|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau khi Fed hạ tốc độ tăng lãi suất, cơ hội để Trung Quốc nới lỏng tiền tệ đang mở ra

08:22 | 16/12/2022
Chia sẻ
Sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Mỹ, cơ hội để áp dụng các chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn đang mở ra cho Trung Quốc. Giới phân tích kêu gọi Bắc Kinh nắm bắt cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế đang chao đảo bởi dịch bệnh.

Cơ hội mở ra cho Trung Quốc

Hôm 14/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps), qua đó kéo chi phí đi vay chuẩn tại nền kinh tế lớn nhất thế giới lên phạm vi 4,25 - 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.

Trong bối cảnh công chúng đang lo lắng về một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm tới, Fed đã đề cập đến “sự suy giảm đáng hoan nghênh” của lạm phát.

Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất khác nhưng với quy mô nhỏ hơn. Dự kiến, lãi suất chuẩn sẽ nằm trong khoảng 5 - 5,25% vào cuối năm 2023.

Sau các tuyên bố từ Fed, nhiều ngân hàng đầu tư hàng đầu của Trung Quốc đã trở nên lạc quan hơn, SCMP cho hay.

Trong một ghi chú mới đây, Citi Securities cho rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể kết thúc vào khoảng tháng 3 năm sau, khi đó mức đỉnh lãi suất sẽ vào khoảng 5%.

Nhắc đến gánh nặng tài khoá của Mỹ, China Merchant Securities dự đoán Fed có thể sẽ giảm lãi suất từ quý III.

Nhìn chung, họ cho rằng việc Fed điều chỉnh nhịp độ tăng lãi suất đang tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thực hiện những bước đi lớn, vì Bắc Kinh đã chuyển sang ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến Bắc Kinh rất cảnh giác về việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.

Ông Larry Hu, kinh tế trưởng của ngân hàng Macquarie Group tại Trung Quốc, cho hay: “Với loạt dữ liệu kinh tế yếu và sự vắng bóng của áp lực lạm phát, Trung Quốc có thể đưa ra nhiều biện pháp nới lỏng hơn”.

Vị kinh tế trưởng nói, bất chấp quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách của PBoC hôm 15/12, ngân hàng trung ương này vẫn có thể hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm vào tuần sau để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.

Ông nói: “Quan trọng hơn là, PBoC sẽ có nhiều dư địa để hạ lãi suất vào tháng 2 năm sau nếu Fed ngừng tăng lãi suất”.

Trong khi đó, áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đã giảm bớt phần nào. Hôm 15/12, tỷ giá tham chiếu hàng ngày đã được PBoC thiết lập ở mức cao nhất trong ba tháng là 6,9343 CNY đổi 1 USD.

Trước quyết định chính sách của Fed tuần này, nhà kinh tế nổi tiếng Ren Zeping cho biết rằng “cơ hội để PBoC cắt giảm lãi suất hoặc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đang mở ra”.

Các biện pháp thắt chặt tiền tệ của Mỹ trong năm nay đã kích thích đồng USD mạnh lên và khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác.

Tuy nhiên, một số khoản đầu tư nước ngoài đã trở lại thị trường Trung Quốc khi các chuyên gia kỳ vọng nền kinh tế tỷ dân sẽ phục hồi sau khi dỡ bỏ chiến lược Zero COVID.

Trong tháng qua, dòng vốn chảy vào Trung Quốc thông qua chỉ số chứng khoán liên kết thị trường đại lục với Hong Kong đã chạm mức 67,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,7 tỷ USD).

Các biện pháp khống chế dịch bệnh hà khắc đã kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc trước khi Bắc Kinh thực hiện một số thay đổi trong chính sách chống COVID trong những tuần gần đây.

Trong tháng 11, lạm phát giá tiêu dùng đã tụt xuống mức thấp nhất trong 8 tháng, tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức cao nhất trong 6 tháng và doanh số bán lẻ tiếp tục suy yếu.

 

Bà Zhang Yu, trưởng bộ phận phân tích vĩ mô của Huachang Securities, cho rằng nền kinh tế yếu kém có thể thúc đẩy PBoC cắt giảm lãi suất.

“Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã trượt dài kể từ tháng 11 và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đã tăng lên mức 6,95 CNY đổi 1 USD. Cơ hội phù hợp để hạ lãi suất đã xuất hiện”, bà viết trong một ghi chú.

Đầy rẫy thách thức

Hiện tại, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng ở hội nghị công tác kinh tế trung ương sắp tới, Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức khoảng 5%.

Song, giới chức Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Dù Bắc Kinh đã nới lỏng Zero COVID, các hoạt động kinh tế vẫn trầm lắng và có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong một hoặc hai quý tới khi số ca bệnh mới tăng nhanh.

Tiêu dùng vẫn là một mối lo lớn vì thu nhập của các hộ gia đình Trung Quốc đã giảm dần trong ba năm qua.

Trung Quốc cũng ghi nhận số liệu thương mại hàng tháng tồi tệ nhất trong khoảng hai năm rưỡi qua vào tháng 11. Mức giảm xuất khẩu so với cùng kỳ đã nới rộng từ 0,3% hồi tháng 10 lên 8,7% vào tháng 11.

Cũng tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khuyến nghị Trung Quốc cắt giảm lãi suất và tung ra các hỗ trợ tài khoá chủ động để giúp đỡ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thúc đẩy nền kinh tế chung.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.