|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc mở cửa kinh tế nhưng dân không dễ mở ví

16:09 | 12/12/2022
Chia sẻ
Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng nhiều quy định chống dịch. Song, quá trình mở cửa kinh tế vẫn còn nhiều điều không chắc chắn, có khả năng khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp ngần ngại chi tiêu.

Nhiều khả năng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không hăm hở chi tiêu dù chính phủ có dỡ bỏ bớt quy định phòng dịch. (Ảnh: Shutterstock). 

Công chúng và doanh nghiệp Trung Quốc hoan nghênh việc chính phủ nới lỏng chính sách “Zero COVID” hà khắc. Nhưng cô Jorry Fan, một phụ nữ 44 tuổi sống ở thành phố Tô Châu, đã quyết định hủy mọi kế hoạch ăn ngoài trong nhiều tuần tiếp theo.

Người mẹ của hai đứa con quyết định tránh các địa điểm ăn uống trong nhà hoặc nơi đông đúc vì lo sợ gia đình có thể nhiễm COVID sau khi Trung Quốc bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với nhiều hoạt động công cộng.

Cô chia sẻ: “Trước đây, tôi phải xét nghiệm COVID-19 gần như mỗi ngày. Nên tôi rất vui vì giờ không còn phải phiền hà. Nhưng mặt khác, giờ đây không ai biết ai là người nhiễm COVID nữa nên gia đình tôi sẽ cẩn thận hơn”.

Những người tiêu dùng như cô Fan là lý do các nhà phân tích không kỳ vọng hoạt động chi tiêu tại Trung Quốc sẽ phục hồi nhanh chóng và rộng rãi. Niềm hân hoan khi được nới lỏng các quy định phòng dịch phần nào bị giảm bớt bởi triển vọng khó đoán của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trên lý thuyết, triển vọng của các công ty đồ ăn nhanh như McDonald's, Starbucks hay Yum China đã trở nên tươi sáng hơn sau khi những biện pháp như phong tỏa khiến doanh số sụt giảm.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chiến lược Zero COVID của chính phủ có thể sẽ khiến số ca nhiễm mới gia tăng mạnh.

Các chuyên gia cảnh báo rằng tới 60% dân số Trung Quốc có nguy cơ mắc COVID-19. Nỗi sợ nhiễm bệnh khiến nhiều người tránh ra đường, đồng thời đe dọa gây gián đoạn môi trường công sở và chuỗi cung ứng. 

Nhiều khả năng chi tiêu cũng sẽ bị hạn chế bởi nỗi lo dai dẳng về việc làm và nền kinh tế giảm tốc, theo Reuters.

Bà Iris Pang, kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại ngân hàng ING, nhận xét: “Việc người dân chuyển từ các cơ sở cách ly tập trung sang cách ly tại nhà sẽ không giúp doanh số bán lẻ tăng đáng kể”.

Việc nới lỏng Zero COVID cũng không được tiến hành đồng bộ mà có sự khác biệt giữa các địa phương.

Ví dụ, tại Thượng Hải, kể từ ngày 9/12, thực khách vào nhà hàng đã không còn phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Song, quy định này vẫn áp dụng đối với người dân ở Bắc Kinh.

Thay vì nhìn thấy đám đông trong các cửa hàng và trung tâm thương mại, cảnh tượng phổ biến hơn là người dân xếp hàng bên ngoài hiệu thuốc, chờ mua kit xét nghiệm và thuốc chữa cảm cúm.

Một tiệm spa tại trung tâm Bắc Kinh đã nối lại hoạt động vào ngày 9/12. Hầu hết nhân viên đã quay lại làm việc nhưng khách hàng vắng hơn nhiều.

Một nhân viên cho biết: “Vì dịch bệnh, chúng tôi hiện đang chạy chương trình khuyến mãi và phiếu giảm giá để thu hút khách hàng. Điều này khiến chúng tôi bị lỗ”.

Trở tay không kịp

Nhiều doanh nghiệp khác cũng nói rằng họ bị bất ngờ. Giám đốc một chuỗi khách sạn lớn chia sẻ với Reuters rằng họ “hoàn toàn không chuẩn bị trước cho quá trình mở cửa kinh tế kịch tính và quyết liệt đến vậy”.

Vị giám đốc cho biết ông đang gặp khó trong việc thuyết phục các chủ sở hữu mở cửa và thuê thêm người làm bởi chiến dịch Zero COVID trong ba năm qua đã khiến người dân trở nên thận trọng.

Ông Jason Yu, Giám đốc khu vực Trung Quốc của công ty nghiên cứu khách hàng Kantar Worldpanel, dự đoán doanh số các mặt hàng như rượu và mỹ phẩm sẽ tiếp tục ảm đạm bởi những người tiêu dùng cẩn trọng sẽ chọn ở nhà trong thời gian tới. 

Thay vào đó, người tiêu dùng sẽ tập trung vào những mặt hàng giúp tăng cường sức khỏe. Họ cũng sẽ không mua nhiều mỳ gói và đồ đông lạnh như trước.

Nhưng một số nhà phân tích nói rằng về lâu dài, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là điều tốt với các công ty gắn bó với nước này. Ví dụ, các thương hiệu đồ ăn nhanh có thể sẽ triển khai kế hoạch mở rộng lớn như dự định trước đó.

Ông Luca Solca, nhà phân tích tại Bernstein, nói rằng việc chấm dứt các hạn chế COVID là tin tốt với ngành xa xỉ phẩm do ngành này phụ thuộc lớn vào chi tiêu từ Trung Quốc.

Ông cho biết: “Kịch bản cơ sở của tôi là việc nới lỏng các quy định chống dịch sẽ thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc tận hưởng cuộc sống trở lại và tiêu tiền, tạo ra lợi ích cho các thương hiệu xa xỉ phẩm và những công ty khác”.

Giang