tiền bị hút về.

 

Tiền không còn rẻ, các tấm séc hỗ trợ của chính phủ đã hết, nền kinh tế chậm lại với hai quý GDP suy giảm liên tục, đời sống của người dân Mỹ cũng khó khăn hơn trước.

Lúc này nhiều người mới nhận ra rằng việc chính phủ in tiền rồi phát cho tất cả nhân dân chỉ gây ảo giác rằng mình đang giàu lên chứ không tạo ra thêm của cải vật chất thực cho nền kinh tế. Tiền nhiều lên thì giá cả hàng hóa cũng đắt đỏ hơn.

Nếu chỉ cần in tiền là có thể làm cho dân giàu nước mạnh thì trên thế giới này không có nước nào nghèo.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, một bộ phận người dân Mỹ đã bán bớt các tài sản tài chính như cổ phiếu và trái phiếu để trang trải cho cuộc sống.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang trải qua một năm 2022 đầy bão tố, cả ba chỉ số chính đều có lúc rơi vào thị trường gấu, tức là mất hơn 20% tính từ đỉnh lịch sử. Tại đáy của năm, Dow Jones giảm 21%, S&P 500 sụt 25% và Nasdaq Composite lao dốc 34% so với đầu năm.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đi từ 0,73% vào ngày đầu năm lên 4,5% vào cuối tháng 11, tức là tăng gấp 6 lần. Giá trái phiếu luôn biến động ngược chiều lợi suất nên thị trường trái phiếu cũng đang trong thời kỳ sa sút.

 

Kinh tế khó khăn, tài sản mất giá, người dân Mỹ phải dùng tới tiền tiết kiệm của mình. Tỷ lệ tiết kiếm trên thu nhập khả dụng từng lên tới 33,8% trong thời đại dịch tháng 4/2020 thì đến tháng 9/2022 chỉ còn lại 3,1%, thấp hơn nhiều so với mức 9% trước dịch và gần với đáy lịch sử.

 

Dường như bán tài sản và tiêu tiền tích cóp vẫn chưa đủ để giúp dân Mỹ trang trải cuộc sống, nhiều người đã phải đẩy mạnh vay nợ trong quý III vừa qua.

Theo thống kê của Fed chi nhánh New York, tổng quy mô nợ của các hộ gia đình Mỹ tại ngày 30/9 năm nay là 16.505 tỷ USD, tăng 351 tỷ USD so với ba tháng trước đó. Đây là mức tăng dư nợ tuyệt đối theo quý lớn nhất kể từ quý II/2007.

Tính theo tỷ lệ %, dư nợ cuối quý III tăng 8,3% so với một năm trước, cao nhất kể từ mức tăng 9,1% vào quý I/2008.

Vay thế chấp mua nhà là khoản nợ lớn nhất của các hộ gia đình Mỹ.

Khoản mục nợ tăng mạnh nhất của các hộ gia đình là nợ vay thế chấp mua nhà, thêm 282 tỷ USD so với cuối quý II. Đây là diễn biến dễ hiểu khi giá nhà tăng phi mã trong hai năm đại dịch với tiền tệ nới lỏng.

Khi Fed nâng lãi suất để chống lạm phát, giá nhà vẫn duy trì ở mức cao. Tại sao? Nhiều người vay tiền để mua nhà trong đại dịch đã được hưởng lãi suất thấp cố định; nếu những người này bán nhà để đổi sang căn khác thì sẽ phải vay khoản mới với lãi suất cao hơn. Vì vậy, người dân không muốn bán nhà, khiến nguồn cung nhà thấp, doanh số giao dịch giảm nhưng giá nhà tương đối ổn định.

Khoản mục nợ tăng mạnh thứ hai chỉ sau vay mua nhà là nợ thẻ tín dụng, thêm 38 tỷ USD so với ba tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, nợ thẻ tín dụng tăng 15% (tức 121 tỷ USD), tốc độ cao nhất trong 20 năm gần đây.

Việc người dân Mỹ tăng cường vay qua thẻ tín dụng là dấu hiệu đáng ngại trong bối cảnh lãi suất trung bình của thẻ tín dụng đã vượt mốc 19%, cao nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 1985, Bankrate cho hay.

Theo thống kê của Fed chi nhánh New York, khoảng 191 triệu người Mỹ có ít nhất một thẻ tín dụng. Nhiều người có vài cái. Tổng số thẻ tín dụng tại Mỹ hiện nay được ước tính vào khoảng 555 triệu chiếc, tăng 100 triệu chiếc so với năm 2016. Tổng dân số Mỹ hiện nay là khoảng 330 triệu người.

Các nhà nghiên cứu của Fed nhận xét rằng với việc chỉ số giá tiêu dùng năm nay tăng 8-9% so với cùng kỳ năm ngoái, việc nợ thẻ tín dụng đi lên là điều “không đáng ngạc nhiên”.

“Thử thách thực sự sẽ là theo dõi xem những người đi vay có thể tiếp tục trả nợ thẻ tín dụng hay không”, các nhà kinh tế của Fed viết.

Trong bối cảnh Fed đang nâng lãi suất với tốc độ mạnh nhất 4 thập kỷ để kiềm chế lạm phát, cung tiền thu hẹp, thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều doanh nghiệp sa thải nhân công, khả năng người đi vay không trả được nợ đang ngày càng hiện hữu.

Song Ngọc