Trung Quốc công bố kế hoạch giải cứu bất động sản sâu rộng nhất
Theo nguồn tin của Bloomberg, Trung Quốc đã công bố kế hoạch giải cứu sâu rộng nhất để vực dậy thị trường bất động sản đang sa lầy.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) hôm 11/11 đã cùng đưa ra thông báo cho các tổ chức tài chính để chuẩn bị các kế hoạch nhằm đảm bảo “sự phát triển ổn định và lành mạnh” của lĩnh vực bất động sản.
Không giống như những biện pháp trước đó, thông báo lần này bao gồm 16 biện pháp từ giải quyết khủng hoảng thanh khoản cho tới nới lỏng các yêu cầu thanh toán cho người mua nhà.
Các khoản vay ngân hàng chưa thanh toán của nhà phát triển và những khoản vay tín thác đến hạn trong vòng 6 tháng tới có thể được gia hạn thêm một năm. Trong khi đó, nợ trái phiếu của doanh nghiệp cũng có thể được gia hạn hoặc hoán đổi thông qua đàm phán.
Động thái trên là dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang giảm bớt sự kìm hãm với lĩnh vực bất động sản, vốn là một trong những lực cản lớn nhất với nền kinh tế thứ hai thế giới, cùng với Zero COVID.
Nhà chức trách Trung Quốc cũng đã ban hành một loạt biện pháp để điều chỉnh lại cách tiếp cận với đại dịch COVID vào hôm 11/11. Bắc Kinh đã công bố 20 biện pháp cho các quan chức địa phương nhằm giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của việc chống lại đại dịch COVID.
Theo Bloomberg, những thay đổi về chính sách gần đây có thể làm giảm bớt hai trong số những trở ngại lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Hong Kong đã hưởng ứng bằng mức tăng 17% trong hai tuần qua. Chỉ số Hang Seng China Enterprises hiện đã phục hồi những tổn thất sau Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng trước, chuyển từ một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất kém nhất thế giới sang thành một trong những chỉ số tốt nhất.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý ngành ngân hàng chưa trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Xoa dịu khủng hoảng
Trong những tháng vừa qua, các nhà chức trách Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng bất động sản bằng hàng loạt các biện pháp, bao gồm cắt giảm lãi suất, hối thúc ngân hàng lớn mở rộng khoản tín dụng trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong những tháng cuối năm và cung cấp các khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách nhằm giúp các dự án bất động sản dở dang được bàn giao.
Trung Quốc cũng mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả công ty bất động sản, lên khoảng 250 tỷ nhân dân tệ trong tuần này. Động thái trên có thể giúp các nhà phát triển bất động sản bán được nhiều trái phiếu hơn và giảm bớt khó khăn về thanh khoản.
Một trong những thay đổi lớn nhất về mặt chính sách trong thông báo hôm 11/11 của PBoC và CBIRC là việc cho phép nới lỏng “tạm thời” những hạn chế đối với việc vay ngân hàng của các nhà phát triển bất động sản.
Vào năm 2021, Trung Quốc đã bắt đầu áp đặt giới hạn cho vay bất động sản của ngân hàng khi các nhà chức trách tìm cách thặt chặt lĩnh vực dễ xảy ra bong bóng và gỡ đòn bẩy tài chính với một số doanh nghiệp lớn nhất.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý khuyến khích ngân hàng đàm phán với người mua nhà về việc gia hạn trả nợ thế chấp, và nhấn mạnh rằng điểm tín dụng của người mua sẽ được bảo vệ. Động thái trên có thể giúp làm giảm nguy cơ bất ổn xã hội sau khi một số người mua nhà đã từ chối thanh toán khoản vay thế chấp kể vào hồi tháng 7 vừa qua.
Thị trường mới trị giá 2.400 tỷ USD của Trung Quốc vẫn đang mong manh, còn các khoản nợ bất động sản vẫn tăng lên. Theo dữ liệu chính thức mới nhất, vào tháng 9, sự sụt giảm của thị trường nhà ở Trung Quốc đã đạt mức nghiêm trọng nhất trong vòng 8 năm.
Tại các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu liên quan tới bất động sản đã lên mức 30%, theo ước tính của Citigroup.
Các dấu hiệu nới lỏng hạn chế bất động sản và Zero COVID đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Một thước đo của Bloomberg Intelligence về cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng 18% vào hôm 11/11, với Country Garden Holdings tăng thêm tới 35%.
Tuy vậy, các nhà phát triển đang phải đối mặt với các khoản nợ sắp đáo hạn. Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có ít nhất 292 tỷ USD các khoản vay trong nước và nước ngoài đáo hạn tính đến cuối năm 2023. Trong năm nay, các nhà phát triển sẽ phải trả 53,7 tỷ USD, còn quý I/2023 sẽ là 72,3 tỷ USD.