Từ khóa của thị trường tài chính năm 2023: ‘Thiểu phát’
Lạm phát (inflation) là sự tăng lên của mặt bằng giá cả. Giảm phát (deflation) là sự giảm xuống của mặt bằng giá cả. Vậy “thiểu phát” là gì? Thiểu phát (disinflation) là sự giảm xuống của lạm phát, tức là việc giá cả cả tăng lên nhưng với tốc độ chậm hơn trước.
Nếu lấy một chiếc xe ô tô làm hình ảnh ẩn dụ cho giá cả thì việc chiếc xe tiến lên phía trước tương đương với tình trạng lạm phát, xe lùi về phía sau là giảm phát, còn xe tiến lên nhưng với tốc độ chậm hơn trước (ví dụ từ 60 km/giờ còn 40 km/giờ) chính là thiểu phát.
Trong năm 2022, lạm phát tại Mỹ lập đỉnh 4 thập kỷ ở mức 9,1%, lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (euro zone) cũng chạm mốc cao chưa từng thấy trên 10%. Nhiều nhà kinh tế giờ đây dự báo rằng tốc độ tăng giá cả đang trong xu hướng đi xuống.
Tạp chí Fortune cho biết ở Mỹ, kể từ khi lạm phát lên đỉnh vào tháng 6 đến nay, giá xăng đã sụt gần 40%, thị trường nhà ở tụt dốc, và giá hàng hóa nói chung cũng đã hạ nhiệt.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lạm phát tháng 11 của Mỹ xuống thấp hơn dự báo và thấp nhất trong gần một năm 13/12/2022 - 20:51
Hệ quả là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ còn tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (core PCE) đi lên 4,7%. Những con số này vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đặt ra.
Tuy vậy, ông Jason Draho, Giám đốc phân bổ tài sản châu Mỹ tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, tin rằng lạm phát “nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm nhanh trong nửa đầu năm 2023”.
“Tình trạng giảm phát đang diễn ra rồi”, ông Draho viết trong một bài phân tích ngày 16/12. “Vấn đề gây tranh cãi lúc này không phải là giảm phát có xảy ra hay không mà là mức độ sẽ lớn đến đâu”.
Chủ đề được giới chuyên gia kinh tế quan tâm nhất trong năm tới là liệu lạm phát có rơi xuống ngưỡng mục tiêu 2% của Fed mà không cần thêm các đợt nâng lãi suất so với dự kiến hiện nay hay không. Một kịch bản khác là lạm phát sẽ chỉ có thể giảm xuống 4% và mắc kẹt ở đây, ông Draho nói.
Vị chuyên gia của của UBS cũng làm rõ rằng việc chọn “thiểu phát” làm từ khóa quan trọng nhất của năm 2023 không phải là một dự báo về biến động giá cả.
“Dự đoán rằng thiểu phát sẽ trở thành câu chuyện bao trùm thị trường trong năm 2023 không đồng nghĩa với dự đoán thiểu phát sẽ diễn ra mạnh mẽ và chạm mức mục tiêu 2% trước cuối năm”, ông Draho viết. "Nhưng việc Fed thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng lớn tới biến động trên các thị trường tài chính trong năm nay, tình trạng thiểu phát cũng có thể gây ra tác động tương tự trong năm 2023.
Một số lý do khiến ông Draho chọn “thiểu phát” làm từ khóa của năm 2023 bao gồm:
Thứ nhất, mức độ thiểu phát tại Mỹ sẽ là nhân tố quan trọng khi Fed xem xét chính sách tiền tệ. Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp trong năm 2022 nhằm cố hạ nhiệt nền kinh tế và chế ngự lạm phát. “Tình trạng thiểu phát càng lan rộng và càng mang tính cấu trúc, Fed sẽ càng sớm dừng nâng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm”, ông Draho nhận định.
Thứ hai, Giám đốc phân bổ tài sản châu Mỹ của UBS cho rằng Fed đã trở thành biến số quan trọng nhất đối với nhà đầu tư trong năm qua.
Lãi suất lên cao đã khiến cho các khoản đầu tư rủi ro trở nên kém hấp dẫn và kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng trong giá của giá các cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa từng gây sốt trong năm trước. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong năm 2023.
“Việc Fed chuyển từ kẻ thù thành đồng minh của nhà đầu tư sẽ là bước ngoặt đáng chú ý trong năm sau”, ông Draho viết.
Thứ ba, mức độ thiểu phát trong năm sau sẽ quyết định liệu nền kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh mềm” hay không, tức là khả năng lạm phát được kiềm chế mà không xảy ra suy thoái.