Ông Tập gắng sức cứu nền kinh tế Trung Quốc bằng hai gói giải pháp và một cuộc gặp
Giảm bớt rủi ro gây bất ổn
Sau đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vào cuối tháng 10, thị trường chứng khoán tại đại lục và Hong Kong đều đồng loạt giảm điểm. Các nhà đầu tư e ngại đội ngũ lãnh đạo mới sẽ tiếp tục chính sách Zero COVID và ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước hơn là khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, sau đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những thay đổi gây chú ý, dường như theo chiều hướng có lợi cho nhà đầu tư.
Trong tuần qua, ông Tập đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhất trong nhiều năm để ổn định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh tăng trưởng đang ở mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ.
Ông công bố gói giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, cung cấp lộ trình tiềm năng để rút lui khỏi chính sách Zero COVID tốn kém và cố gắng cải thiện mối quan hệ với Mỹ trong cuộc gặp cùng người đồng cấp Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.
Các động thái trên đã làm thay đổi đáng kể lập trường của nhà lãnh đạo Trung Quốc, hãng tin Bloomberg nhận xét.
Trong vài năm qua, ông Tập đã không ngần ngại kiềm chế một số công ty lớn nhất đất nước, hy sinh tăng trưởng để kiểm soát vấn đề vay nợ, giảm bớt bất bình đẳng thu nhập và hạn chế số người tử vong do COVID.
Ngoài gây thiệt hại cho nhà đầu tư, các chính sách của ông Tập còn bóp nghẹt tầng lớp trung lưu của Trung Quốc và khơi mào cho bất ổn xã hội tại một số địa phương.
Chẳng hạn, mùa hè năm nay, hàng trăm nghìn người đã từ chối thanh toán nợ vay thế chấp để phản đối việc doanh nghiệp địa ốc chậm bàn giao nhà ở. Các vụ phong toả trên khắp cả nước cũng dẫn đến những cuộc đụng độ giữa người dân và nhân viên y tế.
Mặc dù các chính sách nói trên vẫn còn hiệu lực, những bước đi mới của ông Tập lại là một tín hiệu đáng hoan nghênh đối với những ai đang cố tìm hiểu xem ông có muốn bảo vệ nền kinh tế khỏi đà giảm tốc hiện nay hay không.
Chia sẻ với Bloomberg, ông George Magnus - nhà kinh tế tại Đại học Oxford, cho hay: “Rõ ràng, chiến lược Zero COVID, các hạn chế bất động sản và quan hệ đối ngoại xấu đi đều là những lực cản rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc...”
“Ông Tập sẽ không thay đổi các chiến lược kinh tế trong nước, nhưng sẽ cố gắng giảm bớt rủi ro gây bất ổn”, vị chuyên gia nhận định.
Giờ đây, các nhà đầu tư đã có đủ lý do để mua vào cổ phiếu Trung Quốc. Trong tháng này, chỉ số Hang Seng China Enterprises đã tăng khoảng 26%, đảo chiều mạnh mẽ từ một trong những thước đo chứng khoán kém nhất thế giới.
“Trung Quốc dường như đang nhanh chóng giải quyết các khúc mắc lớn của nhà đầu tư. Các động thái vừa qua cũng giúp công chúng bớt lo ngại rằng Trung Quốc sẽ ngày càng bị cô lập hơn...”, Giám đốc Vey-Sern Ling của ngân hàng đầu tư Union Bancaire Prive cho hay.
Ba cú "xoay mình" của ông Tập
Dấu hiệu đầu tiên của công cuộc xoay trục chính sách xuất hiện vào tuần trước, khi Trung Quốc nới lỏng các quy định liên quan đến chiến lược Zero COVID của ông Tập.
Trong một văn bản gồm 20 điểm gửi đến các quan chức, Bắc Kinh đã giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với du khách, giảm bớt xét nghiệm diện rộng và bãi bỏ quy định “ngắt mạch” đối với các chuyến bay quốc tế.
