Trong khi Fed đang mạnh tay nâng lãi suất, dấu hiệu giảm phát đã bắt đầu xuất hiện
Trong mùa mua sắm lễ hội cuối năm vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ có nhiều hàng tồn kho tới mức phải yêu cầu nhà cung cấp dừng đưa hàng tới, kể cả những mặt hàng đang bán chạy. Theo Bloomberg, động thái bất thường này cho thấy lượng hàng tồn kho dư thừa mà các tập đoàn bán lẻ đang cố gắng giải phóng nhiều tới mức nào.
Theo số liệu của S&P Capital IQ do công ty tư vấn AlixPartners phân tích, lượng tồn kho trung bình vào quý III năm nay của 20 doanh nghiệp đại chúng bán hàng may mặc lớn nhất nước Mỹ là 2,1 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2021.
Việc lượng tồn kho hiện nay cao hơn so với 2020 và 2021 là điều không gây bất ngờ do đây là hai năm dịch bệnh hoành hành, chuỗi cung ứng đứt đoạn. Tuy nhiên ngay cả khi so với cùng kỳ 2019 lúc COVID-19 chưa bùng phát, lượng hàng tồn kho may mặc hiện nay vẫn cao hơn 26%.
Theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, giá trị tồn kho của các doanh nghiệp bán lẻ tại ngày cuối tháng 10/2022 là hơn 739 tỷ USD, tăng 11% so với mức đỉnh trước dịch.
Ông Steve Greenspon, Chủ tịch Hiệp hội Đồ dùng gia đình Quốc tế (IHA), cho biết một nhân viên tại một tập đoàn bán lẻ lớn đã nói với ông rằng lãnh đạo công ty đang yêu cầu giảm hàng tồn kho: “‘Các ông có cho hàng miễn phí thì chúng tôi cũng không tiếp nhận được’”, ông Greenspon cho biết người phụ trách thu mua tại một công ty bán lẻ đã nói với ông như vậy.
Lãnh đạo của nhiều công ty sản xuất đồ may mặc như VF Corp., North Face, Guess? và Hanesbrands trong buổi công bố kết quả kinh doanh gần đây nhất đều nói về việc các khách buôn đã giảm mua hàng.
Ông Bob Lucian, Giám đốc Tài chính của La-Z-Boy, nói với các nhà phân tích hôm 1/12: “Nhiều khách mua buôn của chúng tôi bị hạn chế về năng lực lưu kho nên khó có thể nhận thêm sản phẩm mới”.
Các tập đoàn bán lẻ lớn như Target và Walmart đều đã thông báo hủy bớt đơn hàng để hạn chế tồn đọng những sản phẩm tiêu thụ chậm. Doanh nghiệp cũng đẩy mạnh những chương trình khuyến mại và chiết khấu để kích thích nhu cầu của người tiêu dùng trong môi trường lạm phát cao.
Dù vậy, các biện pháp trên vẫn là chưa đủ. Ông Paul Cosaro, CEO công ty sản xuất đồ dùng cắm trại Picnic Time, nói: “Tôi chưa bao giờ thấy chuyện các hãng bán lẻ giảm nhập những mặt hàng bán chạy chỉ vì không có chỗ chứa như hiện nay. Vấn đề không phải là doanh số kém”.
Nhiều hãng bán lẻ đã phải nhờ chính các nhà cung cấp chuyển sản phẩm trực tiếp cho khách hàng. Cách làm này giúp giảm áp lực lưu kho đối với nhà phân phối nhưng lại làm tăng thêm chi phí cho các nhà sản xuất.
Chi phí thuê kho bãi thời gian qua ngày càng cao do lãi suất đi lên và nhu cầu tăng nhanh hơn nhiều so với nguồn cung.
Khả năng giảm phát trong tương lai gần
Tình trạng hàng tồn kho cao không chỉ diễn ra ở nhóm doanh nghiệp quần áo hay bán lẻ mà là vấn đề chung của nền kinh tế Mỹ. Số liệu của Cục Thống kê dân số cho biết tổng giá trị tồn kho doanh nghiệp tháng 10/2022 là gần 2.500 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử và tăng 20% so với đỉnh năm 2019.
