|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bắc Kinh 'kiên định' theo đuổi Zero COVID, chứng khoán Trung Quốc có nguy cơ bị bán tháo

07:57 | 07/11/2022
Chia sẻ
Tuần trước, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhờ tin đồn Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách Zero COVID. Tuy nhiên, bình luận hồi cuối tuần của các quan chức y tế có thể sẽ dập tắt hy vọng đó và khiến thị trường đảo chiều giảm điểm trong tuần này.

 

Nhân viên y tế lấy mẫu thử COVID của người dân Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài đã quay đầu giảm 0,8% xuống còn 7,24 CNY/USD - loại bỏ một phần mức tăng 2% của phiên 4/11. Đây có thể là tín hiệu cho một tuần đầy biến động nữa của thị trường Trung Quốc.

Diễn biến này xuất hiện sau khi các quan chức y tế Trung Quốc tuyên bố sẽ “kiên định” theo đuổi chính sách Zero COVID, khiến công chúng giảm bớt hy vọng rằng Bắc Kinh đang nỗ lực nới lỏng các hạn chế chống dịch.

Tuần trước, nhiều tài sản từ cổ phiếu đến dầu mỏ đều tăng mạnh do nhà đầu tư tin rằng Trung Quốc sắp mở cửa nền kinh tế trở lại. Chỉ số Hang Seng China Enterprises có tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2015, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất trong hai tháng.

Tuy nhiên, các tài sản rủi ro trên sẽ phải đối mặt với một ngày đầu tuần khó khăn sau khi các nhà chức trách dập tắt những hy vọng đó trong một cuộc họp báo ngắn vào ngày 5/11, tờ Bloomberg cho hay.

Ông Hu Xiang, một quan chức cấp cao của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Thực tế trước đây đã chứng minh rằng các kế hoạch phòng ngừa và kiểm soát, cùng một loạt biện pháp chiến lược của chúng tôi, là hoàn toàn đúng đắn”.

Chia sẻ của ông Hu là bình luận mới nhất từ các quan chức chính phủ nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với chính sách phong toả và xét nghiệm hàng loạt để ngăn chặn COVID lây lan. Song, chiến lược này đã đè nặng lên nền kinh tế và gây hại cho thị trường tài chính.

 

Trước đó, trong một báo cáo, Goldman Sachs cho biết Trung Quốc đã phát đi một số tín hiệu về khả năng từ bỏ chính sách Zero COVID, chẳng hạn như cố gắng giảm bớt nỗi lo của công chúng về virus.

Tuy nhiên, “chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cần phải duy trì chính sách Zero COVID cho đến khi mọi việc chuẩn bị hoàn tất”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhấn mạnh.

Quá trình chuẩn bị có thể mất vài tháng. Theo Goldman Sachs, có thể Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại vào quý II năm sau.

Dù vậy, các dấu hiệu về việc mở cửa trở lại xuất hiện sau khi Bắc Kinh phủ nhận các thay đổi chính sách. Chính điều này đã khiến các nhà đầu tư bận tâm và khiến thị trường thêm biến động.

Các nhà đầu tư hiện đang tìm kiếm lý do để mua vào cổ phiếu Trung Quốc. Trong năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường giao dịch kém nhất thế giới, một phần do nền kinh tế đang tăng trưởng gần với tốc độ thấp nhất trong 4 thập kỷ.

Thị trường đã nhận được cú hích vào tuần trước bởi nhiều bài đăng trên mạng về việc Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, dù các bài viết này chưa được kiểm chứng.

Cổ phiếu cũng được hỗ trợ bởi loạt tin tức cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc nới lỏng Zero COVID. Chẳng hạn, Bloomberg từng đưa tin rằng giới chức Trung Quốc đang lên kế hoạch để khôi phục các chuyến bay quốc tế.

Ngoài ra, trong chuyến thăm đến Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Trung Quốc sẽ tiêm vắc xin của BioNTech cho người nước ngoài tại nước này - một bước đầu tiên để thực hiện tiêm chủng vắc xin ngoại rộng rãi hơn.

Cuộc phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc diễn ra chỉ một tuần sau cú lao dốc lịch sử, vốn bắt nguồn từ sự xáo trộn ban lãnh đạo cấp cao tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Theo ông Cui Xuehua, nhà phân tích cổ phiếu Trung Quốc tại Meritz Securities, dù cổ phiếu Trung Quốc có khả năng giảm điểm trong phiên 7/11, kỳ vọng về các gói kích thích mới sau loạt dữ liệu kinh tế yếu kém có thể giúp hạn chế đà giảm.

“Tôi dự đoán thị trường sẽ đảo ngược mức tăng của tuần trước, nhưng không thể phá vỡ mức thấp xác lập trước đó. Các tin đồn lan truyền là một tín hiệu tích cực cho thấy chính phủ Trung Quốc đang thảo luận nội bộ về việc nới lỏng Zero COVID”, ông giải thích.

Tuy nhiên, ngay cả trước những bình luận của các quan chức y tế hồi cuối tuần qua, một số nhà phân tích khác vẫn cảnh báo rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tình trạng hỗn loạn.

Các chiến lược gia của KB Securities nhận xét: “Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư sẽ tiếp tục hoang mang thêm một thời gian nữa”.

Khả Nhân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.