|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, ông Powell đã tính kịch bản giảm tốc độ thắt chặt

05:49 | 28/07/2022
Chia sẻ
Ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) lần thứ 2 liên tiếp trong nỗ lực ghìm cương lạm phát và không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản (bps) hai lần liên tiếp. 75 bps là mức tăng lãi suất mạnh tay nhất của Fed kể từ năm 1994.

Lãi suất quay lại đỉnh tháng 12/2018

Từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã 4 lần nâng lãi suất, lần đầu tiên là thêm 25 bps vào tháng 3, sau đó thêm 50 bps vào tháng 5, tăng 75 bps vào tháng 6 và mới đây nhất là quyết định thêm 75 bps nữa vào chiều 27/7.

Hiện nay, lãi suất quỹ liên bang tại Mỹ nằm trong khoảng 2,25 – 2,5%, tăng 225 bps so với mức 0 – 0,25% hồi đầu năm nay. Một điểm cơ bản bằng 0,01%.

Kể từ khi Fed bắt đầu sử dụng lãi suất quỹ liên bang làm công cụ chủ yếu để điều hành chính sách tiền tệ vào đầu thập niên 1990 đến nay, mức tăng 75 bps trong tháng 6 và 7 là động thái mạnh tay nhất của ngân hàng trung ương Mỹ.

Lãi suất quỹ liên bang tác động trực tiếp tới chi phí vay mượn qua đêm lẫn nhau của các ngân hàng thương mại nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng tới hàng loạt các khoản vay khác trong nền kinh tế như vay thế chấp mua nhà, vay mua xe hơi, dư nợ thẻ tín dụng, … Biểu đồ dưới đây cho thấy lãi suất quỹ liên bang tại Mỹ hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2018 khi chưa có COVID-19.

Sau cuộc họp ngày 26-27/7 của Fed, lãi suất quỹ liên bang tại Mỹ chỉ được dao động trong khoảng 2,25 - 2,5%/năm.

Mức tăng 75 bps được Fed công bố vào chiều 27/7 sau hai ngày họp định kỳ. Quyết định lãi suất này đã được thị trường dự báo từ trước và không gây nhiều bất ngờ.

Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khả quan sau khi Fed thông báo kết quả cuộc họp. Các chỉ số leo lên mức cao nhất trong phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ kịch bản lãi suất trong cuộc họp thường kỳ ngày 20 – 21/9 tới đây và cho biết tất cả sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên 27/7 với mức tăng 436 điểm, tương đương gần 1,4%. S&P 500 và Nasdaq Composite thêm lần lượt 2,6% và 4,1%.

“Khi chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, việc nên làm là giảm tốc độ nâng lãi suất trong lúc chúng tôi đánh giá tác động tích lũy của những lần điều chỉnh chính sách đối với nền kinh tế và lạm phát”, ông Powell nói.

"Kinh tế Mỹ chưa suy thoái"

Trong thông cáo gửi đi sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed nhận định rằng “những chỉ báo về chi tiêu và sản xuất gần đây đã đi xuống”.

“Mặc dù vậy, số việc làm tạo mới vẫn cao trong những tháng qua, và tỷ lệ thất thiệp duy trì ở mức thấp”, FOMC nói thêm, sử dụng những câu chữ tương tự như trong thông cáo sau cuộc họp hồi tháng 6.

Mỹ có thêm 372.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 6, thấp hơn mức 390.000 của tháng 5 nhưng cao hơn nhiều so với con số 250.000 mà các nhà kinh tế dự báo 

Các quan chức của Fed miêu tả lạm phát đang “cao” và cho rằng nguyên nhân đến từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, giá cả lương thực và năng lượng tăng, cũng như “các áp lực giá trên diện rộng”.

Chủ tịch Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa rơi vào suy thoái, mặc dù tăng trưởng GDP quý I đã âm 1,6% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục âm trong quý II. Số liệu GDP quý II sẽ được Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố chính thức vào ngày 28/7, tức chỉ một ngày sau cuộc họp của Fed.

“Mọi người thử nghĩ xem suy thoái là gì. Suy thoái là sự sụt giảm trên diện rộng ở nhiều ngành, kéo dài nhiều tháng. Tình hình hiện nay có vẻ không phải như vậy”, ông Powell nhận định. “Thị trường lao động phát đi những tín hiệu rất mạnh mẽ về nền kinh tế và khiến chúng ta phải nghi ngờ số liệu GDP”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn lạc quan về nền kinh tế Mỹ. (Đồ họa: Song Ngọc).

Trong tháng 6, nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 372.000 việc làm phi nông nghiệp, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp 3,6%.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cốt lõi (core PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – tăng với tốc độ khiêm tốn hơn là 4,7% trong tháng 5. Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp hơn hai lần mục tiêu lạm phát 2%/năm của Fed.

Ông Powell cho biết các quan chức Fed “nhận thức rất rõ” những khó khăn mà lạm phát gây ra cho các gia đình Mỹ, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội. Vì vậy, Fed sẽ không ngừng nghỉ trong nỗ lực chống lạm phát cho đến khi nhận thấy có “bằng chứng thuyết phục” rằng lạm phát đang đi xuống.

Lạm phát tính theo CPI đang ở đỉnh 4 thập kỷ trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp.

Song Ngọc - Đức Quyền