Trong bối cảnh tồn kho đang cao kỷ lục tới mức hạn chế khả năng nhập các sản phẩm bán chạy, doanh nghiệp đang và sẽ phải cố giải phóng bớt hàng hóa bằng cách hạ giá bán. Người mua sắm do vậy có thể sớm được hưởng giá rẻ hơn.
Ông Steve Greenspon, Chủ tịch Hiệp hội Đồ dùng gia đình Quốc tế (IHA), kỳ vọng lượng hàng tồn kho đồ gia dụng sẽ bắt đầu giảm trong vòng 5 – 6 tháng tới.
Trước đây, doanh nghiệp có thể cho người tiêu dùng đổi trả hàng thoải mái nhằm cạnh tranh với đối thủ. Hiện nay, xu thế đã đảo ngược, một số doanh nghiệp đang tính thêm phí trả lại hàng nhằm nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho.
Việc tồn kho cao, chiết khấu sâu và người mua sắm thận trọng đang khiến cho biên lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt hại, nhưng cũng cũng đồng thời làm giảm áp lực lạm phát và thậm chí đang dẫn tới giảm phát.
Vòng quay kinh tế
Giai đoạn 2020 và 2021, câu chuyện chủ đạo là hàng hóa khan hiếm, chuỗi cung ứng đứt gãy, hậu cần tắc nghẽn, bến cảng quá tải, nhu cầu container nhảy vọt, … Tình hình hiện nay đã đảo ngược hoàn toàn khi doanh nghiệp có quá nhiều hàng tồn kho tới mức không thể nhập thêm được nữa.
Tất cả những biến động trên đều là biểu hiện của một chu kỳ kinh tế.
Đầu đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) in thêm hàng nghìn tỷ USD để ổn định hệ thống, chính phủ Mỹ liên tục phát tiền mặt cho người dân và cứu trợ doanh nghiệp.
Dòng tín dụng dễ dãi khổng lồ này đã thúc đẩy nhiều dự án đầu tư nhằm gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Lãi suất quá thấp dẫn tới nhiều dự án không thực sự hiệu quả vẫn được ước tính là có lãi và được triển khai trong thực tế.
Khi lượng cung tiền tăng thêm được lan tỏa ra khắp nền kinh tế, lạm phát cũng dần đi lên. Fed chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế sang thắt chặt để chế ngự giá cả.
Lãi suất đi lên làm cho dòng chảy tín dụng giảm đi, chi phí lãi vay tăng vọt. Các dự án từng được dự trù là có lãi trong môi trường lãi suất thấp giờ đây thua lỗ nặng nề vì lãi vay cao.
Người tiêu dùng trước đây có thể mạnh tay vay mượn để mua sắm vì tiền rẻ, nhưng giờ đây phải thắt lưng buộc bụng vì gánh lãi suất cao hơn và chuẩn bị cho suy thoái kinh tế sắp tới.
Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp thêm tổng cộng 425 điểm cơ bản (bps) trong năm 2022, từ khoảng 0 – 0,25% lên 4,25 – 4,5%. Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 bps trong năm 2023.
Hàng loạt chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo các ngân hàng Phố Wall như Goldman Sachs, JPMorgan Chase, … đều dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay.
Một trong những hệ quả của suy thoái là nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, áp lực lạm phát không còn và Mỹ có thể sẽ phải chống chọi với giảm phát. Nói cách khác, cái giá để kìm hãm đà tăng của giá cả là kinh tế sa sút.
Và khi kinh tế xuống dốc kèm theo thất nghiệp tràn lan, Fed sẽ lại phải nới lỏng tiền tệ, các dự án đầu tư kém hiệu quả có cơ hội được sinh ra và vòng quay kinh tế một lần nữa sẽ lặp lại.