|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giáo sư Jeremy Siegel: Fed đang 'mắc sai lầm khủng khiếp'

15:19 | 19/12/2022
Chia sẻ
Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton cho rằng các quan chức của Fed đã “hành động đủ” để làm chậm đà tăng giá tiêu dùng và ông lo sợ chính sách tăng lãi suất sẽ đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Giáo sư Jeremy Siegel thuộc Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania. (Ảnh: Getty Images).

Trong tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Sau số liệu này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để chứng minh rằng lạm phát đang đi xuống.

Song, ông Siegel đánh giá con số CPI không đại diện cho thực tế. Trả lời hãng tin CNBC, ông Siegel cho rằng lạm phát về cơ bản đã qua đỉnh, bất chấp nhận định của Chủ tịch Powell.

Theo ông Siegel, đà giảm của giá nhà và giá thuê nhà là bằng chứng cho thấy phần lớn sức ép lạm phát trong nền kinh tế đã biến mất.

 

Lời chỉ trích đối với Fed

Vị Giáo sư cho rằng trong năm 2022, các quan chức Fed đang xem xét các dữ liệu thiếu cập nhật để đánh giá thị trường nhà đất, dẫn tới nhận thức sai lệch về tình hình lạm phát hiện tại của nền kinh tế.

Ngày 14/12, Fed đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và các nhà hoạch định chính sách cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất mục tiêu của Fed sẽ tăng từ khoảng 4,25 - 4,5% hiện nay lên 5 - 5,25%.

Theo Giáo sư Siegel, Fed đang “mắc một sai lầm khủng khiếp” khi tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát đã giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Ông nói: “Tôi thấy không có lý do gì để tăng lãi suất cao hơn mức hiện tại.” Ông cho rằng việc tăng lãi suất trong năm nay vẫn chưa ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng một khi chịu tác động, giá tiêu dùng sẽ giảm mạnh.

Ông cảnh báo việc tiếp tục nâng lãi suất và duy trì ở mức cao sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu Fed quyết định tạm dừng hoặc cắt giảm lãi suất vào năm tới, ông Siegel dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng từ 15% đến 20%.

Trong một bài phỏng vấn, ông Siegel đánh giá 2022 là một năm đáng thất vọng đối với thị trường chứng khoán. Đây là một trong số ít lần trong vòng 15-20 năm qua, thị trường chứng kiến giá trái phiếu và cổ phiếu đều giảm và lý do cho điều đó là rất rõ ràng. Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ quá muộn.

Theo ông Siegel, đáng lẽ Fed nên bắt đầu động thái thắt chặt từ đầu năm 2021. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan này đã không bắt đầu hành động cho đến tận tháng 3/2022.

 

Mối quan hệ giữa tiền lương và lạm phát

Khi được hỏi về khả năng việc tăng lương có thể gây ra lạm phát vào năm tới hay không, ông Siegel lưu ý khi tính đến tác động của lạm phát, lương thực tế của người Mỹ đã giảm trong suốt giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát.

Ông nói: “Tiền lương thực tế đã giảm, do đó, nhân tố này khó có thể đẩy lạm phát lên cao hơn”.

Cục Thống kê Lao động Mỹ mới đây cho biết trong tháng 11/2022, tiền lương thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) giảm 1,9% so với một năm trước. Ông Siegel cho biết tình trạng này trái ngược với mức tăng trung bình tiền lương thực tế hàng năm 2%/năm kể từ Thế chiến II.

Ông Siegel cũng lưu ý có một "sự thay đổi mang tính cơ cấu" trong lực lượng lao động những năm gần đây với tỷ lệ phần trăm người Mỹ làm việc nói chung thấp hơn. Ông nhấn mạnh chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ không giúp giải quyết vấn đề này.

Ông nói: “Nếu mọi người không muốn làm việc, các công ty phải đưa ra mức lương cao hơn để khuyến khích họ làm việc. Công việc của Fed không phải là kìm hãm nền kinh tế vì có sự thay đổi cơ cấu nguồn cung. Cơ quan này chịu trách nhiệm về cầu chứ không phải sự thay đổi nguồn cung".

 

Nhà tiên tri

Theo một số chuyên gia, dự báo mới nhất của ông Siegel có thể là hợp lý. Ông đã từng đưa ra một số dự đoán chính xác trong vài năm qua.

Tháng 6/2020, Giáo sư Siegel nói với Giám đốc đầu tư của Ritholtz Wealth Management, ông Barry Ritholtz, rằng lạm phát chắc chắn sẽ tăng và Fed không lường trước được điều đó.

Vào thời điểm đó, ông Siegel cho rằng lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng lạm phát dù đây là quan điểm của thiểu số. Ông cảnh báo các quan chức Fed đã kích thích quá mức nền kinh tế trong nhiều năm với lãi suất gần như bằng không.

Và thời gian đã chứng minh rằng ông Siegel đã nói đúng. Lạm phát đã tăng vọt từ mức chỉ 0,6% vào thời điểm ông đưa ra dự báo lên hơn 5% trong vòng chưa đầy một năm.

Trà My

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.