|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên sau số liệu GDP sụt giảm, kinh tế suy thoái?

07:21 | 29/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng điểm trong phiên 28/7 mặc dù số liệu mới công bố cho thấy GDP suy giảm trong quý II. Nhà đầu tư tin tưởng rằng việc nền kinh tế rơi vào suy thoái sẽ thúc đẩy Fed sớm kết thúc chương trình nâng lãi suất.

Dow Jones tăng điểm hai phiên liên tiếp sau khi Fed thông báo nâng lãi suất 75 bps (hôm 27/7) và sau khi chính phủ công bố số liệu GDP quý II giảm 0,9%.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones bật tăng 332 điểm, tương đương 1%, và đóng cửa ở gần 32.530 điểm. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này.

S&P 500 và Nasdaq Composite tăng tương ứng 1,2% và 1,1%. Cả ba chỉ số chính đều đang trên đà ghi nhận một tuần tăng điểm và tháng tích cực nhất kể từ đầu năm 2022.

Theo CNBC, các chỉ số giảm nhẹ sau khi số liệu GDP quý II được công bố vào đầu giờ sáng, nhưng rồi hồi phục dần và kết phiên trong sắc xanh.

Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý vừa qua giảm 0,9%. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là quý thứ 2 liên tiếp GDP của Mỹ đi xuống.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) là cơ quan có quyền tuyên bố chính thức khi nào suy thoái bắt đầu và kết thúc. Tuy vậy, đa phần nhà đầu tư và giới phân tích coi việc GDP giảm hai quý liên tục là bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy suy thoái đã đến.

GDP của Mỹ giảm 1,6% trong quý I và giảm tiếp 0,9% trong quý II/2022. Số liệu quý II mới là ước tính ban đầu và có thể được điều chỉnh lại trong những lần công bố sau.

Mức giảm 0,9% của GDP quý II tiêu cực hơn ước tính tăng trưởng 0,3% mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra nhưng vẫn khả quan hơn dự báo suy giảm 1,6% của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Atlanta.

CNBC dẫn lời ông Mike Loewengart, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính E-Trade, nhận định: “Số liệu GDP mới chắc chắn là tiêu cực hơn các ước tính nhưng hãy nhớ rằng mức giảm 1% là tương đối nhỏ và củng cố giả thuyết rằng cuộc suy thoái sẽ khá nhẹ nhàng”.

Vào phiên trước đó (27/7), thị trường chứng khoán đã đi lên mạnh mẽ sau khi Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % để hạ nhiệt lạm phát đang ở đỉnh 4 thập kỷ, chỉ số Dow Jones đóng cửa tăng hơn 400 điểm.

Nhà đầu tư đang đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thể kiềm chế được giá cả mà không gây tổn hại quá lớn với nền kinh tế. Khi có các dấu hiệu tiêu cực về hoạt động kinh tế, chẳng hạn như GDP liên tục giảm, Fed có khả năng sẽ bớt thắt chặt tiền tệ.

Chủ tịch Jerome Powell đã hàm ý rằng sẽ đến lúc Fed phải hạ nhịp độ tăng lãi suất. “Khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, việc nên làm là giảm tốc độ nâng lãi suất trong lúc chúng tôi đánh giá tác động tích lũy của những lần điều chỉnh chính sách đối với nền kinh tế và lạm phát”, ông Powell nói trong buổi họp báo chiều 27/7.

Ông Max Wasserman, nhà sáng lập và quản lý danh mục cao cấp tại Miramar Capital, nhận định hôm 28/7: “Tâm lý của nhà đầu tư hiện nay cơ bản là: Fed đã nói rằng chúng ta đã gần đạt đỉnh của quá trình thắt chặt và con số GDP suy giảm đang gửi đi thông điệp rằng không có lý do gì để Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 hay 100 điểm cơ bản”.

Ông Wasserman nói thêm: “Fed có thể tiếp tục nâng lãi suất, nhưng sẽ không mạnh tay như lần vừa rồi”.

Trong hai cuộc họp liên tiếp vào tháng 6 và tháng 7, Fed đều tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản (bps). Trong điều kiện thông thường, ngân hàng trung ương Mỹ chỉ điều chỉnh lãi suất 25 bps trong mỗi lần họp.

Fed đã tăng lãi suất 4 lần trong năm 2022.

Cơn mưa kết quả kinh doanh

Tuần cuối cùng của tháng 7 là giai đoạn hàng trăm doanh nghiệp thành viên của chỉ số S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý II. Các thông tin tích cực về doanh thu và lợi nhuận cũng là một trong những nhân tố giúp thị trường chứng khoán thêm lạc quan, ông Wasserman nhận xét.

Theo nhà sáng lập của Miramar Capital, “biên lợi nhuận đang bị thu hẹp vì lạm phát nhưng các hoạt động cốt lõi đều tỏ ra khá vững mạnh”. Hoạt động doanh nghiệp khả quan kết hợp với niềm tin rằng Fed “về cơ bản sẽ không thắt chặt mạnh tay hơn nữa” đang cho nhà đầu tư lý do để thở phào nhẹ nhõm.

Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục trong tháng 7 sau khi sa sút mạnh trong nửa đầu năm.

Riêng trong ngày 28/7 có hàng chục doanh nghiệp lớn công bố báo cáo tài chính quý II, bao gồm: Apple, Amazon, Comcast, Intel, Merck, Pfizer, Honeywell, Mastercard, Northrop Grumman, Southwest Air, Harley-Davidson, …

Trong đó, Apple và Amazon thông báo sau khi thị trường đóng cửa. Apple cho biết cả doanh thu và lợi nhuận đều vượt kỳ vọng của giới phân tích do Refinitiv khảo sát. Cổ phiếu Apple tăng 0,36% khi kết phiên 28/7, sau đó tăng tiếp 3% trong thời gian giao dịch ngoài giờ.

Amazon công bố doanh thu quý II cao hơn dự báo của các chuyên gia, đồng thời kỳ vọng doanh thu quý III sẽ rất khả quan. Giá cổ phiếu Amazon tăng 1% trong phiên 28/7, sau đó vọt lên gần 14% trong thời gian giao dịch ngoài giờ khi các số liệu đã được tiết lộ.

Các cổ phiếu Honeywell và Etsy đóng cửa tăng lần lượt 3,7% và 9,9% sau khi thông báo kết quả kinh doanh khả quan. Ford Motor đi lên 6,1% sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận cao hơn kỳ vọng, đồng thời nâng mức chi trả cổ tức. Biểu đồ bên dưới cho thấy đà tăng lan tỏa rộng khắp trong phiên 28/7, có 10/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 ghi nhận sắc xanh.

Chỉ có duy nhất một nhóm cổ phiếu sa sút trong phiên 28/7.

Ở phía tiêu cực, cổ phiếu Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) sụt 5,2% sau khi thông báo số liệu quý II gây thất vọng. Cổ phiếu Comcast lao dốc 9,1% sau khi cho biết số người dùng băng thông rộng lần đầu tiên không tăng trưởng mà chỉ đi ngang.

Theo số liệu từ FactSet, khoảng 49% số doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý II, trong số này có 71% ghi nhận lợi nhuận cao hơn dự báo.

Đức Quyền - Song Ngọc

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.