|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc là biến số khó đoán cho lạm phát toàn cầu năm tới

15:26 | 08/12/2022
Chia sẻ
Nếu Trung Quốc mở cửa trở lại như dự đoán của đông đảo nhà phân tích, đây sẽ là cú hích cho nền kinh tế tỷ dân sau một năm nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bài toán lạm phát của các nước khác sẽ trở nên phức tạp hơn.

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Theo Bloomberg, nhận định chung của các nhà kinh tế là lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt trong năm tới khi lãi suất tăng cao, suy thoái đến gần và người tiêu dùng chi tiêu ít hơn.

Đà giảm giá của hàng hoá công nghiệp, thực phẩm và năng lượng cũng sẽ giúp kìm hãm lạm phát. So với đà tăng mạnh mẽ trong năm ngoái, mức giảm của năm nay sẽ càng được khuếch đại hơn.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ bỏ chiến lược Zero COVID có thể làm lung lay những dự đoán đó. Có khả năng là trong năm 2023, Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa đất nước sau hơn ba năm bị đại dịch hoành hành. Ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới sẽ rất lớn.

Nền kinh tế Trung Quốc sẽ “sống lại”. Sinh viên sẽ lại ra nước ngoài du học, khách du lịch sẽ bắt đầu đi thăm thú các nơi và giám đốc doanh nghiệp sẽ lại lên máy bay đi công tác đâu đó.

Cuộc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc sẽ xảy ra cùng lúc với việc thị trường nhà đất bắt đầu phục hồi, càng thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Bloomberg cho rằng việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp giá nguyên liệu thô toàn cầu đi lên và có thể gây áp lực lên giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ khác.

Giả sử Trung Quốc mở cửa hoàn toàn vào giữa năm 2023, Bloomberg ước tính giá năng lượng sẽ tăng 20% và chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - được dự đoán sẽ giảm xuống 3,9% vào giữa năm - có nguy cơ vọt lên 5,7% vào cuối năm.

 

Vai trò bị đảo ngược

Năm nay, Trung Quốc đã giúp kiềm chế áp lực lạm phát trên toàn cầu. Song, sang năm, vai trò của nền kinh tế tỷ dân có thể sẽ đảo ngược.

Trong gần 12 tháng vừa qua, thị trường nhà ở lao dốc và các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đáng kể.

Bloomberg đã hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm nay của Trung Quốc từ 3,5% xuống 3%, đồng thời điều chỉnh dự báo năm tới từ 5,7% xuống 5,1%.

Một loạt các chỉ số cho thấy sự sa sút của nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế toàn cầu.

Hồi tháng 9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc từ Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ 5 của nước này, sụt hơn 25% trong tháng 11. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Hàn Quốc được coi là một phong vũ biểu cho tăng trưởng toàn cầu.

 

Các hạn chế đi lại đồng nghĩa rằng lưu lượng hàng không ở Trung Quốc - thị trường du lịch hàng không lớn thứ hai thế giới sau Mỹ - hiện chỉ bằng 35% mức của năm 2019, thời điểm trước khi COVID-19 xuất hiện.

Trung Quốc từng là thị trường hàng không nội địa nhộn nhịp nhất thế giới, xử lý khoảng 14.000 chuyến bay mỗi ngày. Con số đó đã giảm xuống còn khoảng 2.800 vào tháng 11.

Khi nền kinh tế khởi sắc, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô, hàng hoá công nghiệp và nguyên liệu thô. Đồng thời, nhu cầu của người dân về vận tải hàng không, phòng khách sạn và bất động sản quốc tế sẽ đi lên.

Ông Iris Pang, kinh tế trưởng của ING Groep tại khu vực Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau, dự đoán: “Chắc chắn lạm phát toàn cầu sẽ bật tăng nếu Trung Quốc mở cửa lại hoàn toàn”.

Theo Bloomberg, còn một lý do khác khiến Trung Quốc có thể trở thành một động lực thúc đẩy lạm phát vào năm tới: thị trường bất động sản.

Một loạt các biện pháp nhằm ổn định giá nhà đã được Bắc Kinh công bố trong những tuần gần đây, bao gồm việc nới lỏng các yêu cầu thanh toán trước đối với người mua nhà và hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp địa ốc.

