|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân Mỹ cảm nhận rõ nỗi đau suy thoái khi các chuyên gia còn đang tranh cãi suy thoái đã đến hay chưa

15:39 | 22/08/2022
Chia sẻ
Những tranh cãi về việc kinh tế Mỹ đã suy thoái hay chưa chỉ mang tính ngữ nghĩa, điều quan trọng là người dân Mỹ đang phải trải qua những khó khăn tài chính trong cuộc sống ra sao.

GDP của Mỹ đã suy giảm hai quý liên tiếp.

Định nghĩa lại "suy thoái"

Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II năm nay giảm 0,9%. Đây là quý thứ 2 liên tiếp GDP của Mỹ đi xuống và nhiều nhà đầu tư cũng như quản lý doanh nghiệp coi GDP giảm hai quý liên tục là định nghĩa của suy thoái kinh tế.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) là cơ quan có quyền tuyên bố chính thức khi nào một đợt suy thoái bắt đầu và kết thúc. Cho đến nay, NBER vẫn chưa lên tiếng khẳng định kinh tế Mỹ đã suy thoái.

Định nghĩa suy thoái của NBER cũng không thực sự rõ ràng và có nhiều cách diễn giải khác nhau: “Suy thoái là sự sụt giảm đáng kể của hoạt động kinh tế, lan rộng ra khắp nền kinh tế và kéo dài nhiều hơn một vài tháng”.

Như thế nào là “giảm đáng kể” và “rộng khắp nền kinh tế”? “Dài hơn một vài tháng” là bao lâu?

Các quan chức Nhà Trắng cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố rằng việc GDP giảm hai quý liên tiếp là chưa đủ để khẳng định nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Fed và chính phủ Mỹ muốn người dân nhìn vào nền kinh tế một cách tổng thể hơn, không chỉ dựa vào GDP mà còn phải đánh giá nhiều biến số khác như: thu nhập hộ gia đình, tỷ lệ thất nghiệp, số người tham gia lực lượng lao động, doanh số tiêu dùng, sản lượng công nghiệp, …

Chủ tịch Fed Jerome Powell nói: “Thêm 2,7 triệu người có việc làm trong nửa đầu năm 2022, nói rằng nền kinh tế đang suy thoái thì thật là vô lý”.

Một bài viết do website chính thức của Nhà Trắng đăng tải hồi tháng 7 cũng chỉ ra rằng không có định nghĩa chính thức và rõ ràng về suy thoái nên rất khó để khẳng định chắc chắn kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở vùng thấp nhất lịch sử.

Những tranh luận về việc nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái hay chưa chỉ mang tính chất hình thức và ngữ nghĩa. Nói rằng “không có định nghĩa rõ ràng về suy thoái nên nền kinh tế không suy thoái” cũng giống như việc nói rằng “không có định nghĩa cụ thể về ốm đau nên không có ai bị ốm”.

Sức khỏe của nền kinh tế và của mỗi con người không phụ thuộc vào chữ nghĩa được dùng để miêu tả vấn đề. Điều quan trọng nhất là thực tế đang diễn ra như thế nào.

Suy thoái đã tới

Người dân bình thường không biết các nhà kinh tế và quan chức chính phủ định nghĩa suy thoái như thế nào.

Mỗi lần nghe đến từ “suy thoái”, một người dân sẽ nghĩ ngay đến những tác động tiêu cực đối với cuộc sống của mình: Liệu tôi có mất việc không? Thu nhập của tôi có giảm không? Hàng hóa có đắt đỏ hơn không? Tôi có thể trả được hóa đơn hàng tháng không? Tôi có còn nhà để ở, còn cơm để ăn không? …

Thực tế với nhiều người dân Mỹ là những khó khăn gắn với suy thoái kinh tế đã bắt đầu xuất hiện.

Một cuộc khảo sát do MagnifyMoney thực hiện với 2.082 người Mỹ vào giữa tháng 6 cho thấy 70% số người trả lời tin rằng một cuộc suy thoái kinh tế sắp diễn ra.

Một khảo sát khác do CNBC và SurveyMonkey thực hiện trên 2.557 chủ doanh nghiệp nhỏ giai đoạn 25 – 31/7 cho thấy 57% số người được hỏi tin rằng suy thoái kinh tế đã bắt đầu rồi và 14% khác dự báo suy thoái sẽ diễn ra trong những tháng cuối năm nay.

Ông Brian Moynihan, CEO ngân hàng Bank of America, cũng cho rằng cuộc tranh luận liên quan tới việc Mỹ đã suy thoái hay chưa chỉ mang tính ngữ nghĩa chứ không phản ánh đúng thực tế.

“Suy thoái chỉ là một từ. Việc chúng ta đang trong một cuộc suy thoái hay không cũng không quan trọng. Điều quan trọng là mọi người đang phải trải qua những gì”, ông Moynihan trả lời phỏng vấn tờ AP hôm 18/8.

Việc Mỹ có đang suy thoái hay không đã trở thành một chủ đề mang nặng tính chính trị khi cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2022 đang đến gần. Chính phủ của Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ muốn vẽ nên một bức tranh tươi đẹp để giành phiếu bầu của cử tri và duy trì thế đa số trong quốc hội.

Lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1980, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đang sa sút, GDP giảm hai quý liên tiếp là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đã suy thoái.

Để đối phó với lạm phát phi mã, Fed đã phải nâng lãi suất 4 lần trong 7 tháng đầu năm nay, qua đó hạ nhiệt nhu cầu trong nền kinh tế.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử và thường được coi là bằng chứng cho thấy suy thoái vẫn chưa xảy ra.

Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm không chỉ có màu hồng. Theo dữ liệu từ trang thống kê layoffs.fyi, số doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) cho nhân viên nghỉ việc đã tăng vọt trong quý II và III/2022.

Startup là những doanh nghiệp tương đối nhỏ, mới thành lập, nguồn tài chính thường không dồi dào nên dễ bị tổn thương trước những bất ổn của nền kinh tế. Vì vậy, động thái cắt giảm lao động của các start up là chỉ báo sớm của xu hướng chung.

Số startup cắt giảm nhân viên tăng vọt, báo hiệu xu hướng tiêu cực với thị trường lao động nói chung.

CEO Bank of America chỉ ra hai xu hướng đáng ngại đang ảnh hưởng xấu tới người dân Mỹ, đó là giá nhiên liệu và tiền thuê nhà tăng vọt.

Giá xăng bình quân tại Mỹ vọt lên trên 5 USD/gallon vào tháng 6 rồi đến đầu tháng 8 mới điều chỉnh xuống dưới 4 USD/gallon. Trong khi đó, giá thuê nhà tăng cao nhưng không dễ quay đầu như giá nhiên liệu.

“Giá xăng đang giảm rồi nhưng tiền thuê nhà vẫn đang tăng 10, 12, 15%. Chi phí nhà ở có thể chiếm tới 40% thu nhập của hộ gia đình”, ông Brian Moynihan nói. Chi cho nhà ở chiếm khoảng 1/3 trọng số trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà chính phủ Mỹ tính toán. Trong tháng 7 vừa qua, CPI tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát tại Mỹ đang ở vùng đỉnh 40 năm.

Đức Quyền - Song Ngọc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.