Nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp nhiều thách thức, bất chấp 'bước ngoặt trong chính sách vĩ mô'
Cần thời gian
Bắc Kinh đã phát tín hiệu sẽ việc nới lỏng chính sách Zero COVID và hạn chế trong lĩnh vực bất động sản - hai vật cản lớn nhất đối với nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, theo SCMP, các nhà phân tích cho rằng tình trạng trì trệ của nền kinh tế có thể sẽ kéo dài tới năm 2023.
Kế hoạch 16 điểm nhằm hỗ trợ ngành bất động sản, cùng với 20 giải pháp để nới lỏng chính sách Zero COVID, đã được công bố vào cuối tuần trước.
Bộ giải pháp COVID - do Quốc vụ viện công bố hôm 11/11 - đã kích hoạt làn sóng tăng giá trên thị trường chứng khoán.
Đà tăng được tiếp tục vào ngày 14/11 sau những tin tức về kế hoạch 16 điểm nhằm giải cứu thị trường nhà đất. Kế hoạch này do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm (CBIRC) phối hợp soạn thảo.
Đồng nhân dân tệ (CNY) cũng đã phục hồi, chốt phiên ngày 14/11 ở ngưỡng 0,1414 CNY/USD, mức tốt nhất kể từ ngày 20/9.
“[Những kế hoạch] công bố vào cuối tuần trước là bước ngoặt trong chính sách vĩ mô của Trung Quốc”, ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận xét. Ông cho rằng những thông báo trên đã “giúp giảm bớt bất ổn chính sách trên thị trường”.
Theo các nhà phân tích, tác động thực sự của hai chính sách mới đến quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ khó có thể bộc lộ rõ trong nhiều tháng, hoặc thậm chí là vài quý tới. Nguyên nhân là do nhu cầu trong và ngoài nước vẫn suy yếu, cũng như chưa ai biết khi nào chính sách Zero COVID sẽ kết thúc.
Bà Shan Hui, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Goldman Sachs, cho rằng nguyên tắc cơ bản của các biện pháp hỗ trợ mới dành cho lĩnh vực bất động sản thực chất không hề mới.
Một số biện pháp có thể kể đến như giải quyết cuộc khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển và giảm bớt khoản thanh toán trước (down payments) cho người mua nhà.
Bà nói: “Trong bối cảnh doanh số bán nhà suy giảm và tình trạng thâm hụt tín dụng của các công ty địa ốc ngày càng nới rộng, các nhà hoạch định chính sách...có thể muốn ổn định thị trường bằng cách đưa ra một loạt các biện pháp nới lỏng”.
“Cùng với 20 biện pháp COVID, 16 giải pháp hỗ trợ ngành địa ốc có thể tạo ra phản ứng mạnh trên thị trường nhưng không làm thay đổi đáng kể những nguyên tắc kinh tế cơ bản hiện nay”, bà nhận định.
Chưa có dấu hiệu phục hồi
Ngành bất động sản là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, đồng thời là thành tố lớn nhất trong tài sản hộ gia đình. Đối với chính quyền địa phương, việc bán đất đã trở thành nguồn thu nhập lớn nhất.
Các nhà phát triển tại Trung Quốc đã gặp khó khăn kể từ năm ngoái, sau các chính sách nhằm tháo gỡ đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp và ngăn giá nhà ở tăng cao. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bị cạn kiệt thanh khoản, đe dọa tới sự ổn định của hệ thống tài chính.
Các nhà kinh tế của ngân hàng Nomura cho biết gói chính sách 16 điểm là “thay đổi quan trọng nhất” kể từ khi Trung Quốc thắt chặt đáng kể nguồn tài chính cho lĩnh vực bất động sản.
“Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi”, các nhà kinh tế của Nomura cho biết. “Đầu tiên, quan điểm chính thức vẫn là nhà để ở, không phải để đầu cơ, và Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xem đâu là mô hình thị trường phù hợp để áp dụng”.
“Thứ hai, chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh, dù đã có một số điều chỉnh gần đây, vẫn sẽ tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực nhà đất".
Vào ngày 13/11, Trung Quốc ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm COVID mới. Nhiều tỉnh thành lớn, bao gồm Quảng Châu và Bắc Kinh, chứng kiến sự gia tăng của các ca bệnh, buộc giới chức địa phương phải tăng cường hạn chế và phong toả những khu vực lân cận.
Thông báo của Quốc vụ viện hôm 11/11 nêu rõ rằng chỉ nên tiến hành xét nghiệm trên diện rộng ở những khu vực trọng điểm, đã phát hiện ra các ca bệnh. Chính quyền địa phương đã thực hiện theo yêu cầu trên bằng cách cắt giảm số lượng xét nghiệm miễn phí cho người dân.
Tuy vậy, công chúng lo ngại rằng một số chính quyền địa phương có thể sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế.
Vào ngày 12/11 tại Trùng Khánh, đô thị với hơn 32 triệu dân, một số khu vực “rủi ro trung bình” đã bị phân loại thành “rủi ro cao”. Nhóm giải pháp mới của Quốc vụ viện yêu cầu giảm phân loại rủi ro xuống còn hai cấp là “rủi ro thấp” và “rủi ro cao”, không còn “rủi ro trung bình”.
Hôm 14/11 tại Bắc Kinh, nơi các ca nhiễm đã tăng từ hàng chục lên hàng trăm trong vài ngày qua, người dân than phiền về việc nhiều cơ sở xét nghiệm miễn phí bị đóng cửa, trong khi nhiều địa điểm, từ nhà hàng tới văn phòng, đều yêu cầu khách hàng xuất trình kết quả âm tính trong vòng 24 giờ.
Bà Shan cho biết đợt bùng phát hiện nay đã làm lộ rõ những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn, do Trung Quốc vẫn tuân thủ chính sách Zero COVID.
Theo ông Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, câu hỏi vẫn là làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa việc ngăn chặn sự bùng phát nghiêm trọng của dịch COVID và không phải áp đặt các biện pháp hạn chế quá mức.
Theo ông, hiện tại các nhà đầu tư đang thận trọng đón nhận những tin tức tích cực, sau một vài thông tin đầy hy vọng nhưng không mang lại kết quả vào đầu năm nay.
“Bất kỳ thay đổi nào trong chính sách Zero COVID đều khiến mọi người quan tâm. Phe bán đồng thuận rằng việc mở cửa sẽ xảy ra trong quý II/2023. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư không bị thuyết phục”, ông cho biết.