Mặc dù những bước đi này không đảm bảo rằng ngành bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ, chúng vẫn có thể giúp tăng trưởng GDP trở lại đúng hướng.

Nếu thị trường nhà ở khởi sắc và nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, sự kết hợp tiềm năng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho các đối tác thương mại của Bắc Kinh và thị trường tài chính toàn cầu.

Một phân tích gần đây của Fed chi nhánh New York viết, Trung Quốc hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư trên toàn cầu.

“Cụ thể, chúng tôi nhận thấy rằng các chính sách tín dụng mở rộng ở Trung Quốc thường khiến giá hàng hoá, sản lượng công nghiệp toàn cầu và tăng trưởng GDP thế giới gia tăng đáng kể, nhờ nhu cầu mạnh mẽ của nước này”.

 

Chặng đường gập ghềnh

Khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm tới ra sao vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng rõ ràng là chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang điều chỉnh hướng đi chính sách.

Hôm 7/12, các nhà chức trách ở Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch 10 điểm nhằm nới lỏng các biện pháp chống dịch. Động thái này giúp các nhà quan sát củng cố nhận định rằng chính phủ Trung Quốc đang dần loại bỏ Zero COVID.

Thủ đô Bắc Kinh, các thành phố Quảng Châu, Hàng Châu, Thượng Hải và Thâm Quyến đều nằm trong số những địa phương đã nới lỏng hạn chế kiểm dịch, ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng cao.

Trước đó, chính quyền thành phố Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn vận hành, cũng đã có động thái tương tự.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới. Tất cả càng làm dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến, theo Bloomberg.

Nhà phân tích Christopher Beddor của Gavekal cho biết các bước đi chính sách gần đây chứng tỏ rằng chiến lược chống dịch của chính phủ đang thay đổi. Ông nói: “Trung Quốc đã bước vào điểm đầu của đoạn kết dành cho Zero COVID”.

Trước khi cuộc phục hồi kinh tế diễn ra, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng. Thiếu giường bệnh ICU khiến nước này gặp khó, quá trình rút lui khỏi Zero COVID có thể kéo dài đến sau năm 2023.

Theo ông Sam Fazeli, nhà phân tích dược phẩm cấp cao của Bloomberg, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn có thể khiến 5,8 triệu người phải nhập viện chăm sóc đặc biệt.

Số lượng người nhập viện cấp cứu quá cao sẽ đè nặng lên hệ thống y tế vốn có chưa đến 4 giường ICU cho 100.000 người dân. Tỷ lệ của Trung Quốc là thấp hơn nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Anh hay Đức.

 

Đó là lý do tại sao hầu hết các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ điều hướng quá trình mở cửa một cách chậm rãi và thận trọng. Vì vậy, hoạt động đi lại, chuỗi cung ứng và niềm tin người tiêu dùng có thể sẽ tiếp tục bị gián đoạn.

Một thử thách lớn cho hướng đi mới của Trung Quốc sẽ là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1 năm tới.

Các nhà chức trách có thể sẽ áp dụng các hạn chế đi lại nghiêm ngặt hoặc yêu cầu xét nghiệm thường xuyên, làm gián đoạn tâm trạng nghỉ lễ của người dân và củng cố nhận định của giới chuyên gia rằng con đường tương lai sẽ rất gập ghềnh.

Bất chấp những yếu tố bất ổn trên, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang phục hồi khi nhà đầu tư nhìn thấy nhiều dấu hiệu thay đổi từ Bắc Kinh.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises đã tăng 29% trong tháng 11, đánh dấu tháng giao dịch tốt nhất kể từ năm 2003. Chỉ số chuẩn Hang Seng cũng có tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ năm 1998.

Thị trường chứng khoán Australia cũng bật tăng lên mức cao nhất trong 7 tháng nhờ tín hiệu từ Trung Quốc. Đây là một dấu hiệu cho thấy tác động lan toả của nền kinh tế tỷ dân đối với phần còn lại của thế giới.

Yên Khê