Các tổ chức kinh tế đánh giá cao quyết định nới lỏng chính sách phòng dịch của Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo tổ chức kinh tế toàn cầu hôm 9/12 đã đánh giá cao việc Trung Quốc rời bỏ chính sách Zero COVID cứng rắn, với Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng "các hành động quyết đoán" của nước này sẽ giúp vực dậy tăng trưởng cả trong nước và toàn cầu.
Phát biểu tại họp báo cùng các nhà lãnh đạo khác sau hội nghị ở thành phố Hoàng Sơn do Thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường chủ trì, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iwealcho biết việc nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch sẽ giúp củng cố nền kinh tế thế giới – vốn đang phải vật lộn với tác động của đại dịch COVID-19, tình hình xung đột tại Ukraine và quá trình biến đổi khí hậu.
Tương tự, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva bày tỏ rất hoan nghênh các hành động quyết đoán của Chính phủ Trung Quốc về điều chỉnh lại các chính sách phòng dịch, tạo động lực tốt hơn cho sự phục hồi tăng trưởng trong nước. Bà nhấn mạnh những động thái đó không chỉ có lợi cho người dân Trung Quốc, mà còn quan trọng đối với châu Á và phần còn lại của thế giới.
Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Mathias Cormann cũng cho biết những điều chỉnh chính sách sẽ hỗ trợ đà phục hồi cả ở Trung Quốc và toàn cầu.
Hôm thứ Tư (7/12), Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nới lỏng cách tiếp cận chống dịch của nước này, chấm dứt phong tỏa quy mô lớn và cho phép một số trường hợp dương tính được cách ly tại nhà.
Sang hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã dỡ bỏ nhiều hạn chế hơn, với việc Bộ Văn hóa và Du lịch nước này thông báo du khách sẽ không còn phải xuất trình "mã sức khỏe" khi vào nhiều địa điểm khác nhau.
Những động thái trên đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt trước đây của Trung Quốc, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cuối cùng cũng đang chuyển hướng sang việc chung sống với dịch bệnh sau những đợt phong tỏa kéo dài đã kìm hãm đà tăng trưởng.
Việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc đến nay đã giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu, vốn vẫn lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ. Nhưng các nhà phân tích đã cảnh báo rằng lộ trình mở cửa trở lại hoàn toàn của Trung Quốc vẫn còn nhiều gập ghềnh.
Giới quan sát từ lâu đã cảnh báo chính sách Zero COVID gây ra nhiều hạn chế đối với đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích đa phần dự báo nước này sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5,5% đã đề ra cho năm 2022.