|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nghi vấn số liệu việc làm bị thổi phồng từ 10 nghìn lên 1 triệu và hàm ý với chính sách tiền tệ của Fed

13:09 | 01/01/2023
Chia sẻ
Cục Thống kê Lao động Mỹ thông báo nền kinh tế tạo ra thêm 1,1 triệu việc làm trong quý II, nhưng thống kê mới đây của Fed chi nhánh Philadelphia cho thấy con số đúng có thể chỉ là 10.500.

Người Mỹ xếp hàng chờ vào một trung tâm giới thiệu việc làm ngày 15/4/2021. (Ảnh: Reuters).

Khác biệt vì đâu?

Hàng tháng, Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) đều công bố báo cáo thị trường việc làm phi nông nghiệp (non-farm payroll) toàn quốc. Theo các báo cáo này, Mỹ đã tạo ra khoảng 368.000 việc làm trong tháng 4, thêm 386.000 việc làm trong tháng 5 và 293.000 việc làm trong tháng 6.

Nói cách khác, nền kinh tế lớn nhất hành tinh đã tạo thêm hơn 1 triệu việc làm trong quý II/2022, đưa tổng số việc làm lên 151,9 triệu.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Philadelphia gần đây đã công bố báo cáo cho rằng số liệu việc làm của 33 bang và thủ đô Washington trong thống kê của BLS đã bị sai lệch.

Sau khi điều chỉnh, Fed Philadelphia cho rằng tổng số việc làm tạo mới trong quý II/2022 chỉ là 10.500 chứ không phải hơn 1 triệu như thống kê của BLS.

Theo số liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố, Mỹ tạo ra thêm hơn 1 triệu việc làm trong quý II/2022.

Fed Philadelphia cho biết để ra được kết quả trên, cơ quan này cải tiến số liệu từ Khảo sát Chủ lao động hiện hành (CES) bằng bộ số liệu đầy đủ hơn từ Cuộc Điều tra Việc làm và Tiền lương Hàng quý (QCEW).

“Khảo sát CES cho ra một ước tính sớm về tình hình việc làm hàng tháng tại mỗi bang, nhưng khảo sát QCEW theo sau đó khoảng 5 tháng cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh hơn, bao hàm hơn 95% tổng số người sử dụng lao động”, Fed chi nhánh Philadelphia cho hay.

Con số mà Fed Philadelphia đưa ra khá khớp với kết quả của cuộc khảo sát hộ gia đình (CPS), còn thống kê của BLS được tính toán dựa trên cuộc khảo sát CES. Cả hai cuộc khảo sát CPS và CES đều liên quan tới thị trường lao động, nhưng có phương pháp thực hiện khá khác nhau.

CPS lấy mẫu từ khoảng 60.000 hộ gia đình đủ tiêu chuẩn, trong khi CES khảo sát gần 131.000 doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, đại diện cho khoảng 670.000 địa điểm làm việc riêng lẻ.

Khảo sát hộ gia đình CPS cho ra kết quả là ước tính số người đang làm việc, bao gồm cả những người đang tạm thời nghỉ không lương. Trong khi đó, khảo sát CES cho ra kết quả là ước tính số việc làm, chỉ tính những người đang được nhận lương.

Trong trường hợp một người làm nhiều công việc cùng lúc, khảo sát hộ gia đình CPS sẽ chỉ đếm một lần, còn khảo sát chủ lao động CES sẽ đếm tất cả số công việc.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn, lạm phát ăn mòn thu nhập, số lượng người dân Mỹ phải làm nhiều công việc để trang trải cuộc sống có xu hướng tăng lên. Vào tháng 11/2022, Mỹ có gần 7,7 triệu người đang làm từ hai công việc trở lên, tăng 8,4% so với một năm trước. Sự chênh lệch giữa kết quả của hai khảo sát CPS và CES cũng đi lên theo.

 

Bất chấp việc thống kê trùng, số liệu của chính phủ vẫn cho thấy thị trường lao động Mỹ đang chậm lại. Số việc làm toàn thời gian (full-time) tháng 11 gần như đi ngang so với tháng 10, trong khi số việc làm bán thời gian (part-time) giảm từ gần 26,4 triệu còn gần 26,1 triệu.

Chỉ số lan tỏa (diffusion index) đo lường tỷ lệ trong số 256 ngành tạo thêm việc làm – giảm từ 74,8% trong tháng 11/2021 xuống còn 63,5% trong tháng 11 vừa qua.

Hàm ý chính sách quan trọng

Giới chức sắc tại Washington, từ Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đến Chủ tịch Fed Jerome Powell và nhiều chuyên gia khác đều cho rằng việc thị trường lao động tăng trưởng mạnh trong năm 2022 cho thấy nền kinh tế chưa rơi vào suy thoái, cho dù GDP suy giảm hai quý liên tiếp.

Việc nền kinh tế tạo ra 4,3 triệu việc làm mới (theo công bố ban đầu của Cục Thống kê Lao động) cũng cho Fed thêm dư địa để thắt chặt tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Nếu số liệu mà Fed chi nhánh Philadelphia công bố mới đây là chính xác thì thị trường lao động của Mỹ không mạnh mẽ như nhiều người tưởng, và suốt mấy tháng qua, Fed đã nâng lãi suất để chống lạm phát trong bối cảnh gần như không có việc làm mới nào được tạo ra.

Hiện nay, các dự báo về suy thoái kinh tế năm 2023 xuất hiện ngày càng nhiều khi 7 đợt tăng lãi suất liên tiếp bắt đầu gây tác động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực.

Thị trường lao động cũng được dự báo sẽ suy yếu. Hiệp hội Kinh tế học Kinh doanh Quốc gia (NABE) cho biết các chuyên gia dự phóng Mỹ sẽ chỉ có thêm trung bình 76.000 việc làm mới mỗi tháng năm 2023, chỉ bằng chưa đầy 1/5 con số của 2022.

“Các chuyên gia trong cuộc khảo sát của NABE tiếp tục hạ thấp triển vọng về nền kinh tế Mỹ, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm đi, lạm phát tăng lên và thị trường lao động suy yếu”, Chủ tịch NABE viết trong một thông cáo. “Đa số chuyên gia tin rằng xác suất suy thoái xảy ra trong năm 2023 là trên 50%”.

Việc Fed chi nhánh Philadelphia công bố số liệu việc làm mới trong quý II/2022 chỉ bằng 1% con số chính thức trước đó càng củng cố thêm nhận định về việc kinh tế vĩ mô đang xấu đi.

Fed có hai nhiệm vụ chính là kiềm chế lạm phát và toàn dụng việc làm. Khi thị trường việc làm gặp thách thức, Fed có thể phải nhẹ tay trong cuộc chiến chống lạm phát để ưu tiên tăng trưởng kinh tế bằng cách sớm dừng tăng lãi suất và chuyển sang nới lỏng tiền tệ.

Đức Quyền

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.