Trước đó, nếu các chuyến bay đến Trung Quốc có 5 hành khách (tương đương 4% tổng số hành khách) dương tính với COVID, chuyến bay đó sẽ phải dừng vận hành trong một tuần. Nếu 8% hành khách dương tính, chuyến bay phải tạm dừng trong hai tuần.
Sau đó, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục công bố một gói giải pháp 16 điểm nhằm giúp đỡ lĩnh vực bất động sản đang rất trì trệ. Các biện pháp này sẽ khơi thông thanh khoản cho các nhà phát triển địa ốc và giảm khoản thanh toán trước (down payments) cho người mua nhà.
Bất động sản hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc. Do đó, ngành này đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì sự ổn định của xã hội, Bloomberg nhấn mạnh.
Theo ông Andrew Collier - Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Orient Capital Research, gói giải pháp cho ngành bất động sản là một sự “đảo chiều ngoạn mục” của chính quyền trung ương.
Tiếp đến là cuộc gặp của ông Tập với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Đây là cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden lên nhậm chức vào đầu năm 2021.
Trong nhiều năm qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã ngày càng trở nên tồi tệ. Gần đây, hai nước căng thẳng về vấn đề đảo Đài Loan, sau đó Mỹ cắt đứt nguồn cung chất bán dẫn mà Trung Quốc cần để phát triển các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo.
Kết quả cuộc gặp vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý nối lại hợp tác trong các lĩnh vực như khí hậu, thương mại và an ninh lương thực.
Họ cũng nhất trí về lằn ranh đỏ đối với cuộc chiến của Nga tại Ukraine và nhấn mạnh hai bên cần tương tác để tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp. Tổng thống Biden bày tỏ, “hai nước không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới”.
Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chia sẻ với các phóng viên rằng cuộc gặp “đã mở ra một điểm khởi đầu mới”.
Thách thức còn nhiều
Tuy nhiên, công chúng vẫn còn phải xem Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục xử trí ba vấn đề trên đến đâu, tờ Bloomberg lưu ý.
Trên mặt trận Zero COVID, tỷ lệ tiêm ngừa ở người cao tuổi quá thấp đồng nghĩa rằng hơn một triệu người có thể tử vong nếu Trung Quốc bắt đầu sống chung với virus.
Ngay cả khi chính quyền trung ương nới lỏng gọng kìm với lĩnh vực bất động sản, chính quyền các địa phương vẫn quá phụ thuộc vào ngành này. Và đảo Đài Loan vẫn là một vấn đề nan giải, các bên khó có thể sớm đạt được một giải pháp hoà bình.
Ông Adam Ni, cây bút về chính trị Trung Quốc trên trang China Neican, nhận định: “Lý do Bắc Kinh hành động bây giờ là để ngăn niềm tin của thị trường giảm sâu hơn, bởi tình hình xấu đi có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng bất động sản và gây hại cho nền kinh tế”.
“Các biện pháp mới đây có thể giúp tạo lập niềm tin cho thị trường, nhưng không thể giải quyết các vấn đề gốc rễ như tình trạng thừa nhà trống, giá nhà quá cao và doanh nghiệp bất động sản nặng nợ”, ông tiếp lời.
Chính những vấn đề mang tính cấu trúc đó sẽ là bài kiểm tra lớn hơn cho ông Tập.
“Sau đại hội đảng, mọi người cố tìm kiếm dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể bớt tập trung vào chính trị và nỗ lực hồi sinh nền kinh tế”, bà Meg Rithmire, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, cho hay.
“Các gói giải pháp mới dường như là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng, nhưng câu hỏi lớn hơn là các nhà hoạch định chính sách sẽ làm gì khi rủi ro sức khoẻ cộng đồng hoặc rủi ro kinh tế xuất hiện trở lại”, phó giáo sư Rithmire nói.