Chứng khoán Trung Quốc có thêm tuần tăng điểm sau nhiều tín hiệu tích cực trên mặt trận chống COVID
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa có thêm một tuần tăng điểm nữa khi Bắc Kinh tiếp tục nới lỏng chính sách chống COVID và triển vọng của ngành bất động sản có thể đang trở nên tươi sáng hơn.
Theo Bloomberg, cổ phiếu của các nhà vận hành casino và của các công ty bất động sản đã dẫn đầu đà tăng của thị trường. Chỉ số Hang Seng China Enterprises đi lên 7,3%, cao hơn mức tăng 6,7% của tuần trước.
Chỉ số CSI 300 đại diện cho các cổ phiếu giao dịch tại Trung Quốc đại lục nhích 3,3%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất trong một tuần kể từ đầu tháng 11.
Một thước đo khác của Bloomberg về cổ phiếu của các công ty điều hành sòng bạc - đối tượng hưởng lợi chính khi hoạt động du lịch của Trung Quốc phục hồi - đã tăng hơn hai lần kể từ cuối tháng 10.
JPMorgan Chase dự đoán nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng khi định giá của doanh nghiệp duy trì ở mức “ổn định”.
Nhìn chung, các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng phục hồi bền vững của thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong bối cảnh các hạn chế COVID được nới lỏng và cuộc khủng hoảng bất động sản dịu bớt, giúp thúc đẩy tâm lý đầu tư.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Willer Chen, nhà phân tích cấp cao của Forsyth Barr Asia, cho hay: “Thị trường đang khởi sắc nhờ những bước đi lớn của Trung Quốc trên mặt trận chống COVID.
Đà tăng của thị trường có thể tiếp tục cho đến khi chúng ta nhìn thấy tác động thực tế của đợt bùng phát đầu tiên [sau giai đoạn gỡ bỏ Zero COVID]”.
Tất cả những diễn biến trên đánh dấu một sự thay đổi lớn sau nhiều tháng tâm lý của nhà đầu tư trở nên bi quan bởi sự sa sút của nền kinh tế.
Ngày càng có nhiều nhà quản lý tài sản và chiến lược gia nhận định lạc quan về triển vọng thị trường Trung Quốc.
Trong đó, Morgan Stanley kỳ vọng chứng khoán Trung Quốc nói chung sẽ vượt trội hơn so với chứng khoán các thị trường mới nổi cũng như so với thị trường toàn cầu.
Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh đang đẩy nhanh quá trình xoay trục khỏi chiến lược Zero COVID. Gần đây, nước này đã dỡ bỏ một số hạn chế hà khắc nhất, chẳng hạn như việc xét nghiệm thường xuyên.
Đồng thời, giới chức trách nhiều nơi đã bãi bỏ lệnh phong toả hàng loạt và cách ly tập trung, ngay cả khi số ca bệnh tiếp tục đi lên.
Động thái trên đã tạo ra những thay đổi tương tự ở Macau, trong khi Hong Kong vẫn đang thận trọng hướng tới việc mở cửa trở lại hoàn toàn.
Macau đã nới lỏng yêu cầu xét nghiệm đối với du khách Trung Quốc, trong khi chính quyền Hong Kong rút ngắn thời gian cách ly đối với bệnh nhân COVID.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng đã và đang thực hiện một số bước đi mang tính quyết định để giải cứu ngành bất động sản. Trong đó, Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm doanh nghiệp huy động vốn từ cổ phần.
Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tuần tới, các quan chức dự kiến sẽ giảm bớt tầm quan trọng của khẩu hiệu “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Các nhà hoạch định cũng sẽ cố gắng đảo ngược xu hướng đi xuống của lĩnh vực bất động sản, theo đưa tin từ Bloomberg.
Một thước đo cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng gần 90% kể từ mức thấp trong tháng 10, dù nhu cầu nhà đất của người dân vẫn còn yếu.
Trái phiếu đồng USD của các công ty bất động sản cũng đi lên trong phiên giao dịch 9/12. Một thước đo trái phiếu rác của Trung Quốc, chủ yếu được phát hành bởi các công ty xây dựng, đã có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp.
Hôm 8/12, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường cho biết tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ “tiếp tục đi lên” khi chính phủ thực hiện những thay đổi gần đây đối với chính sách Zero COVID.
Sau đó một ngày, ông Lý cho biết thêm rằng giá cả ổn định trên toàn quốc sẽ giúp Bắc Kinh có thêm dư địa để hoạch định chính sách vĩ mô.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và chuyên gia vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về đà tăng của thị trường. Họ cho rằng chặng đường để Trung Quốc mở cửa hoàn toàn sẽ rất dài.
Ông Wilfred Sit, CIO tại Hang Seng Investment Management, nhận định rằng khả năng các ca bệnh tăng mạnh trong những tháng tới có thể gây ra một số tác động tiêu cực, “đặc biệt là khi thị trường đã phục hồi khá nhiều và nhà đầu tư có thể cố gắng chốt lời”.
“Quá trình mở cửa của Trung Quốc có thể sẽ rất gập gềnh”, ông Sit dự đoán.