|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trong khi phương Tây đương đầu lạm phát, Trung Quốc lại đối mặt áp lực giảm phát

08:04 | 08/11/2022
Chia sẻ
Do nhu cầu nội địa yếu đi, áp lực giảm phát tại Trung Quốc đang ngày càng lớn. Tuy nhiên, đây có thể là một tin vui cho các nền kinh tế đang phải đau đầu ghìm cương lạm phát.

 

 

Xe tải đi qua một trạm kiểm soát ở Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).

Áp lực giảm phát tại Trung Quốc đang ngày càng lớn khi COVID-19 tái bùng phát và các biện pháp kiểm soát dịch kìm hãm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cùng lúc, giá của một số hàng hoá công nghiệp đi xuống cũng đang gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải hạ giá bán.

Theo ước tính trung vị của các nhà kinh tế mà Bloomberg đã phỏng vấn, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 10, lần đầu tiên sau gần hai năm qua.

PPI dự kiến sẽ giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,9% vào tháng 9. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng có khả năng sẽ hạ nhiệt, từ mức tăng 2,8% của tháng 9 xuống còn khoảng 2,4% trong tháng 10.

 

Các dữ liệu trên cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc đã suy yếu hơn nữa khi các hạn chế COVID gây thiệt hại nặng nề đến chi tiêu, nhu cầu xuất khẩu giảm sút và hoạt động xây dựng tiếp tục thu hẹp.

Thực trạng trên xảy ra bất chấp việc các nhà hoạch định chính sách đã triển khai một số biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu đối với nhiều loại hàng hoá từ ô tô điện đến nhà ở, tờ Bloomberg nhấn mạnh.

Sự trở lại của giảm phát sẽ tiếp tục làm tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp, dù người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương ở những nước khác có thể vui mừng khi hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Raymond Yeung - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc, Hong Kong và Macau của Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), cho hay: “Trung Quốc đang rơi vào một vòng xoáy giảm phát”.

Vị chuyên gia cho rằng “nhu cầu của người dân Trung Quốc đang rất yếu”, bởi hai chỉ số PPI và CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) đều có xu hướng giảm sâu hơn.

Giá của một số hàng hoá công nghiệp hạ nhiệt là một trong những yếu tố dẫn đến giá sản xuất và tiêu dùng đi xuống. Cú lao dốc của thị trường bất động sản cũng đè nặng lên giá của các hàng hoá công nghiệp nặng.

Theo Bloomberg Economics, so với cùng kỳ năm trước, giá của các mặt hàng bao gồm xi măng, thép cây và đồng đã tiếp tục giảm mạnh hơn trong tháng 10.

Ông Eric Zhu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg, nhận định: “Mức giảm của giá xi măng đặc biệt đáng chú ý. Giá của mặt hàng này đã tụt hơn 30% trong tháng 10, sau khi giảm 10% hồi tháng 9...”

“Giá của các sản phẩm đầu vào, bao gồm cả than đá và dầu thô, hầu hết đều thu hẹp mức tăng hoặc ghi nhận đà giảm ngày càng lớn”, ông Zhu thông tin thêm.

 

Tháng trước, các nhà kinh tế của Capital Economics, bao gồm ông Julian Evans-Pritchard, dự đoán “lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc sẽ ở mức âm trong phần lớn năm 2023” do giá hàng hoá toàn cầu đi xuống.

Do nhu cầu yếu khi nền kinh tế chững lại, giá tiêu dùng của Trung Quốc hầu như không tăng đáng kể, trái ngược hoàn toàn với hầu hết các nước khác.

Cuộc chiến không khoan nhượng của chính phủ với COVID chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong tháng qua, Trung Quốc đã triển khai phong toả tại nhiều nơi, bao gồm một phần thành phố Trịnh Châu - nơi đặt nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn, và một số quận của thành phố Vũ Hán.

 Số ca nhiễm mới cũng tăng lên ở các tỉnh thành khác như Bắc Kinh và Quảng Châu, buộc chính quyền địa phương phải hạn chế di chuyển và đóng cửa trường học.

Ông Louis Kuijs, kinh tế trưởng khu vực APAC của S&P Global Ratings, nhận định: “Trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu kém như vậy, giảm phát không phải là không thể xảy ra”.

“Nếu nhu cầu trong nước tiếp tục suy yếu, Trung Quốc có thể trải qua tình trạng giảm phát, đặc biệt là khi giá năng lượng và hàng hoá công nghiệp cùng giảm sâu hơn. Đây sẽ là một mối lo lớn”, ông Kuijs nói.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát thấp cho thấy Trung Quốc “vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách hơn nữa”, ông Larry Hu - nhà kinh tế cấp cao tại Macquarie Group, cho hay.

Ông Hu dự đoán áp lực giảm phát tại Trung Quốc sẽ còn kéo dài cho đến khi các nhà hoạch định chính sách “quyết tâm” thúc đẩy nhu cầu đi lên.

Đối với nền kinh tế toàn cầu, việc Trung Quốc chững lại có thể giúp kiềm chế vấn đề lạm phát trên thế giới. “Trớ trêu thay, cú sốc giảm phát của Trung Quốc lại đang giúp thế giới giải bài toán lạm phát”, ông Yeung của ANZ chia sẻ.

Yên Khê