Lý do kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, bất chấp những dự báo bi đát
Theo South China Morning Post, trong suốt ba thập kỷ qua, không thiếu những người đưa ra dự đoán về cái kết của Trung Quốc.
Tác giả Zhou Xiaoming, cựu Phó Đại diện Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva, đã từng gặp một giáo sư tại cuộc hội thảo về Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc ở Đại học Oxford vào năm 2013. Vị giáo sư này khẳng định rằng Đại hội lần thứ 18 là một nỗ lực “tuyệt vọng” của Đảng Cộng sản để cứu bản thân khỏi sụp đổ.
Tương tự, các kênh truyền thông đại chúng của phương Tây trong tuần qua đều truyền tải một thông điệp bi quan với nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh không có mấy lựa chọn để khôi phục lại tăng trưởng cũng như không có hi vọng để bắt kịp Mỹ trong thế hệ này.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại còn 3% trong 9 tháng đầu năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% và chậm nhất trong vòng 4 thập kỷ. Tuy vậy, việc đưa ra kỳ vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc dựa trên kết quả của vài quý, hoặc thậm chí vài năm sẽ là hấp tấp.
Vẫn tiến về phía trước
Việc nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng phản ánh sự năng động trong bối cảnh các đợt phong tỏa COVID và những hạn chế khác.
Khi những biện pháp phòng dịch này kết thúc, nhu cầu, và nguồn cung, vốn bị đè chặt, sẽ tăng lên nhanh chóng, tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế. Trung Quốc sau đó sẽ trở lại mức tăng trưởng bình thường.
Hiện tại, nền kinh tế của Bắc Kinh đang lấy lại động lực khi các hạn chế giảm bớt. Các chuyến bay quốc tế đến và ra khỏi Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Quy tắc nhập cảnh đã được nới lỏng cho người nước ngoài, bao gồm doanh nhân và sinh viên.
Với chiến lược được tinh chỉnh chính xác, sẽ có ít người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa diện rộng hơn. Việc phong tỏa cả một thành phố, như từng xảy ra tại Thượng Hải, đã là dĩ vãng.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong ngắn hạn. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn ở vị thế tốt hơn nhiều quốc gia để vượt qua những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ phải căng mình kiềm chế mức lạm phát cao kỷ lục, Trung Quốc đang dễ thở hơn nhiều với mức lạm phát thấp hơn mục tiêu 3%. Và so với hầu hết các nước phát triển, vốn đã sử dụng hết các công cụ của mình, Bắc Kinh vẫn còn đáng kể các lựa chọn tài chính và tiền tệ.
Hơn nữa, cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang vận hành ổn định. Trong những năm COVID, Trung Quốc đều đặn tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu.
Ba quý đầu năm 2022 đã chứng kiến xuất khẩu của Trung Quốc vọt lên mức kỷ lục là 17.670 tỷ nhân dân tệ (2.400 tỷ USD), tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Các cường quốc xuất khẩu khác như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng kiến thặng dư thương mại biến mất. Trong khi đó, thặng dư của Trung Quốc trong ba quý đầu năm đạt mức cao nhất mọi thời đại là 4.230 tỷ nhân dân tệ, tăng 53,7% so với cùng kỳ.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy khả năng cạnh tranh của Trung Quốc đã được cải thiện.
Chính trị ổn định
Một sự lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả là rất quan trọng đối với tăng trưởng ở bất kỳ quốc gia nào, nhất là trong những thời điểm khó khăn. Bất chấp những chỉ trích ở phương Tây, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 sẽ đảm bảo Trung Quốc tiếp tục hành trình hiện đại hóa với sự ổn định và dễ đoán.
Điều tương tự không thể xảy ra ở Anh, nơi những đứa trẻ mới chỉ 4 tháng tuổi đã có thể chứng kiến ba đời Thủ tướng, hay tại Mỹ, nơi mà sự thay đổi lãnh đạo ở Nhà Trắng đồng nghĩa với việc nhiều quốc sách bị vứt bỏ.
Chính phủ Trung Quốc tiếp tục cam kết chính sách cải cách và mở cửa kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời tái khẳng định rằng phát triển là ưu tiên hàng đầu. Trái ngược với tuyên bố rằng Bắc Kinh đang quay lưng lại với các quy luật thị trường, ban lãnh đạo nước này đang nỗ lực để phát huy tất cả nguồn lực trong thị trường.
Các chính sách và biện pháp hỗ trợ tăng trưởng đang được triển khai với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ ba ngày sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 kết thúc, chính phủ đã công bố một loạt các biện pháp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Một ngày sau đó, Quốc vụ viện công bố chính sách hỗ trợ bổ sung cho khu vực tư nhân. Những biện pháp trên và cả những biện pháp sắp tới sẽ duy trì sự tăng trưởng, theo tác giả Zhou Xiaoming, cựu Phó Đại diện Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Geneva.
Tiềm năng lớn
Trung Quốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn, với thị trường nội địa hơn 1,4 tỷ dân. Tính theo tỷ lệ GDP, tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng một nửa, thấp hơn nhiều so với mức trên 70% của các nền kinh tế phát triển.
Để thúc đẩy tiêu dùng, Trung Quốc tiếp tục nỗ lực phát triển một thị trường nội địa hội nhập đầy đủ và hoạt động hiệu quả. Và rõ ràng các công ty đa quốc gia vẫn đang rất hào hứng với triển vọng dài hạn của Bắc Kinh.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm tăng 15,6% lên 1.000 tỷ nhân dân tệ, đánh dấu thêm một năm kỷ lục.
BMW đã chuyển một phần hoạt động sản xuất xe Mini của mình từ Oxford, Anh sang Trung Quốc, gã khổng lồ BASF của Đức đã đầu tư 10 tỷ EUR vào một khu phức hợp hóa chất tại Trạm Giang, miền nam Trung Quốc, Volkswagen đã đầu tư 2,4 tỷ EUR vào liên doanh với Horizon Robotics. Tất cả những con số trên đều chứng minh cho niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài vào triển vọng kinh tế dài hạn của Trung Quốc.
Chiến lược tập trung vào đổi mới của Trung Quốc dường như cũng đang phát huy tác dụng. Trong lĩnh vực xe chạy bằng năng lượng sạch, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và thị trường lớn nhất chỉ trong một thập kỷ.
Xe của Trung Quốc đã thâm nhập vào những cường quốc sản xuất ô tô, vượt qua Đức trở thành nước xuất khẩu nhiều ô tô thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản.
Khi động lực kinh tế của Trung Quốc đang chuyển sang đổi mới, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ tiến lên bậc thang giá trị, nâng cao sự bền bỉ và khả năng cạnh tranh.
Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là có thu nhập bình quân đầu người ngang bằng một nước phát triển trung bình vào năm 2035. Mục tiêu này đồng nghĩa với GDP tăng gấp đôi so với 2020, tương đương tăng trưởng 4%/năm. Các nhà kinh tế Trung Quốc đều đồng ý rằng khả năng đạt được mục tiêu này là rất cao.
Lịch sử đã nhiều lần chứng minh những tuyên bố về tương lai u ám của Trung Quốc là sai lầm. Theo tác giả Zhou Xiaoming, khi nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai, vị giáo sư Oxford nói về sự "tuyệt vọng" của Trung Quốc hồi năm 2013 có thể muốn thay đổi quan điểm của mình. Thật không khôn ngoan khi đặt cược vào cửa chống lại Trung Quốc, ông Zhou nhận định.